Trước đó, tháng 5/2024, tuyến AAE-1 bị lỗi trên 2 nhánh là S1H3 giữa trạm cập bờ Cambodia với Việt Nam, và S1H5 hướng kết nối đi Singapore. Đến nay, việc khắc phục sự cố tuyến cáp này chưa xong.
Như vậy, với việc tuyến cáp APG gặp sự cố, 2/5 tuyến cáp quang của Việt Nam bị lỗi, gây ảnh hưởng đến việc truy cập Internet quốc tế, trong đó có việc truy cập các ứng dụng phổ biến như Facebook, YouTube, TikTok.
Việt Nam hiện có 5 tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế gồm AAG (châu Á - Mỹ), APG (châu Á - Thái Bình Dương), SMW-3 (Đông Nam Á - Trung Đông - Tây Âu), IA (Liên Á) và AAE-1 (châu Á - châu Phi - châu Âu).
Tuyến cáp quang APG vừa bị lỗi trên nhánh S8 gần Thái Lan.
Những năm qua, các tuyến cáp quang này nhiều lần gặp sự cố, gây ảnh hưởng đến Internet Việt Nam đi quốc tế. Đầu năm 2023, cả 5 tuyến cáp quang đều gặp sự cố, làm mất kết nối khoảng 75% lưu lượng quốc tế. Đây là sự cố đứt cáp quang biển nghiêm trọng nhất lịch sử.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt “Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” với mục tiêu đến năm 2027, Việt Nam sẽ triển khai và đưa vào hoạt động thêm 4 tuyến cáp quang biển mới. Từ năm 2028 đến năm 2030 đưa vào hoạt động thêm tối thiểu 6 tuyến cáp quang biển mới. Ngoài ra, 2 tuyến cáp quang đất liền sẽ được xây dựng.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ triển khai và đưa vào hoạt động tối thiểu thêm 10 tuyến cáp quang trên biển mới, nâng tổng số tuyến cáp quang trên biển của Việt Nam lên ít nhất 15 tuyến với dung lượng thấp nhất 350 Tbps.
Theo Nguyễn Hoài (TPO)