Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) vừa công bố báo cáo kinh tế tháng 5 với tín hiệu rõ ràng: nguy cơ suy thoái đang hiện hữu. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 2/2023, cụm từ “suy thoái kinh tế” chính thức xuất hiện trong bản phân tích định kỳ của KDI – một cảnh báo nghiêm trọng về tình hình của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, theo Korea Times.
Suy thoái đang dần định hình
Bức tranh kinh tế Hàn Quốc đang trở nên u ám khi các chỉ số sản xuất và tiêu dùng trong nước tiếp tục ở mức thấp. Ngành xây dựng – một trụ cột tăng trưởng – đang đối mặt với làn sóng khủng hoảng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều công ty đang đứng trước bờ vực phá sản vì không thể trụ nổi trong bối cảnh chi phí leo thang và thị trường đình trệ.
Xuất khẩu – động lực chính của kinh tế Hàn Quốc – cũng chịu tác động nặng nề bởi các chính sách thương mại biến động. KDI nhận định, sự suy yếu của kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu như Hàn Quốc. Trong quý I/2025, tốc độ tăng trưởng GDP của nước này chỉ đạt -0,246% – mức thấp nhất trong số 19 quốc gia công bố dữ liệu.
Dự báo của các tổ chức quốc tế không mấy khả quan. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính tăng trưởng của Hàn Quốc năm nay chỉ đạt trên 1%. Tám ngân hàng đầu tư toàn cầu cũng cùng chung nhận định với mức dự báo trung bình chỉ 0,8%.
Gánh nặng nợ nần bao trùm
Trong khi tăng trưởng chững lại, Hàn Quốc phải đối mặt với bài toán nợ công và nợ tư nhân gia tăng chóng mặt. Theo số liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tổng nợ của chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình Hàn Quốc tính đến quý III/2024 đã lên tới 6.222.000 tỷ won (khoảng 4.270 tỷ USD), tương đương 247,2% GDP – mức cao đáng báo động.
Đặc biệt, nợ hộ gia đình chiếm tỷ trọng lớn, với tỷ lệ nợ trên GDP đạt 91%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 68,9% tại các nước phát triển. Đây là yếu tố khiến các nhà hoạch định chính sách lo ngại nhất. Theo chuyên gia kinh tế Park Jeongwoo từ ngân hàng Nomura, “nợ cao đang làm suy yếu sức mua của người dân và gây ra sự phân bổ vốn không hợp lý trong nền kinh tế”.
Không chỉ người dân, nhiều doanh nghiệp cũng lao đao. Trong hai tháng đầu năm 2025, Hàn Quốc ghi nhận gần 200.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa. Riêng tháng 1, số lượng người kinh doanh tự do chỉ còn 5,5 triệu – mức thấp nhất trong vòng hai năm.
Người dân “thắt lưng buộc bụng”
Trước tình hình khó khăn, người dân Hàn Quốc đang tìm mọi cách để tiết kiệm chi tiêu, từ việc săn đồ ăn giảm giá đến mua hoa tặng ngày lễ qua các nền tảng đồ cũ. Tháng 5 – vốn là "Tháng của Gia đình" tại Hàn Quốc với hàng loạt ngày kỷ niệm như Ngày của Cha mẹ, Ngày Thiếu nhi – lại trở thành thời điểm người dân chọn cách tiêu dùng tiết kiệm.
Chị Choi, 39 tuổi, sống tại tỉnh Gyeonggi, chia sẻ chị đã mua một giỏ hoa cẩm chướng trên ứng dụng mua bán đồ cũ Danggeun Market với giá chỉ 10.000 won (khoảng 7 USD), rẻ hơn nhiều so với giá bán lẻ. “Tặng tiền mặt thì hơi lạnh lùng. Tôi muốn có thêm một món quà, nhưng giá hoa đắt quá, nên đành chọn cách này”, chị nói.
Cùng thời điểm, số lượng bài đăng bán đồ chơi trẻ em như Lego hay búp bê gần như mới trên các nền tảng đồ cũ cũng tăng mạnh. Đại diện một nền tảng chia sẻ: “Sau kỳ nghỉ lễ dài, người dân có thời gian dọn dẹp và thanh lý. Nhiều bậc phụ huynh lớn tuổi cũng bắt đầu quen dùng ứng dụng để bán lại hoa được con cháu tặng”.
Không chỉ cắt giảm quà tặng, bữa ăn hằng ngày cũng là nơi người Hàn thắt chặt chi tiêu. Ứng dụng Lucky Meal, cho phép người dùng mua các suất ăn cận date với giá giảm tới 50%, đang trở nên phổ biến. Các cửa hàng tham gia có thể giảm lượng rác thải thực phẩm, trong khi người tiêu dùng được tiếp cận thực phẩm giá rẻ.
Chị Jeon Sae-mi, 30 tuổi, cho biết vợ chồng chị dùng ứng dụng này hằng ngày. “Tôi thường tranh thủ săn suất ăn tối rẻ. Đây là cách tốt để tiết kiệm mà vẫn ăn ngon”, chị nói.
Một ứng dụng khác – Rife – cung cấp gói cà phê giá rẻ theo tháng với mức phí chỉ khoảng 40.000 won (khoảng 730.000 đồng). Mô hình này vừa hỗ trợ doanh thu cho các tiệm nhỏ lẻ, vừa giúp người dân duy trì thói quen cà phê với chi phí thấp hơn.
“Nhờ khách Rife ghé quán mỗi ngày, tiệm của tôi ở ngoại ô trở nên sôi động hơn hẳn”, một chủ quán cà phê cho biết.
“Lạm phát bữa trưa” và hệ lụy kéo dài
Hiện tượng “lạm phát bữa trưa” – khi giá bữa ăn trưa tăng nhanh hơn thu nhập – đang trở thành mối lo thực sự tại Hàn Quốc. Theo The Guardian, nhiều người dân thậm chí buộc phải bỏ bữa trưa để giảm chi tiêu.
Các chuỗi tiện lợi lớn như BGF Retail và GS Retail đang đối mặt với áp lực tăng giá không thể tránh khỏi. Một hộp cơm cốt lết của chuỗi CU hiện có giá 6.900 won (khoảng 125.000 đồng), trong khi người tiêu dùng thường chỉ sẵn sàng chi dưới 5.000 won cho một bữa trưa.
Theo Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc, giá thực phẩm tại các siêu thị và nhà hàng vẫn đang leo thang. “Chi phí nguyên liệu tăng cao khiến các nhà cung cấp không thể duy trì mức giá cũ. Việc điều chỉnh giá là tất yếu”, một quan chức cho biết.
Trước áp lực kinh tế ngày một tăng, Hàn Quốc đang bước vào giai đoạn thử thách khắc nghiệt. Không chỉ là bài toán vĩ mô về tăng trưởng và nợ nần, mà còn là câu chuyện của hàng triệu gia đình đang gồng mình xoay xở qua từng bữa ăn và từng món quà giản đơn.
Minh Quân