Hàng giả 'bủa vây', ai bảo vệ người tiêu dùng? (Bài 1): Khi người bệnh đặt nhầm niềm tin vào thuốc giả

Hàng giả 'bủa vây', ai bảo vệ người tiêu dùng? (Bài 1): Khi người bệnh đặt nhầm niềm tin vào thuốc giả
7 giờ trướcBài gốc
Đối tượng Hoàng Thị Ngọc cùng tang vật thu giữ (Ảnh: Công an Thanh Hóa).
“Nóng” thuốc tân dược, thực phẩm chức năng giả
Các vụ án sản xuất, buôn bán thuốc tân dược và thực phẩm chức năng giả liên tiếp bị triệt phá trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian gần đây cho thấy mức độ tinh vi, manh động và quy mô ngày càng lớn của loại tội phạm này.
Không chỉ làm giả nhãn hiệu sản phẩm quen thuộc, nhiều đối tượng còn tự đặt tên mới, tạo lập công ty, đầu tư máy móc để sản xuất hàng loạt sản phẩm giả, đánh vào tâm lý người bệnh, người cao tuổi. Những sản phẩm giả được đưa ra thị trường với số lượng lớn, phân phối khắp cả nước, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng.
Số lượng lớn thực phẩm chức năng giả bị Công an thu giữ.
Ngày 3/6/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Hoàng Thị Ngọc (SN 1988, trú tại TP Hà Nội), Giám đốc Công ty TNHH sản xuất tân thảo dược Nam Hoa, về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả được tổ chức thực hiện một cách bài bản, với danh mục lên tới 12 loại sản phẩm khác nhau như: Thanh huyết đan, Ngọc mẫu hoàng cung, Trinh nữ hoàng cung, Nam Vương TKH, Anti Gout TKH, cao trĩ sâm đỏ, thảo mộc giảm cân, thảo mộc tăng cân...
Các sản phẩm này được phân phối đến nhiều đại lý, khách hàng trong cả nước. Trong đó, có đại lý thuốc Tây của bà Phạm Thị T. ở xã Bãi Trành, huyện Như Xuân (nay là xã Xuân Bình). Qua khám xét và đấu tranh, các đối tượng đã giao nộp cho cơ quan điều tra hơn 36.000 hộp sản phẩm giả.
Trước đó, ngày 16/4/2025, một vụ án “chấn động” khác về thuốc tân dược giả cũng được Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá thành công.
Sau thời gian dài theo dõi, nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhóm đối tượng có dấu hiệu nghi vấn sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc và Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã triệt phá thành công đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lên tới 10 tấn thuốc tân dược giả, với 21 loại thuốc khác nhau, bắt giữ 14 đối tượng. Đây là đường dây hoạt động với quy mô “khủng”, phạm vi toàn quốc.
Tang vật thu giữ gồm: 657 hộp Cefuroxim 500 mg, 3.258 hộp Cefixim 200 mg, 100 hộp Augxicine, 100 hộp Panadol Extra, hơn 1.800 hộp Panactol... cùng nhiều nguyên liệu và thiết bị sản xuất thuốc giả.
Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn (Ảnh: Công an Thanh Hóa).
Đáng chú ý ở vụ án này, các đối tượng không làm giả sản phẩm thật mà tự đặt tên, mượn danh hàng “xách tay” nước ngoài, nhắm vào đối tượng người cao tuổi và người bệnh để tự kê đơn.
Các đối tượng đã đầu tư máy móc, nguyên liệu dược phẩm, dược liệu, thảo mộc không rõ nguồn gốc, thuê nhân công trộn, nghiền thành bột, ép viên nang, đóng gói thành thuốc giả, bán qua nhiều kênh phân phối. Tính từ năm 2021 đến khi bị bắt, số lượng thuốc giả các đối tượng đưa ra thị trường là rất lớn.
Ngoài hai vụ án nêu trên, trước đó Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã triệt phá nhiều chuyên án lớn liên quan đến thuốc tân dược và thực phẩm chức năng giả. Đơn cử như vụ sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm đau xương khớp mang nhãn hiệu “Khớp Tây Bắc” và “Cao Tây Bắc”. Hai đối tượng bị bắt giữ là Nguyễn Hữu Nam, SN 2000, ở phường Sầm Sơn và Triệu Y Tám (SN 2001, xã Phú Hồng, TP Hà Nội).
Khám xét nơi ở và làm việc, lực lượng chức năng thu giữ hơn 1.000 hộp Cao Tây Bắc thành phẩm giả, gần 1.000 tem chống hàng giả cùng nhiều máy móc, công cụ sản xuất...
Nguy cơ khôn lường cho sức khỏe cộng đồng
Đằng sau các vụ án thuốc và thực phẩm chức năng giả là mối nguy thực sự cho sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là người già, người bệnh mãn tính và những người tự điều trị bằng sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Chị Nguyễn Thị H., bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa, sau khi dùng sản phẩm thảo dược “thải độc gan” mua qua mạng, chị phải nhập viện trong tình trạng hoại tử thượng bì, nhiễm độc nặng (hội chứng Lyell).
Tương tự, trường hợp bà Lê Thị N., bệnh nhân đã từng điều trị tại Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa, sau khi điều trị nám bằng thuốc đông y mua trên mạng, bà được chẩn đoán viêm da tiếp xúc kích ứng, triệu chứng ngứa rát nhiều, da đỏ nề ở vùng da bôi thuốc nám.
Một bệnh nhân dùng thuốc trị nám giả trên mạng đang phải điều trị tại Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa.
Bác sĩ Trương Quỳnh Anh, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa cho biết: Thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều các ca bệnh liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm chức năng như thải độc, giảm cân, làm đẹp da... Đa số người bệnh mua sản phẩm qua mạng, tin vào quảng cáo “an toàn, tự nhiên”, nhưng thực tế các sản phẩm trên không rõ nguồn gốc, thành phần rõ ràng.
Theo bác sĩ Quỳnh Anh, có nhiều bệnh nhân chỉ sau vài ngày sử dụng sản phẩm đã có biểu hiện ngứa, nổi ban đỏ, mày đay toàn thân, đau bụng, khó thở. Trường hợp nặng có thể bị hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Stevens-Johnson và Lyell) với dấu hiệu rát đỏ, bọng nước, trợt da, tổn thương niêm mạc... Nếu không điều trị kịp thời, có thể dẫn đến rối loạn điện giải, suy hô hấp cấp, suy gan, suy thận và tử vong.
Đồng quan điểm, thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Thái, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Thuốc giả không chỉ làm chậm quá trình điều trị mà còn gây phản ứng phụ, tổn thương gan, thận, đặc biệt nguy hiểm nếu dùng lâu dài mà không biết. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng vì sử dụng thuốc quảng cáo là “gia truyền”, “xách tay”, thực chất không có tác dụng điều trị.
Bác sĩ Thái khuyến cáo: Với thực phẩm chức năng, người bệnh cần có sự tư vấn từ bác sĩ, không tự ý sử dụng. Ngay cả với sản phẩm được cấp phép, cũng cần cân nhắc có thực sự cần thiết cho cơ thể hay không. Ví dụ, trường hợp lạm dụng bổ sung như can-xi khi cơ thể không thiếu, có thể gây ức chế hấp thu sắt, kẽm, quá tải cho thận, tăng nguy cơ sỏi thận, sỏi niệu quản.
Theo cảnh báo từ Sở Y tế Thanh Hóa: Người dân cần đặc biệt thận trọng khi mua thuốc và thực phẩm chức năng qua mạng. Đây là nhóm hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng. Việc sử dụng cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ và chỉ nên mua tại cơ sở kinh doanh được cấp phép, có số đăng ký do Bộ Y tế cấp.
Đình Giang
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/hang-gia-bua-vay-ai-bao-ve-nguoi-tieu-dung-bai-1-khi-nguoi-benh-dat-nham-niem-tin-vao-thuoc-gia-254715.htm