Hân hoan trở về ký ức Hà Nội xưa

Hân hoan trở về ký ức Hà Nội xưa
5 giờ trướcBài gốc
Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ hoa, treo nhiều băng rôn, khẩu hiệu chào mừng Ngày giải phóng Thủ đô. Ảnh: Thủy Lê
Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), trên nhiều tuyến phố, ở nhiều địa điểm đều diễn ra một loạt hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng sự kiện trọng đại. Một trong những sự kiện văn hóa đáng chú ý chính là triển lãm ảnh “Hà Nội-một thời để nhớ” diễn ra từ ngày 10 đến 31/10, tại Biệt thự di sản 49 Trần Hưng Đạo. Triển lãm gồm 86 bức ảnh đen trắng lần đầu tiên được công bố của hai tác giả Lê Bích và Andy Soloman (phóng viên người Anh). Qua triển lãm, người xem sẽ cảm nhận rõ nét về Hà Nội của máu và hoa, hay một Hà Nội trong thời kỳ đổi mới, vươn dậy mạnh mẽ.
Phóng viên Andy chia sẻ: “Hà Nội trở thành tình yêu, sự quan tâm đặc biệt của tôi từ năm 1992 khi lần đầu tiên tôi đặt chân tới đây. Và ở đây, tôi được người dân chào đón, yêu mến, đối đãi bằng sự tử tế và lòng mến khách tuyệt vời. Những bức ảnh tôi vẽ về Thủ đô từ ngày đó, đến giờ nhìn lại, nó giống như những thước phim có thật và là nguồn tư liệu quan trọng về thành phố này. Tôi hy vọng những người đến với triển lãm sẽ yêu thích những bức vẽ, bởi chúng là minh chứng của thời gian, của kỷ niệm và những cảm xúc rất mãnh liệt. Tôi cũng rất muốn tìm lại một số người trong những bức ảnh tôi đã vẽ vì sẽ thật tuyệt vời nếu được gặp lại họ, nghe những câu chuyện của họ và chụp ảnh họ một lần nữa”.
Còn với nhiếp ảnh gia Lê Bích, ký ức trong anh về một Thủ đô Hà Nội, Thủ đô kháng chiến với những nét hào hoa vẫn còn nguyên vẹn. Giờ đây, Hà Nội đã đổi thay, nhưng anh vẫn luyến nhớ những vẻ đẹp xưa cũ với nét tinh hoa của Hà Nội xưa. “Tôi đã và đang thực hiện những bộ ảnh về vẻ đẹp, tinh hoa và bản sắc của Hà Nội. Tôi mong rằng nó sẽ là một nốt nhạc trầm trong bài ca về Hà Nội, một chùm nắng chiều làm rạng lên vẻ cổ kính của những cánh cổng chùa bạc màu thời gian, một bông cúc vàng trong vườn hoa bên hồ lúc vào Thu... để chúng ta thêm yêu Hà Nội, thêm trân trọng những gì chúng ta đã có hôm nay” - nhiếp ảnh gia Lê Bích cho biết.
Góp mặt với nhiều sự kiện văn hóa nổi bật kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô còn có triển lãm trực tuyến chủ đề “Hỡi đồng bào Thủ đô!”, kéo dài đến ngày 31/10, tại Nhà khách Chính phủ (số 2 Lê Thạch). Triển lãm giới thiệu đến đông đảo công chúng những tài liệu lưu trữ và hình ảnh minh họa về cuộc đấu tranh chống Pháp của quân dân Hà Nội từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1954, trong đó, rất nhiều tài liệu lần đầu tiên công bố. Triển lãm dưới hình thức 3D trực tuyến giúp người xem có thể trải nghiệm không gian Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Pháp mọi lúc, mọi nơi.
Ngoài ra, triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” tập hợp 70 bức ảnh màu và đen trắng chụp từ những năm 1960 của 18 nghệ sĩ, nhà báo đã được công chúng biết đến như: Trịnh Hải, Hoàng Kim Đáng, Trần Hồng, Hoàng Như Thính, Khắc Hường, Phạm Công Thắng, Trần Hải, Đăng Khoa... Người có số ảnh được trưng bày nhiều nhất (15 ảnh) là nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Trịnh Hải, hội viên sáng lập Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, năm nay vừa tròn 92 tuổi.Triển lãm kéo dài đến ngày 29/10, tại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Tại Ngôi nhà Di sản 87 phố Mã Mây, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động song song: Trưng bày chủ đề “Chuyện phố Hàng” từ ngày 4/10 đến ngày 31/12; tour du lịch thực cảnh với chủ đề “Chuyện phố Hàng”, sự kiện diễn ra vào 19 giờ 30 phút, ngày 9/10. Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ xây dựng Chương trình tour thực cảnh “Chuyện phố Hàng”. Lấy cảm hứng từ hình ảnh và những câu chuyện về Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây, “Chuyện phố Hàng” tái hiện đời sống, sinh hoạt của một gia đình trung lưu người Hà Nội làm nghề thuốc Đông y. Thông qua thực cảnh, các nhân vật và các màn biểu diễn nghệ thuật hát, múa truyền thống, kết hợp với kỹ xảo âm thanh, ánh sáng và các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ, các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ sẽ đưa khán giả trở về với cuộc sống những năm 30 của thế kỷ trước.
Triển lãm sách góp phần giáo dục truyền thống yêu nước “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ảnh: Thủy Lê
Một sự kiện văn hóa nổi bật không thể bỏ qua chính là Triển lãm sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra từ ngày 9 đến ngày 13/10, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hà Nội. Triển lãm sách được thực hiện trong khuôn viên Thư viện Quốc gia với các không gian trưng bày trong nhà và ngoài trời theo một số chủ đề trọng tâm gồm: Hà Nội - Nghìn năm văn hiến, anh hùng; Hà Nội - Thành phố vì hòa bình; Hà Nội - Trái tim của cả nước, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia; trưng bày một số cuốn sách tiêu biểu của từng giai đoạn đã được chuyển thể sang tác phẩm điện ảnh. Điểm nhấn của triển lãm sẽ là khu vực ngoài trời với 2 mô hình với chủ đề “Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến” của Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên và “Hà Nội - Thủ đô vì hòa bình” của Nhà xuất bản Hà Nội cùng các gian trưng bày của các nhà xuất bản và đơn vị phát hành.
Trong không gian triển lãm, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) sẽ phối hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam cùng các đơn vị tham gia trưng bày và giới thiệu đến bạn đọc và đông đảo công chúng Thủ đô các bộ sách quý, ảnh và sách về đất nước, con người Việt Nam; những tác phẩm văn học nghệ thuật, công trình nghiên cứu của học giả trong và ngoài nước về một Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, về dấu mốc lịch sử giải phóng Thủ đô 70 năm trước và quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế...
Trong thời gian diễn ra triển lãm, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành xuất bản phẩm sẽ tổ chức nhiều sự kiện tọa đàm, giới thiệu sách; giao lưu tác giả, tác phẩm; chương trình nghệ thuật tiêu biểu... nhằm cung cấp cho bạn đọc và du khách tham quan nhiều trải nghiệm thú vị, đồng thời tổ chức các chương trình khuyến mại tri ân khách hàng với nhiều ưu đãi hấp dẫn dành cho bạn đọc.
Là một trong những người trẻ rất quan tâm đến sự kiện này, bạn Lâm Hoàng Oanh, sinh viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, giới trẻ hiện nay ngày càng quan tâm và tích cực tham gia vào các hoạt động tôn vinh lịch sử, thể hiện niềm tự hào mãnh liệt, tình yêu quê hương tha thiết và góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của đất nước.
“Trước đây, qua các tác phẩm văn học, mình thấy Hà Nội đẹp và thơ mộng vô cùng. Văn học không chỉ là nguồn cảm hứng, mà còn là cầu nối giúp mình hiểu hơn về lịch sử hào hùng, về vẻ đẹp cổ kính của Thủ đô. Những tác phẩm như "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi" của Nguyễn Tuân hay "Hà Nội 36 phố phường" của Thạch Lam đã làm sống lại ký ức và truyền cho mình tình yêu đặc biệt với Hà Nội. Ngày giải phóng Thủ đô không chỉ là một cột mốc lịch sử quan trọng, mà còn là lời nhắc nhở về sự hy sinh kiên cường, anh dũng của thế hệ cha ông” - Hoàng Oanh bày tỏ.
Là một người trẻ, Lâm Hoàng Oanh cảm thấy rất vui và tự hào khi thấy Hà Nội hân hoan kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Không khí ngày lễ kỷ niệm tràn ngập khắp nơi, từ những băng rôn được treo khắp phố, hoạt động văn hóa sôi nổi đến các triển lãm lịch sử. “Những hoạt động này đã giúp mình trân trọng hơn giá trị vĩnh cửu của lịch sử, về sự hi sinh của thế hệ đi trước. Mình mong những ký ức, bức tranh về một thời chiến đấu oai hùng ấy sẽ khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với Thủ đô và đất nước” - Hoàng Oanh khẳng định.
Thủy Lê
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/han-hoan-tro-ve-ky-uc-ha-noi-xua-post481828.html