Hàng giả - thách thức đối với an ninh xã hội

Hàng giả - thách thức đối với an ninh xã hội
11 giờ trướcBài gốc
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý gần 50 nghìn vụ việc về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, gian lận thuế; thu nộp ngân sách nhà nước gần 6.500 tỷ đồng; khởi tố hình sự 1.899 vụ với 3.271 bị can.
Trong đó, cơ quan chức năng đã phát hiện, đấu tranh, triệt phá nhiều tổ chức, đường dây, ổ nhóm, đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với quy mô lớn, hoạt động liên tỉnh, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, bảo vệ an ninh, an toàn sức khỏe cho người dân.
Ảnh minh họa
Doanh nghiệp cần chủ động trang bị “lá chắn” chống hàng giả
Mới đây, Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Dương (26 tuổi, quê Tây Ninh) để điều tra về tội "buôn bán hàng giả". Cơ quan điều tra đã thu giữ hơn 30.000 đơn vị mỹ phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam như Johnson's baby, Clear, Sensodyne, Nivea, Romano... tại kho hàng ở khu dân cư Nam Long (phường An Lạc, TP. Hồ Chí Minh) do Dương thuê. Toàn bộ tang vật vi phạm được xác định có giá trị trên 2 tỷ đồng.
Tại Bắc Ninh, vào ngày 7/5, cơ quan Công an phối hợp với lực lượng chức năng triệt phá một xưởng sản xuất mỹ phẩm giả do đối tượng Nguyễn Văn Khánh cầm đầu, thu giữ 2.468 sản phẩm thành phẩm và hơn 100.000 đơn hàng đã được bán ra thông qua các sàn thương mại điện tử như Shopee và TikTok Shop.
Ngày 6/6, Công an TP. Hà Nội đã bắt giữ Lê Hữu Minh (31 tuổi, quê Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), Lê Huy Phiệt (45 tuổi, trú Hải Phòng), Phạm Tú Uyên (28 tuổi, trú Hà Nội), Nguyễn Thị Ly (35 tuổi, trú Thanh Hóa) và Trần Mạnh Tiến (22 tuổi trú Bắc Giang cũ) về buôn bán hàng giả với quy mô đặc biệt lớn. Tang vật thu giữ gồm 12.200 chiếc đồng hồ thông minh, 6.800 tai nghe giả nhãn hiệu Marshall, 2.580 chiếc loa giả nhiều thương hiệu nổi tiếng, 2.550 chiếc máy hút bụi giả nhãn hiệu Fujisu, 900 chiếc đồng hồ giả nhãn hiệu Omega, hơn 470 chiếc đồng hồ giả nhãn hiệu Orient. Tổng số khoảng 25.505 sản phẩm, thiết bị. Ngoài ra, tại kho còn chứa các loại sản phẩm thời trang, quần áo, phụ kiện không có hóa đơn chứng từ. Cơ quan điều tra đã tiến hành niêm phong toàn bộ lô hàng trị giá khoảng 22 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc. Việc tăng cường năng lực pháp lý, áp dụng công nghệ xác thực và xây dựng thương hiệu mạnh là những biện pháp trọng yếu giúp doanh nghiệp tự bảo vệ mình trước vấn nạn hàng giả.
Ông Bùi Bá Chính, quyền Giám đốc Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng các nước trên thế giới như Mỹ, Canada, châu Âu thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đều được mã hóa định danh trên toàn chuỗi sản xuất và đến khâu xuất khẩu. Vì thế, theo ông Chính, Việt Nam có thể kiểm soát và truy xuất nguồn gốc để định danh sản phẩm, kê khai một cách minh bạch với sự giám sát của toàn dân.
“Đây chính là hộ chiếu số cho sản phẩm và hướng đến thị trường quốc tế, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu hàng hóa, nâng tầm quốc gia. Để truy xuất nguồn gốc, cần kết nối dữ liệu của các bộ, ngành và địa phương”
Cùng với đó, doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và sáng chế tại cả thị trường trong và ngoài nước. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ lợi ích chính đáng.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, chủ động cung cấp thông tin và dữ liệu để hỗ trợ kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục người tiêu dùng để nâng cao nhận thức, khuyến khích phản ánh khi phát hiện dấu hiệu hàng giả.
Sàn thương mại điện tử không thể là “vùng xám” quản lý
Trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, các sàn thương mại điện tử ngày càng trở thành mục tiêu lợi dụng của các đối tượng buôn bán hàng giả. Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ được rao bán công khai trên Shopee, TikTok, Lazada… mà không bị kiểm duyệt chặt chẽ.
Ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia khẳng định, các sàn thương mại điện tử cần có trách nhiệm trong việc kiểm soát nguồn gốc hàng hóa, bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch. Cụ thể, các sàn cần xây dựng cơ chế thẩm định kỹ người bán, yêu cầu cung cấp thông tin pháp lý rõ ràng (giấy phép kinh doanh, CCCD, mã số thuế…) và kiểm duyệt sản phẩm kỹ lưỡng trước khi đăng bán.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ như hệ thống quét tự động, trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain để phát hiện dấu hiệu hàng giả là cần thiết. Hệ thống này cần có khả năng so sánh dữ liệu sản phẩm với danh sách nhãn hiệu đã đăng ký, tự động cảnh báo khi phát hiện từ khóa bất thường, giá bán chênh lệch lớn hoặc phản hồi tiêu cực từ người tiêu dùng.
Các sàn cũng cần phân loại người bán theo độ tin cậy (shop chính hãng, shop thường…), gắn nhãn sản phẩm rõ ràng và có cơ chế xử lý vi phạm như gỡ sản phẩm, khóa tài khoản, phạt tiền hoặc công khai cảnh báo. Trong trường hợp phát hiện vi phạm nghiêm trọng, cần chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng điều tra.
Tại Hội thảo “Xác thực truy xuất nguồn gốc - Động lực phát triển bền vững của Kinh tế số Việt Nam” do Hiệp hội Dữ liệu quốc gia tổ chức vào ngày 8/7, nhiều chuyên gia cho rằng việc xây dựng một hệ thống truy xuất nguồn gốc toàn quốc, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Theo Đại tá Phạm Minh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, hệ thống truy xuất hiện nay còn rời rạc, thiếu thống nhất, dữ liệu phân tán, chưa phản ánh đầy đủ chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng. Điều này dẫn đến việc khó kiểm soát chất lượng hàng hóa và xử lý vi phạm.
Giải pháp được đề xuất là xây dựng nền tảng truy xuất nguồn gốc tích hợp blockchain, định danh sản phẩm theo chuẩn quốc gia, kết nối cơ sở dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương. Đây không chỉ là giải pháp chống hàng giả, mà còn là bước đi chiến lược nhằm thúc đẩy thương mại điện tử, xuất khẩu nông sản, phát triển logistics thông minh và nâng cao năng lực quản trị chuỗi cung ứng.
Truy xuất nguồn gốc giúp cung cấp dữ liệu minh bạch cho người tiêu dùng, là công cụ kiểm chứng sản phẩm hữu hiệu trong bối cảnh hàng giả ngày càng tinh vi. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để Chính phủ hoạch định chính sách, doanh nghiệp quản lý rủi ro và thị trường hướng tới chuẩn mực toàn cầu.
Hàng giả không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là thách thức đối với an ninh xã hội và sức khỏe cộng đồng. Trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi số, việc xây dựng một hệ sinh thái thương mại minh bạch – nơi sản phẩm được xác thực rõ ràng, doanh nghiệp được bảo vệ, người tiêu dùng được đảm bảo quyền lợi – là điều bắt buộc. Muốn vậy, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử và toàn thể người tiêu dùng. Chỉ khi hành vi gian dối không còn chỗ đứng, thì niềm tin thị trường mới được khôi phục và phát triển bền vững.
Đức Thuận
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/hang-gia-thach-thuc-doi-voi-an-ninh-xa-hoi-167587.html