Ghi nhận của phóng viên, tại đường Định Công, quận Hoàng Mai (vành đai 2,5) ngoài cây cầu chính Định Công bắc qua sông Lừ, do dân cư ngày một đông đúc, nhu cầu đi lại ngày càng tại đây phải lắp đặt thêm 2 cầu tạm ở hạ lưu và thượng lưu để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân.
Nhiều cây cầu tạm hoạt động hàng chục năm qua bắt đầu có dấu hiệu bị rỉ sét, mặt sàn cầu bằng thép đã bị mòn, trơn trượt dễ gây tai nạn khi mưa.
Kết cấu thép dưới sàn cầu tạm Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng đã có dấu hiệu hư hỏng.
Một cây cầu vượt sông Lừ ở quận Thanh Xuân có kết cấu bê tông, mặt cầu thảm nhựa cũng trong tình trạng xuống cấp.
Cầu nhỏ hẹp kết cấu yếu người dân vẫn phải qua lại mỗi ngày.
Mặt cầu lộ rõ phần cốt thép.
Cầu dành chỉ dành cho người đi bộ trên sông Kim Ngưu mặt cầu trơn trượt, các dầm cầu rỉ sét. Người qua cầu nín thở bởi nước bốc mùi.
Một cây cầu vượt dân sinh bắc qua sông Sét trên địa bàn phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Chỉ cần một va quệt nguy hiểm luôn rình rập trên cây cầu như thế này.
Nằm ở vị trí đông dân cư, cây cầu này có mật độ người và phương tiện qua lại rất lớn. Tuy nhiên, cầu có độ dốc lớn nên phương tiện xe đạp chỉ có thể dắt bộ qua cầu.
Cầu bê tông bắc qua một nhánh của sông Tô Lịch thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, sàn thép không còn ma sát, thành cầu rỉ sét. Cây cầu gần như bị lãng quên không được duy tu bảo dưỡng.
Trên toàn địa bàn thành phố hiện có tới 144 cầu tạm, cầu yếu, cầu dân sinh xuống cấp không đảm bảo năng lực giao thông cần sửa chữa, nâng cấp hoặc thay thế.
Những cây cầu tạm cầu dân sinh qua rà soát, đánh giá trên cơ sở hồ sơ quản lý cầu, hồ sơ kiểm định, thử tải là những cầu cần phải cải tạo, sửa chữa, đầu tư xây dựng mới.
Theo danh mục sửa chữa, thay thế cầu yếu, cầu tạm tổng mức đầu tư khoảng hơn 3.000 tỷ đồng. UBND TP Hà Nội đã chấp thuận chủ trương triển khai trên nguyên tắc phân loại để sắp xếp thứ tự ưu tiên về hiện trạng cầu, tình trạng hư hỏng, xuống cấp; sự phù hợp về quy mô cầu và đường hiện trạng, quy hoạch…
H.La/VOV.VN