Gần đây, Hàn Quốc phải hứng chịu một đợt bùng phát loài “bọ tình yêu” (lovebug) với số lượng rất lớn. Theo đài CNN, nhiệt độ mùa hè lên cao được coi là điều kiện lý tưởng khiến loài côn trùng này xuất hiện và hoành hành ở thủ đô Seoul và TP Incheon.
Tình trạng này nghiêm trọng đến nỗi hôm 4-7 giới chức Hàn Quốc đã điều động hàng chục nhân viên đến núi Gyeyangsan ở phía tây thủ đô Seoul để quản lý một "đợt bùng phát cực kỳ nghiêm trọng" bọ tình yêu.
Các video trên mạng xã hội vào đầu tuần qua cho thấy những con đường mòn tuyệt đẹp dọc theo đỉnh núi này xuất hiện dày đặc các con bọ tình yêu.
Bọ tình yêu trên núi Gyeyang, Incheon (Hàn Quốc) hôm 7-3. Ảnh: Anthony Wallace/AFP
Đợt bùng phát của bọ tình yêu ở Hàn Quốc
Bọ tình yêu có tên khoa học là Plecia longiforceps. Sở dĩ chúng có tên gọi này là vì hành vi giao phối của chúng trong khi bay.
Chúng xuất hiện nhiều ở vùng cận nhiệt đới, bao gồm đông nam Trung Quốc, đảo Đài Loan, quần đảo Ryukyu (Nhật). Chúng cũng xuất hiện ở một số vùng Trung Mỹ và miền nam nước Mỹ.
Theo Bộ Môi trường Hàn Quốc, lần đầu tiên bọ tình yêu được phát hiện ở Hàn Quốc là vào năm 2015. Kể từ năm 2022, chúng đã xuất hiện ở và xung quanh Seoul, đặc biệt các khu vực cảng từ tháng 6 đến tháng 7.
Các chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu và nhiệt độ ấm lên đang tạo điều kiện cho bọ tình yêu di chuyển từ phía nam Hàn Quốc lên khu vực phía bắc nước này. Không chỉ vậy, Seoul còn được cho là khu vực có nhiệt độ tăng nhanh hơn so với các khu vực khác trên thế giới.
Tình trạng nhiệt độ cao ở Seoul trở nên tồi tệ hơn do hiệu ứng đảo nhiệt của TP này. Hiện tượng đảo nhiệt xảy ra khi nhiệt độ ở khu vực TP cao hơn nhiều so với các vùng nông thôn lân cận, do các công trình nhân tạo như đường sá, bê tông hấp thụ và giữ nhiệt nhiều hơn.
Bọ tình yêu không truyền bệnh hoặc đốt người. Tuy nhiên, việc chúng bám vào cửa sổ ô tô, tường nhà, nhà hàng và tàu điện ngầm gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Chính quyền Seoul coi bọ tình yêu là loài “có lợi về mặt sinh thái”, không gây nguy cơ sức khỏe cho con người và giúp thụ phấn cho hoa.
Tuy nhiên, truyền thông địa phương đưa tin rằng các khiếu nại liên quan bọ tình yêu gửi đến chính quyền TP đã tăng gấp đôi, từ 4.418 lần vào năm 2023 lên 9.296 vào năm 2024.
Bọ tình yêu vây quanh một người tại núi Gyeyang, Incheon (Hàn Quốc) hôm 7-3. Ảnh: Anthony Wallace/AFP
Đau đầu tìm cách xử lý
Đến thời điểm hiện tại, giới chức Seoul áp dụng biện pháp phun nước vào loài bọ này để chúng di chuyển đến nơi khác và họ cũng khuyên người dân áp dụng biện pháp này.
"Bọ tình yêu không phải là loài gây hại. Hãy ngừng sử dụng thuốc trừ sâu và bảo vệ thiên nhiên!" - chính quyền Seoul khuyến cáo.
Tuy nhiên, những người dân bị loài bọ này "bao vây" thì không bình tĩnh được như vậy. Họ muốn giới chức TP có các biện pháp quyết liệt hơn, không là chỉ phun nước.
"Việc phun nước chẳng có lợi ích gì cả" – ông Ahn Yeon-sik nói khi ông phun nước vào những con bọ tình yêu ở phía trước quán bar của ông ở Incheon.
"Người ta bảo tôi rằng chúng ghét nước, nhưng cách này không hiệu quả" - ông Ahn nói khi những con bọ vẫn vây quanh ông. Ông cũng đã xịt thuốc xịt muỗi và rượu soju vào chúng nhưng không có tác dụng gì.
Khi tham gia chuyến đi bộ đường dài gần đây tại một ngọn núi ở quận Gyeyang (Incheon), ông Kim Jae-woong nhìn thấy đàn bọ tình yêu dày đến nỗi chúng che khuất tầm nhìn của ông và có những đống xác bọ trên đường mòn. Một số con bọ thậm chí còn chui vào quần đùi và áo phông của ông.
"Lúc đầu tôi nghĩ là có thể chịu được, nhưng sau đó có những con bọ chết trên mặt đất và chúng bốc mùi hôi" – ông Kim nói.
Cho đến nay, hầu hết các quan chức ở Seoul và Incheon vẫn kiên trì với phương pháp phun nước. Một số quận của Seoul đã kêu gọi mọi người phun nước vào chúng và tránh mặc quần áo sáng màu.
Tuy nhiên, hôm 1-7, các viên chức y tế ở Gyeyang đã bắt đầu sử dụng xe phun thuốc khử trùng. Hàn Quốc thường xuyên sử dụng xe phun thuốc để diệt muỗi, gián và các loại côn trùng khác thực sự đe dọa đến sức khỏe cộng đồng.
"Chúng tôi không thể xử lý được khối lượng khiếu nại. Mọi người nói rằng chúng quá kinh tởm, đáng sợ và khó chịu nếu chúng tôi không giết chúng" – ông Baek Eun-sil, người đứng đầu nhóm phòng chống bệnh truyền nhiễm của quận Gyeyang, cho biết.
Tuy nhiên, ông Seunggwan Shin – GS sinh học tại ĐH Quốc gia Seoul – cho biết việc sử dụng thuốc trừ sâu có thể khiến bọ phát triển khả năng kháng thuốc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến động vật săn mồi, chẳng hạn chim và bọ ngựa săn mồi.
Một xe phun thuốc khử trùng ở Incheon (Hàn Quốc) hôm 2-7. Ảnh: TRUNG TÂM Y TẾ CÔNG CỘNG INCHEON
Giữa lúc này, có người đã bắt đầu thử các cách xử lý khác.
Một video trên mạng xã hội gần đây cho thấy một người đi bộ đường dài đã cạo những con bọ tình yêu bám trên lan can dọc theo đường mòn, để chúng trong một túi nhựa nhỏ. Người này mang chúng về nhà và cho vào tủ đông, sau đó làm thành một miếng thịt viên, rồi nấu và ăn chúng.
Người này chấm điểm miếng thịt 4,5/5 điểm.
KHOA ĐIỀM