Nét đẹp đền Mẫu trên đất làng Phong Mục (xã Triệu Lộc).
Đền Hàn nằm ở làng Phong Mục, một vùng đất “hội sơn tụ thủy”, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, thanh bình. Một bên là núi rừng thâm u, tĩnh lặng, một bên là dòng sông Lèn bao đời chảy trôi, chứng kiến biết bao sự đổi thay của thời cuộc.
Vùng đất này còn là nơi hội tụ, lắng đọng giá trị lịch sử - văn hóa, tâm linh. Đền Hàn nằm cách ngã ba Bông khoảng chừng 3km. Ngã ba Bông được biết đến là nơi có hệ thống di tích dày đặc như đang vẽ nên cung đường di tích: Đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt, đền Cây Thị, đền Chầu Đệ Tứ, đền Đức Ông (cũng có tên gọi khác là đền Hàn Sơn), đền Cô Bơ... Con đường dẫn từ Quốc lộ 1 vào đền Hàn cũng ghi đậm dấu ấn của những di tích tiêu biểu như: Khu lăng mộ Bà Triệu, Khu Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu, đền Cô Đôi, đền Quan giám sát, đền Cô Tám... Từ nét đẹp cảnh quan thiên nhiên đến hệ thống di tích đa dạng, độc đáo cùng các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh đã làm nên sức hấp dẫn của cụm di tích đền Hàn với đông đảo du khách thập phương, đúng như câu: “Hàn Sơn kỳ ngộ duyên thiên sắc/ Khách đến bâng khuâng chẳng muốn về”.
Tích xưa dẫn lối “con trần”. Tục truyền, vào thời Lê, Mẫu Đệ Tam nhận lệnh giúp tướng Lê Can Thành, con trai thứ hai của Thái úy Lê Thọ Vực đánh đuổi giặc Chiêm Thành trên dòng Mã giang, ngay tại khu Đồng Hàn của làng Phong Mục. Với tài thao lược, ý chí quyết tâm cùng sự giúp sức của Mẫu, quân giặc thất trận, nhiều chiếc thuyền liên tiếp bị đắm giữa dòng nước xoáy. Sau khi thắng trận, Mẫu mở tiệc ăn mừng, khao quân ngay tại làng Phong Mục. Tuy là người có công trạng, hết lòng giúp nước giúp dân nhưng cuộc đời Mẫu Đệ Tam phải chịu trắc trở, sóng gió bởi phường xảo trá, thảo mai đem lòng ghen ghét nên tìm cách vu oan, giá họa khiến bà phải chịu nỗi oan khiên. Bà bị xử thiêu ngay trên đỉnh núi Chân Tiên (nay là núi Đá Bạc). Tưởng nhớ công lao, đóng góp, thương xót cho số phận ấy, người dân làng Phong Mục đã lập đền thờ bà ngay tại ngọn núi này.
Đông đảo du khách đổ về đền Hàn trong những ngày đầu tháng 6 âm lịch.
Trong phảng phất khói hương, tiếng hát văn nơi các giá hầu đồng lay động tâm thức, ông Lê Bá Môn (67 tuổi) điềm tĩnh kết nối những dữ kiện lịch sử, những câu chuyện dân gian về quá trình hình thành và phát triển của ngôi đền, về cuộc đời và công trạng của những vị thánh, thần được thờ phụng tại đền. Gia đình ông Môn đã 3 đời lo việc của đền, phụng sự thánh, thần; riêng ông Môn cũng đã có thâm niên hơn 10 năm gắn bó với nơi đây.
Theo ông Môn kể lại: Đền Hàn xưa được dựng hoàn toàn bằng gỗ lim. Mỗi vị thần được thờ riêng ở một cung, trong đó cung cấm là nơi thờ Mẫu. Theo dòng chảy thời gian, biến động thời cuộc, đền Hàn bị phá hủy. “Mặc dù vậy, việc khói hương dâng Mẫu và các vị thánh, thần tại đây vẫn luôn được người dân duy trì. Người dân trong làng dựng tạm một bệ thờ làm bằng đá trên núi. Ngay gần bệ thờ có một cái giếng, thường gọi là ao trời” - ông Môn cho biết.
Từ năm 1993, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống, đáp ứng mong mỏi của các thế hệ người dân, đền Hàn bắt đầu được xây dựng lại. Đến nay, trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đền Hàn vẫn lưu giữ được nhiều nét cổ, tôn nghiêm. Đền Hàn hiện có 3 cung chính, gồm: Hậu cung là nơi thờ Mẫu, cung thứ 2 thờ vua cha, ngọc hoàng và cung thứ 3 thờ công đồng. Hiện đền còn lưu giữ được một số hiện vật cổ như: chóe đồng, hai bia đá...
Ngoài đền Mẫu, không gian văn hóa - tâm linh nơi này đưa bước chân du khách đến với đền Quan giám sát (có 4 cung thờ Tứ phủ Quan Hoàng); đền thờ ông Hoàng Ba (còn gọi là ông Hoàng Bơ); đền Cô Tám thờ thị nữ của Thánh Mẫu, vị thần linh thiêng chuyên chữa bệnh cứu người; đền Cô Đôi thờ hai thiếu nữ theo hầu Thánh Mẫu.
Trong không gian đền Mẫu những ngày diễn ra lễ hội.
Từ lâu, cụm di tích đền Hàn đã là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của Nhân dân trong và ngoài vùng. Bên cạnh đó, di tích cũng là nguồn sử liệu quý giá, dấu ấn văn hóa - tín ngưỡng tiêu biểu, chứng nhân lịch sử, song hành cùng sự phát triển của làng, xã. Dường như câu ca: “Tháng sáu hội Gai, tháng hai hội Mía” (hội Gai là cách gọi khác của lễ hội đền Hàn) đã ghi dấu trong tâm thức của nhiều người.
Lễ hội đền Hàn được tổ chức từ ngày 1 - 12/6 âm lịch hằng năm với nhiều hoạt động: dâng hương, trình tấu chúc văn, đánh trống khai hội, chương trình nghệ thuật... Đặc sắc nhất là nghi thức rước kiệu diễn ra vào ngày 12/6 âm lịch. Kiệu Mẫu được rước từ đình làng về đền Hàn tại vị. Ông Môn chia sẻ: “Đây là lễ nghi quan trọng bậc nhất trong lễ hội nên được chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng. Theo đó, làng sẽ tuyển chọn 12 nam thanh niên trai tráng, chưa vợ, gia đình không tang không cớ, gia đạo tốt...”.
Ngay từ những ngày đầu tháng 6 âm lịch, đông đảo du khách thập phương đã về với vùng đất Phong Mục, về với đền Hàn vui hội. Tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, du khách sắm sửa chút lễ dâng lên Mẫu, gửi gắm những mong cầu về sức khỏe, hạnh phúc, thành công, tài lộc... Chị Thiều Đình Tĩnh (xã Thiệu Tiến), chia sẻ: “Mỗi năm, vào dịp lễ hội, tôi cùng một số chị em thân thiết đều đến đền dâng lễ, dâng hương. Bước vào cửa Mẫu, chúng tôi không cầu kỳ sắm sanh đồ lễ mà chủ yếu là xuất phát từ sự thành tâm. Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, yên bình cùng không khí lễ hội khiến chúng tôi luôn thấy hào hứng, thích thú mỗi khi về với đền”.
Lễ hội đền Hàn đã khai mở. Nương theo những ý niệm tâm linh, với tâm thế “đi để hiểu - đến để yêu”, du khách về với đền Hàn để được thỏa sức tham quan, vãn cảnh, thưởng thức bát nước chè xanh ướp đượm hương đất, tình người nồng ấm, hòa mình vào sắc màu văn hóa - tâm linh nơi này...
Bài và ảnh: Nguyên Anh
* Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn sách “Địa chí Hậu Lộc” (NXB Khoa học Xã hội).