Hàm Thuận Nam: Đồng bào vùng cao tham gia mô hình về cải thiện sinh kế

Hàm Thuận Nam: Đồng bào vùng cao tham gia mô hình về cải thiện sinh kế
5 giờ trướcBài gốc
Đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi
Hôm ấy, ở trung tâm xã Hàm Cần, người dân và các đơn vị chuyên môn, chính quyền địa phương của Hàm Thuận Nam tập trung đông đảo, vui nhộn hơn thường ngày. Đó là thời điểm ông Mang Văn Chung - thôn 2, xã Hàm Cần và một số hộ dân khác trong xã được nhận hỗ trợ cừu sinh sản để cải thiện sinh kế trong thời gian tới. Niềm vui thể hiện trên từng nét mặt của họ, bởi từ nay gia đình đã có thêm "kế sinh nhai" từ mô hình chăn nuôi cừu, với sự hỗ trợ của Nhà nước.
Hỗ trợ cừu sinh sản đến một số hộ đồng bào xã Hàm Cần thực hiện mô hình.
Có mặt tại buổi tổ chức sự kiện này, bà Phạm Thùy Linh – cán bộ thực hiện mô hình (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết: Trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện mô hình chăn nuôi cừu thích ứng với hạn hán nắng nóng tại khu vực Nam Trung bộ. Trong đó, xã Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) là điểm được chọn để triển khai mô hình. Có 70 con cừu cái sinh sản và 7 con cừu đực, cùng với vắc xin, tảng đá liếm và thức ăn chăn nuôi tổng hợp… đã được hỗ trợ đến 7 hộ đồng bào trên địa bàn.
Đây là những con giống từ tỉnh Ninh Thuận - nơi có nhiều trang trại cừu quy mô lớn cả nước để lựa chọn “bấm số” và vận chuyển về bàn giao tại các nông hộ. Loại cừu này nuôi xẻ thịt làm thực phẩm, lông, sữa, mỡ, da cừu cũng được sử dụng phổ biến trong ngành hàng may mặc, thuộc da và dược phẩm. Cừu hỗ trợ cho đồng bào đang trong giai đoạn sinh sản, 1 năm đẻ hơn 1,5 lứa, một lứa từ 1 đến 3 con. Tổng kinh phí mô hình thực hiện là hơn 300 triệu đồng, trong đó Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ 70%, còn lại vốn đối ứng từ phía hộ dân.
Các hộ dân được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi khi tham gia mô hình.
Theo cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để triển khai mô hình này, đơn vị cùng UBND xã Hàm Cần và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận phối hợp thông tin cho bà con biết mô hình sinh kế triển khai và bà con đăng ký thực hiện. Trước khi thực hiện, đơn vị chuyên môn đã tổ chức tập huấn cho bà con nắm bắt kỹ thuật trong chăn nuôi, có cán bộ hướng dẫn và đồng hành với bà con để mô hình này có hiệu quả nhất.
Về phía đơn vị chuyên môn của Bình Thuận, ông Phạm Kim Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh chia sẻ: Hàm Cần là một xã miền núi của huyện Hàm Thuận Nam thường xảy ra nắng nóng, thiếu nước, nhất là vào mùa khô. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp chính quyền địa phương thực hiện mô hình chăn nuôi cừu. Đây là đối tượng dễ nuôi, ít dịch bệnh và có khả năng chống chịu điều kiện nắng nóng khô hạn, ít nguồn thức ăn tươi. Để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho bà con trong lĩnh vực chăn nuôi, chúng tôi hướng dẫn cho bà con đầy đủ về công nghệ, từ khâu làm chuồng trại tới khâu chọn giống… Đồng thời hướng dẫn bà con thêm cách phòng trị bệnh và chế biến thức ăn để đảm bảo trong mùa khô hạn. Chúng tôi hy vọng mô hình này sẽ tạo được sinh kế, tăng thu nhập cho bà con ở vùng nóng, khô hạn của xã Hàm Cần.
Ông Mang Văn Chung và niềm vui khi được hỗ trợ cừu.
Thúc đẩy kinh tế nông nghiệp địa phương phát triển bền vững
Thực tế xã Hàm Cần nói riêng và Bình Thuận nói chung trong những năm qua cho thấy, biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai không chỉ là những thách thức toàn cầu mà còn là những vấn đề đặc biệt cấp bách và quan trọng đối với nông nghiệp. Trong đó, khu vực Nam Trung bộ đang phải đối mặt với nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan như hạn hán, sạt lở, nguồn tài nguyên nước bị cạn kiệt. Những hiện tượng ảnh hưởng đến đời sống của bà con nông dân và tác động mạnh mẽ đến năng suất và chất lượng nông sản.
Một góc xã Hàm Cần.
Đặc biệt, biến đổi khí hậu gây tổn thương cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, phụ nữ trụ cột và dân tộc thiểu số đang tham gia sản xuất nông nghiệp. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai có diễn biến ngày càng cực đoan, bất thường. Hậu quả gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người dân, đặc biệt là các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Vì vậy, công tác nâng cao nhận thức cộng đồng, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng được xác định là một trong những giải pháp phi công trình quan trọng cần được thực hiện thường xuyên và xuyên suốt trong quá trình phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Hàm Cần sinh sống chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, gồm các loại cây ngắn ngày, cây thanh long và chăn nuôi. Vì vậy, việc thực hiện mô hình “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi cừu thích ứng với hạn hán, nắng nóng tại khu vực Nam Trung bộ” tại xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam đã và đang góp phần nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó thiên tai, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng bào vùng cao Hàm Thuận Nam tham gia mô hình về cải thiện sinh kế đã và đang dần hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia vào công tác phòng chống thiên tai của đại đa số người dân; tạo sinh kế cho đồng bào, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp địa phương phát triển bền vững…
Ngày 6/4 /2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 553/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030. Mục đích là tạo ra sự chuyển biến tích cực từ một “cộng đồng dễ bị tổn thương” sang một “cộng đồng có năng lực, cùng nhau chủ động phòng ngừa, ứng phó và phục hồi” bằng cách phát huy tối đa các nguồn lực sẵn có trong cộng đồng và các nguồn lực khác nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai. Mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi cừu thích ứng với hạn hán, nắng nóng tại khu vực Nam Trung bộ thuộc đề án này.
KIỀU HẰNG
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/ham-thuan-nam-dong-bao-vung-cao-tham-gia-mo-hinh-ve-cai-thien-sinh-ke-126068.html