Hàng nghìn người đổ về Yên Tử trong ngày mưa rét

Hàng nghìn người đổ về Yên Tử trong ngày mưa rét
4 giờ trướcBài gốc
Video người dân trẩy hội xuân Yên Tử trong ngày mưa giá rét
Ngày 7/2 (mùng 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh phối hợp cùng UBND TP Uông Bí tổ chức Lễ khai hội xuân Yên Tử 2025. Đây là hoạt động diễn ra thường niên được cho là mở đầu cho việc Yên Tử đón hàng vạn lượt du khách đến hành hương, chiêm bái.
Tham dự lễ khai hội có bà Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đại diện lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ninh và đại diện chính quyền thành phố Uông Bí.
Ghi nhận của báo Tiền Phong, trong ngày diễn ra khai mạc, trời chuyển rét đậm và có mưa phùn. Phía dưới chân núi Yên Tử, thời tiết có lúc xuống dưới 12 độ C, càng lên cao nhiệt độ càng thấp.
Đại diện Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, cho biết do thời tiết chuyển lạnh sâu và có mưa nên người dân và du khách (đặc biệt là người già và trẻ nhỏ) khi hành hương cần trang bị đồ ấm, áo mưa và đảm bảo sức khỏe khi hành hương lên núi Yên Tử.
Lễ khai hội Yên Tử năm nay được tổ chức gồm hai phần lễ và hội. Trong đó, điểm khác biệt là năm nay là nghi lễ rước kiệu kéo dài từ Cổng Khai Tâm, đi qua quảng trường Minh Tâm và tiến vào Cung Trúc Lâm thuộc Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử.
Đi đầu đoàn rước là đội rồng lân, đội bát âm, bát bửu, cùng các đoàn Cờ Phật giáo, Cờ Hội và 11 kiệu rước... mỗi kiệu có từ 16 đến 20 người khiêng. Đi sau cùng là đại biểu cùng người dân và du khách.
Ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, Hội Xuân Yên Tử năm nay có các hoạt động văn hóa đặc sắc như Đêm Hội hoa đăng, cầu nguyện Quốc thái dân an, Tổ chức các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương Yên Tử, Biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, võ thuật cổ truyền...
Thu Hương, trú TP Uông Bí, cho biết nhiều lần đi lễ tại yên Tử, nhưng đây là lần đầu em được tham gia đoàn rước trong ngày khai hội. Hương cho biết xúc động với sự trải nghiệm mới này.
Nhân dịp khai hội nhiều nhà trường cũng tổ chức cho học sinh tham quan ngoại khóa nhằm tìm hiểu về sự nghiệp tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Thời tiết lạnh nhưng nhiều gia đình vẫn cho cả trẻ nhỏ tham gia chuyến leo núi hành hương về thánh địa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
"Rất may mắn vì hôm nay tôi được đến hành hương vào đúng dịp Yên Tử tổ chức khai hội. Tôi đi cùng gia đình và dự định leo lên núi Yên Tử sau khi tham dự buổi lễ", anh Quân, trú TP Hà Nội chia sẻ.
Tham gia lễ khai hội còn có sự góp mặt của những vị khách quốc tế.
Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh và TP Uông Bí gióng chuông, trống để chính thức khai hội xuân Yên Tử 2025.
Sau phần gióng chuông, trống khai hội, đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện nghi thức đóng ấn thiêng Yên Tử.
Danh sơn Yên Tử là địa linh, là phúc địa của quốc gia, nơi gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại của đức vua Trần Nhân Tông - vị vua đã lãnh đạo quân và dân Đại Việt hai lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông xâm lược
Sau hai cuộc kháng chiến lẫy lừng, khi đất nước đã thanh bình, ngài đã rời ngai vàng bệ ngọc, nhường ngôi cho con là vua Trần Anh Tông để chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật.
Đến năm 1299, vua Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử đi tu, lấy Phật danh là Điều Ngự Giác Hoàng, trở thành đệ nhất Tổ - Thiền phái Trúc Lâm. Chính vì lẽ đó, người đời sau luôn tâm niệm rằng Yên Tử chính là nơi khởi nguồn và ra đời của Thiền phái Trúc Lâm và vua Trần Nhân Tông chính là Đức Phật của đất nước Việt Nam.
Quốc Nam - Hoàng Dương
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/hang-nghin-nguoi-do-ve-yen-tu-trong-ngay-mua-ret-post1715109.tpo