Hai tuần vận hành chính quyền hai cấp tại Nghệ An: Gọn việc, gần dân

Hai tuần vận hành chính quyền hai cấp tại Nghệ An: Gọn việc, gần dân
9 giờ trướcBài gốc
Khi chính quyền "gần dân"
Trung tuần tháng Bảy, ông Lê Xuân Hương - một người từng gắn bó với hệ thống chính trị cấp xã rời Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Kim Liên với nụ cười nhẹ nhõm. Thủ tục được hướng dẫn rõ ràng, cán bộ tiếp dân ân cần, chuyên nghiệp. "Thay đổi thấy rõ, dân mình hài lòng thật sự", ông Hương nói ngắn gọn.
Cán bộ xã UBND xã Kim Liên hướng dẫn thủ tục cho ông Lê Xuân Hương.
Từng là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hùng Tiến, ông Hương nghỉ công tác sau khi xã này sáp nhập với Nam Cát, Nam Giang, Xuân Hồng và Kim Liên để hình thành xã Kim Liên mới.
Khi biết Chính phủ ban hành Nghị định 154 quy định rõ các trường hợp tinh giản biên chế, nghỉ hưu trước tuổi, ông Hương chủ động lên trụ sở xã mới để làm thủ tục, dù phải vượt hơn 5km xa hơn trước kia.
Nhưng với ông, quãng đường ấy không đáng kể so với một mô hình chính quyền mới vận hành hiệu quả, "Thủ tục rõ ràng, quy trình minh bạch, cán bộ tiếp dân tận tình," ông Hương nói.
Tại xã Vạn An, đơn vị hành chính mới hợp nhất từ thị trấn Nam Đàn và các xã Xuân Hòa, Thượng Tân Lộc, guồng máy chính quyền cũng đang vận hành theo tinh thần đổi mới, quyết liệt và gần dân như vậy.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh kiểm tra tình hình vận hành chính quyền cấp xã tại hai đơn vị hành chính mới là xã Kim Liên và xã Vạn An.
Ông Nguyễn Trọng Nam - thương binh hạng 1/4 cũng không giấu được sự hài lòng khi đến làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Vạn. "Cán bộ làm giúp hết mọi giấy tờ, mình chỉ chờ nhận kết quả", ông Nam vui vẻ nói.
Không chỉ là thái độ phục vụ, sự chuyển mình sâu hơn đang diễn ra ở cấp xã nơi tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên nhất với người dân. Bộ máy tuy tinh gọn hơn, nhưng lại hoạt động hiệu quả hơn nhờ quy trình được chuẩn hóa, ứng dụng công nghệ và tinh thần "chính quyền phục vụ" lan tỏa rõ rệt.
Bộ máy tinh gọn, năng lực thực thi nâng tầm
Việc vận hành chính quyền địa phương hai cấp cũng đồng nghĩa với việc cấp xã được phân cấp nhiều công việc, gánh vác thêm nhiều chức năng vốn trước đây thuộc cấp huyện. Áp lực tăng, yêu cầu cao, đòi hỏi cán bộ cấp xã phải thích nghi nhanh chóng từ xử lý đa nhiệm đến ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng chuyển đổi số.
Tại Kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An vừa qua, nhiều đại biểu lên tiếng đề nghị tỉnh tăng cường tập huấn, đào tạo cán bộ cấp xã, bám sát yêu cầu thực tế. UBND tỉnh bắt tay ngay vào hành động. Lãnh đạo tỉnh trực tiếp xuống cơ sở, kiểm tra thực tế tại các địa bàn miền núi, đồng bằng, nơi vừa sáp nhập hoặc giữ nguyên địa giới hành chính.
Cán bộ UBND xã Vạn An phối hợp cùng lực lượng thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh Nghệ An thống kê, rà soát nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất cho cấp xã. Trước mắt, 141 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương được phân bổ để nâng cấp trụ sở, trang thiết bị phục vụ người dân.
Bên cạnh đó, để giải quyết "điểm nghẽn" về công nghệ, các đơn vị viễn thông bố trí nhân lực đến tận trung tâm hành chính công cấp xã để "cầm tay chỉ việc" cho cán bộ trong thao tác kỹ thuật và xử lý hồ sơ trên hệ thống. Các khóa tập huấn chuyên sâu cũng được xây dựng theo hướng thực chiến không chỉ dạy lý thuyết, mà chú trọng kỹ năng xử lý tình huống thực tế.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong quá trình hiện đại hóa bộ máy chính quyền địa phương là việc tỉnh Nghệ An đang khẩn trương hoàn thiện và sẽ đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh IOC (Intelligent Operations Center) vào tháng 9/2025.
Hệ thống này sẽ giúp kết nối trực tuyến giữa tỉnh và xã, theo dõi sát sao hoạt động của các cấp chính quyền, đồng thời tương tác nhanh với người dân. Đây được xem là bước tiến mạnh mẽ trên hành trình xây dựng nền hành chính số, minh bạch, phục vụ tốt hơn.
Với tinh thần "vào guồng ngay sau khi sáp nhập", chính quyền Nghệ An đang chứng minh quyết tâm chính trị bằng hành động cụ thể: Đầu tư trọng điểm, nâng chất cán bộ, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho cơ sở.
Mô hình chính quyền địa phương hai cấp sẽ còn tiếp tục hoàn thiện. Nhưng chỉ sau hai tuần vận hành, những tín hiệu tích cực từ cơ sở đặc biệt là ở cấp xã đang lan tỏa tinh thần đổi mới và tạo nền móng vững chắc cho một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, vì dân và gần dân.
Hoàng Trinh
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/hai-tuan-van-hanh-chinh-quyen-hai-cap-tai-nghe-an-gon-viec-gan-dan-169250715094342272.htm