Ảnh minh họa.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa trả lời kiến nghị của cử tri một số tỉnh, thành phố liên quan đến chế tài xử lý tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thực phẩm giả gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.
TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ TRONG CẤP PHÉP SẢN PHẨM
Gửi kiến nghị đến Bộ Y tế, cử tri Thành phố Cần Thơ đề cập đến công tác quản lý y dược cần được quan tâm hơn. Bởi tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn còn lưu hành trên thị trường với số lượng lớn, cần có biện pháp xử lý thích đáng với các đối tượng sản xuất thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Cùng mối quan tâm, cử tri tỉnh Hưng Yên (trước đây là tỉnh Thái Bình) cũng bày tỏ rất lo lắng khi một loạt vụ án liên quan đến sữa giả, thuốc giả vừa được phát hiện.
Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan, đặc biệt là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát cấp phép quảng cáo, cấp phép sản phẩm đã gián tiếp "tiếp tay" cho hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành trên thị trường.
Cử tri đề nghị Chính phủ có chế tài, có biện pháp xử phạt nghiêm minh, bảo đảm tính “răn đe” đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, quảng cáo, quảng bá sản phẩm sai phạm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân.
Tương tự, cử tri Thành phố Đà Nẵng cũng kiến nghị tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhằm kịp thời ngăn chặn tình trạng sản xuất và buôn bán sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, thực phẩm tẩm hóa chất độc hại,… đặc biệt là tình trạng lừa đảo, quảng cáo hàng hóa sai sự thật trên không gian mạng đang diễn ra phức tạp.
Cử tri các địa phương cũng phản ánh, các sản phẩm sữa, thuốc chữa bệnh muốn lưu hành trên thị trường đều phải trải qua kiểm định, dán tem, cấp phép. Vậy tại sao vẫn được bán, thu lợi bất hợp pháp kéo dài mà không bị phát hiện và xử lý.
Theo cử tri, việc để sữa giả, thuốc giả bày bán công khai nhiều nơi, thậm nhập vào các kênh bán hàng online lẫn truyền thống, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, người bệnh và người cao tuổi, đây không chỉ là lỗi của doanh nghiệp vi phạm, mà còn là sự buông lỏng trong quản lý nhà nước.
Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của Bộ Công thương, Bộ Y tế để chấn chỉnh kỷ cương, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người dân và tính nghiêm minh của pháp luật.
ĐÃ XỬ LÝ HÀNG CHỤC NGHÌN CƠ SỞ VI PHẠM
Trả lời cử tri, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan ngày 21/7/2025 cho biết thời gian qua, tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm và thuốc giả diễn biến phức tạp, đặc biệt là các sản phẩm sử dụng hàng ngày như sữa bột, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc, mỹ phẩm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết Bộ đang đề xuất tăng chế tài xử phạt đối với một số hành vi vi phạm.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt qua các văn bản về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả; xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe…
Thống kê từ năm 2020 đến tháng 5/2025, ngành Y tế đã kiểm tra 1.966.516 cơ sở, xử lý 50.365 cơ sở vi phạm, phạt tổng cộng 247,24 tỷ đồng. Đồng thời, áp dụng các biện pháp bổ sung như: Đình chỉ hoạt động, tiêu hủy sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc hết hạn sử dụng, và chuyển 31 vụ việc cho cơ quan điều tra.
Trong lĩnh vực dược, Bộ Y tế kiểm tra định kỳ 30% cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc. Năm 2024, Bộ Y tế thực hiện 80 đoàn kiểm tra GMP, 130 đoàn kiểm tra GSP và Thanh tra Bộ thực hiện 50 đoàn thanh tra, phạt 2,5 tỷ đồng.
Hệ thống kiểm nghiệm lấy 43.000 mẫu thuốc, phát hiện 228 mẫu không đạt chất lượng và 23 mẫu nghi giả (chủ yếu cefixim, cefuroxime, mebendazole), xử lý 65 mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, thu hồi 10 lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng và 4 loại thuốc tự nguyện thu hồi; ban hành 18 công văn cảnh báo về thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, chế tài xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm và thuốc giả đã được quy định tại Bộ Luật Hình sự; Luật Dược 2016, nghiêm cấm sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hoặc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Đồng thời, yêu cầu tất cả cơ sở tham gia hoạt động dược (sản xuất, nhập khẩu, bảo quản, bán buôn, bán lẻ) phải đáp ứng các tiêu chuẩn Thực hành tốt như GMP, GSP, và GLP…
Tháng 4/2025, Bộ Y tế cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tăng mức chế tài xử phạt đối với vi phạm về an toàn thực phẩm. Trong đó, đề xuất tăng mức chế tài xử phạt đối với vi phạm an toàn thực phẩm và sửa đổi, bổ sung Nghị định số 115/2018/NĐ-CP.
Đặc biệt, Bộ đề xuất tăng mức phạt 1,2 đến 2 lần cho các hành vi như sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, phụ gia cấm, quảng cáo sai quy định.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, xây dựng Luật An toàn thực phẩm sửa đổi.
Trong đó, đề xuất tăng chế tài xử phạt về an toàn thực phẩm; xây dựng và ban hành quy định kinh doanh thuốc qua kênh trực tuyến. Đẩy mạnh hoạt động hậu kiểm, lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm dễ làm giả (sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe), phối hợp điều tra đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả, chuyển ngay vụ việc có dấu hiệu hình sự cho cơ quan công an.
Nhật Dương