Chiếc Boeing 737-800, mang số hiệu 7C 2216 của hãng hàng không Jeju Air, chở theo 175 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn, khởi hành từ Bangkok, Thái Lan đã hạ cánh khẩn cấp bằng bụng, trượt khỏi đường băng và phát nổ sau khi đâm vào tường rào bao quanh sân bay quốc tế Muan ở quận Muan, cách thủ đô Seoul, Hàn Quốc khoảng 288km về phía tây nam, lúc 9h07 ngày 29/12/2024. Tai nạn đã cướp đi sinh mạng của 179 người và chỉ có 2 tiếp viên trong tổng số 181 người có mặt trên chuyến bay được cứu sống.
Theo hãng tin Yonhap, nhà chức trách đã tìm thấy cả 2 hộp đen của máy bay gặp nạn gồm thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay và thiết bị ghi âm buồng lái. Tuy nhiên, thiết bị ghi âm chuyến bay đã bị hư hại một phần và không còn đầu kết nối bộ lưu trữ dữ liệu với nguồn điện.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm nay (1/1), Joo Jong-wan, Giám đốc bộ phận chính sách hàng không tại Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc cho biết, do không thể trích xuất dữ liệu từ thiết bị ghi âm chuyến bay bị hư hại ở trong nước, bộ này và Ban An toàn giao thông quốc gia Hàn Quốc (NTSB) đã nhất trí gửi thiết bị đến Mỹ để làm việc đó. Các chuyên gia Hàn Quốc cũng sẽ tham gia vào quá trình này ở Mỹ.
Trong khi đó, nhà chức trách đã hoàn tất việc trích xuất dữ liệu từ hộp đen ghi âm giọng nói trong buồng lái, được tìm thấy trong tình trạng tốt hơn.
Các điều tra viên tại hiện trường vụ tai nạn máy bay chở khách Jeju Air ở sân bay quốc tế Muan, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap
Các nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc tiết lộ, tập đoàn sản xuất máy bay Boeing của Mỹ đã cử 2 chuyên gia phối hợp với các điều tra viên Hàn Quốc tìm hiểu tại hiện trường tai nạn ở sân bay quốc tế Muan. Sự bổ sung này đã tăng số lượng thành viên trong nhóm điều tra Mỹ đang trợ giúp Hàn Quốc lên 10 người, bao gồm cả 3 viên chức thuộc Ban An toàn Giao thông quốc gia Mỹ.
Nguyên nhân tai nạn được cho là do máy bay chở khách của Jeju Air đã va phải chim trong lúc hạ độ cao, khiến bánh hạ cánh không thể bật mở. Trong cuộc điều tra chung ban đầu tại hiện trường, các điều tra viên Mỹ và Hàn Quốc đã tập trung vào một hệ thống dẫn đường hỗ trợ máy bay hạ cánh, còn gọi là thiết bị định vị, được lắp đặt trên một cấu trúc bê tông tại sân bay quốc tế Muan. Nhiều ý kiến nghi ngờ thiết bị này đã làm trầm trọng thêm mức độ thương vong trong tai nạn.