Hàng trăm nghìn người đưa tiễn Giáo hoàng Francis về nơi an nghỉ

Hàng trăm nghìn người đưa tiễn Giáo hoàng Francis về nơi an nghỉ
10 giờ trướcBài gốc
Tham dự lễ tang có khoảng 130 phái đoàn nước ngoài, trong đó có đoàn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Italy Sergio Mattarella và Thủ tướng nước này Giorgia Meloni, Tổng thống Argentina Javier Milei, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron...
Lễ tang kéo dài hơn hai giờ đồng hồ. Sau đó, đoàn xe chở lĩnh cữu của Giáo hoàng Francis di chuyển qua trung tâm thủ đô Rome của Italy, ngang qua các di tích quan trọng bao gồm Đấu trường La Mã, để đến nơi an nghỉ cuối cùng tại Vương cung thánh đường Santa Maria Maggiore. Hàng trăm nghìn người đã đổ về Quảng trường Thánh Peter và xếp hàng dọc theo tuyến đường dài 6km mà đoàn xe đi qua để tiễn biệt Giáo hoàng Francis lần cuối.
Đoàn xe chở linh cữu Giáo hoàng Francis về nơi an nghỉ ở Vương cung thánh đường Santa Maria Maggiore. Ảnh: Reuters
Ngày 21-4, Giáo hoàng Francis qua đời ở tuổi 88 vì đột quỵ. Được nhiều tín đồ Công giáo yêu mến vì sự khiêm nhường, Giáo hoàng Francis đã đơn giản hóa các nghi thức tang lễ Giáo hoàng vào năm 2024. Theo yêu cầu trong di chúc cuối cùng của Giáo hoàng, ngôi mộ bằng đá hoa cương không được trang trí và chỉ khắc tên của Giáo hoàng bằng tiếng Latin là Franciscus. Mọi người có thể đến thăm mộ từ sáng 27-4.
Giáo hoàng Francis là vị giáo hoàng của "nhiều điều lần đầu tiên". Ngài là Giáo hoàng đầu tiên của Mỹ Latin, Giáo hoàng đầu tiên của dòng Tên, Giáo hoàng hiện đại đầu tiên sinh ra bên ngoài châu Âu và cũng là Giáo hoàng đầu tiên sau hơn 3 thế kỷ được chôn cất tại Nhà thờ Santa Maria Maggiore.
Giáo hoàng Francis cũng là một nhà cải cách năng nổ, người đã bảo vệ những người bên lề xã hội, những người dễ bị tổn thương, những người thiệt thòi và những người di cư, đồng thời tạo ra một số thay đổi tích cực trong Giáo hội trong 12 năm qua.
Theo Hồng y Giovanni Battista Re, Giáo hoàng Francis là Giáo hoàng của người dân với tấm lòng quảng đại, người đã đấu tranh cho một Giáo hội Công giáo nhân ái hơn. Ông cũng nhấn mạnh những nỗ lực của Giáo hoàng trong việc giúp đỡ người tị nạn, người di cư và người nghèo, cũng như kêu gọi hòa bình, chấm dứt chiến tranh...
Nhiều tín đồ đã bày tỏ niềm xúc động, lòng tôn kính đối với Giáo hoàng khi có mặt tại Quảng trường Thánh Peter trong khoảnh khắc tiễn biệt Giáo hoàng Francis. Pier Giorgio, một người Italy, cho biết: “Tôi rất tiếc nuối về sự ra đi của Giáo hoàng Francis, bởi ngài là một người thánh thiện, giản dị, yêu thương người khác”.
Ông Wojciech Szkudlare đến từ Ba Lan, chia sẻ rằng gia đình ông có mặt tại Rome từ sáng 21-4 và rất buồn khi nghe tin Giáo hoàng Francis qua đời. Ông nói: “Giáo hoàng Francis là một người vĩ đại, người thực sự tốt và biết mọi thứ. Tôi được gặp ngài lần đầu tiên vào năm 2016. Giáo hoàng hay cười và gần gũi với các giáo dân như một người ông, người cha trong gia đình”.
QĐND
Nguồn Hà Nam : https://baohanam.com.vn/quoc-te/hang-tram-nghin-nguoi-dua-tien-giao-hoang-francis-ve-noi-an-nghi-158385.html