'Hàng rào số' chặn tội phạm lừa đảo trực tuyến

'Hàng rào số' chặn tội phạm lừa đảo trực tuyến
5 giờ trướcBài gốc
Lọc tài khoản “rác”
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển mạnh mẽ với hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tương ứng hơn 87% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Đặc biệt, số lượng giao dịch thanh toán qua kênh di động và QR Code tăng trưởng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng trên 100% mỗi năm kể từ năm 2017 tới nay. Tuy vậy, điều này đồng nghĩa với việc, ngành ngân hàng đang đối mặt với những rủi ro và thách thức về an ninh, bảo mật, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản của người dân bằng nhiều thủ đoạn tinh vi.
Thời gian qua, tài khoản ngân hàng không chính chủ đã trở thành phương tiện mà tội phạm lừa đảo trực tuyến lợi dụng
Báo cáo của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, trong năm 2023 tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng lên tới khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Trong đó, 91% số vụ lừa đảo liên quan đến lĩnh vực tài chính, 73% người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… thường xuyên nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, Cổng Cảnh báo an toàn thông tin mạng Việt Nam đã tiếp nhận hơn 8.200 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng gửi đến.
Để hạn chế, giảm thiểu các rủi ro liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng trên không gian mạng, trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai hàng loạt giải pháp như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách; triển khai các giải pháp công nghệ và cơ chế phối hợp; tuyên truyền, cảnh báo phòng chống tội phạm lừa đảo; phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng, chống lừa đảo qua mạng. Trong đó, ngành ngân hàng xác định việc làm sạch dữ liệu, bảo vệ dữ liệu là vấn đề then chốt; việc kết nối, tích hợp dữ liệu quốc gia về dân cư giúp các ngân hàng đẩy nhanh quá trình này. Một mốc quan trọng, ngày 18-12-2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345), có hiệu lực từ 1-7-2024.
Quyết định 2345 giải quyết 2 điểm quan trọng, đó là chấm dứt tình trạng mở tài khoản bằng giấy tờ giả và xóa bỏ việc mở tài khoản bằng giấy tờ thật nhưng không phải chính chủ. Quy định xác thực sinh trắc học theo yêu cầu của Quyết định 2345 sẽ giúp các giao dịch có giá trị nhất định (từ 10 triệu đồng/giao dịch hoặc từ 20 triệu đồng/ngày) phải đảm bảo xác định đúng tài khoản, đúng người có căn cước công dân được Bộ Công an cấp mới thực hiện được.
Bên cạnh đó, NHNN cũng ban hành Thông tư 18/2024/TT-NHNN (Thông tư 18) quy định về hoạt động thẻ ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Tuy nhiên, một số quy định có hiệu lực từ 1-10-2024 tới đây, trong đó có quy định về thủ tục phát hành thẻ và quy định về việc phát hành thẻ bằng phương tiện điện tử quy định tổ chức phát hành thẻ phải thu thập các tài liệu, thông tin, dữ liệu nhằm nhận biết khách hàng và thông tin sinh trắc học của chủ thẻ đối với khách hàng cá nhân, thông tin sinh trắc học của đại diện hợp pháp đối với khách hàng tổ chức. Quy định này sẽ đảm bảo khách hàng mở thẻ là chính chủ, loại bỏ tình trạng mở thẻ bằng giấy tờ giả. Thông tư 18 cũng quy định, từ ngày 1-1-2025, chủ tài khoản phải xác thực sinh trắc học với ngân hàng mới được giao dịch. Còn từ ngày 1-7-2025, tài khoản sẽ bị ngừng giao dịch khi căn cước công dân hết hạn.
Trên thực tế, qua các vụ lừa đảo trên không gian mạng, hầu hết các đối tượng lừa đảo đều sử dụng tài khoản mở bằng giấy tờ giả hoặc tài khoản đi thuê, đi mượn, mua lại của những người không có nhu cầu sử dụng (học sinh, sinh viên, người lao động...). Do đó, các quy định trên đã dựng lên một hàng rào “lọc” tài khoản rác, tài khoản không chính chủ và các giao dịch không phải chính chủ. Vì khi tiền dù đã chuyển vào tài khoản của đối tượng lừa đảo, muốn chuyển qua các tài khoản khác thì cũng phải đảm bảo dữ liệu sinh trắc học khớp đúng với dữ liệu định danh. Đối với người dân, việc áp dụng sinh trắc học khi chuyển tiền sẽ đảm bảo không còn tình trạng đang ngủ thì tài khoản bỗng “bay hơi” hàng trăm triệu đồng như trước đây, bởi vì chỉ cần chuyển từ 20 triệu đồng/ngày đã phải đưa khuôn mặt vào xác minh.
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho hay, sau khi áp dụng Quyết định 2345, đến nay đã có 38 triệu tài khoản ngân hàng và 1 triệu ví điện tử đã được đối chiếu sinh trắc học. Đặc biệt, số lượng giao dịch lừa đảo qua tài khoản ngân hàng cũng giảm rõ rệt với lượng giao dịch lừa đảo trong tháng 8-2024 đã giảm 50% so với con số trung bình 7 tháng đầu năm 2024. Số lượng tài khoản liên quan đến lừa đảo gian lận được phát hiện chỉ còn 682 tài khoản, giảm 72% so với số lượng trung bình của 7 tháng đầu năm 2024.
Quy định xác thực sinh trắc học đã hạn chế tội phạm lừa đảo sử dụng tài khoản ảo để lấy tiền của người dân
Ngân hàng tận dụng nguồn dữ liệu sạch
Để tạo sự thuận tiện cho người dân khi mở tài khoản, đáp ứng các yêu cầu về xác thực sinh trắc học, ngành ngân hàng đang phối hợp tích cực với Bộ Công an, khai thác dữ liệu “sạch” từ dữ liệu dân cư quốc gia. Trung tướng Phạm Thế Tùng - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an luôn coi trọng và quyết tâm triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư căn cước định danh, xác thực điện tử nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia nói chung, chuyển đổi số lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng.
Đến nay 23 ngân hàng thí điểm việc này. Bộ Công an cũng phối hợp với NHNN triển khai Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN giữa Bộ Công an và NHNN từ ngày 24-4-2023 đến nay. Qua đó, đã làm sạch dữ liệu thông tin trên 3,6 triệu tài khoản ngân hàng, xác thực tại quầy 3,2 triệu hồ sơ khách hàng, xác thực ứng dụng qua ngân hàng trực tuyến 17,6 triệu hồ sơ khách hàng, trên 180 triệu tài khoản thanh toán, 145,79 triệu thẻ ngân hàng cho hơn 40 tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán bằng ví điện tử… Bộ Công an đã thực hiện cung cấp thí điểm đánh giá mức độ khả thi phục vụ vay tín chấp với hơn 10.000 hồ sơ khách hàng.
Về phía các ngân hàng, lãnh đạo NHNN cho hay, cơ quan này đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, các ngân hàng tập trung làm sạch và số hóa những dữ liệu mà ngành đang có, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Tiếp đến, các ngân hàng đẩy mạnh tiếp tục dùng công nghệ để tạo ra dữ liệu sạch trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Cuối cùng, trong quá trình khách hàng thực hiện giao dịch, các ngân hàng phải ứng dụng dữ liệu đã có để xác thực tài khoản và mọi giao dịch của khách hàng là chính chủ hoặc chính người được ủy nhiệm. Không thể để tình trạng đối tượng xấu lợi dụng tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp.
“Từ ngày 1-1-2025, tài khoản ngân hàng phải được cập nhật thông tin trùng khớp với dữ liệu căn cước công dân. Dữ liệu này phải trùng khớp với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư. Lãnh đạo NHNN cũng đề nghị các lãnh đạo ngân hàng đẩy nhanh việc cập nhật dữ liệu thông tin trên các tài khoản ngân hàng: “Lấy đích ngày 1-1-2025, chúng ta hoàn toàn đảm bảo dữ liệu tài khoản của ngân hàng phải là dữ liệu sống. Dữ liệu này đối chiếu đầy đủ với căn cước công dân gắn chip. Điều này giúp chúng ta loại trừ, giảm thiểu việc cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng góp phần ngăn chặn hành vi lừa đảo”.
Như vậy, có thể thấy ngành ngân hàng đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng, đã dựng lên “hàng rào số” để ngăn tội phạm lợi dụng. Việc còn lại là ở bản thân mỗi người dân, cần tiếp tục nâng cao cảnh giác, nâng cao dân trí về tài chính để tránh “tự nguyện” trở thành con mồi cho tội phạm lừa đảo.
Nhật Linh
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/hang-rao-so-chan-toi-pham-lua-dao-truc-tuyen-post593053.antd