Tuy nhiên, Ukraine vẫn kiên định với mục tiêu toàn vẹn chủ quyền của nước này trong bất kỳ thỏa thuận tương lai nào với Nga. Do vậy, triển vọng hòa bình Nga - Ukraine vẫn rất gập ghềnh.
Các nhân viên cứu hộ xử lý đám cháy sau cuộc tấn công của Nga tại tỉnh Sumy, Ukraine, ngày 13-4-2025. Ảnh: Telegram của Cơ quan khẩn cấp Nhà nước Ukraine
Trong một diễn biến quan trọng có thể làm thay đổi quỹ đạo của cuộc xung đột Nga - Ukraine, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất một kế hoạch tìm kiếm hòa bình, đề cập đến việc Kiev phải nhượng bộ lãnh thổ với Nga và không gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, đề xuất của Mỹ vẫn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Ukraine.
Tổng thống Zelensky tái khẳng định lập trường, tất cả các lãnh thổ bị Mátxcơva chiếm đóng là vùng lãnh thổ có chủ quyền của Kiev. Ukraine sẵn sàng đàm phán nhưng không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào công nhận sự chiếm đóng của Nga.
Theo truyền thông quốc tế, kế hoạch tìm kiếm hòa bình của Mỹ bao gồm 7 điểm chính. Trong đó, cùng với việc Nga - Ukraine ngừng bắn ngay lập tức và đàm phán trực tiếp là việc Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, trong khi vẫn duy trì khả năng gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Nội dung gây tranh cãi nhiều nhất trong đề xuất hòa bình của Mỹ là vấn đề liên quan đến lãnh thổ. Theo đó, Mỹ sẽ công nhận “trên danh nghĩa pháp lý” bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ của Nga, đồng thời thừa nhận “trên thực tế” quyền kiểm soát của Mátxcơva tại các vùng Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia.
Mỹ phác thảo một lệnh ngừng bắn, qua đó, ngăn chặn các cuộc tiến công quân sự tiếp theo trong khi vẫn duy trì các vị trí hiện tại của Nga và Ukraine. Cùng với đó là vòng đàm phán mới dưới sự giám sát quốc tế để xác định tình trạng tương lai các vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Đổi lại, Nga sẽ bắt đầu đàm phán hòa bình.
Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phản ứng mạnh mẽ trước đề xuất này của Mỹ. Ông Volodymyr Zelensky khẳng định, Kiev không bao giờ công nhận việc Crimea và các vùng lãnh thổ khác nhập vào Nga, đồng thời lưu ý rằng, thỏa hiệp về lãnh thổ sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm trong tương lai.
"Đây là lãnh thổ của chúng tôi, lãnh thổ của người dân Ukraine. Chúng tôi không có gì để thảo luận về vấn đề này”, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố.
Phản ứng của Ukraine nhận được sự ủng hộ của Liên minh châu Âu. Nhà ngoại giao hàng đầu của EU - Kaja Kallas khẳng định, liên minh này "không công nhận" bán đảo Crimea là một phần của Nga. Còn việc Ukraine gia nhập NATO, nhà lãnh đạo này khẳng định, chỉ có các nước thành viên của tổ chức này mới có thể phủ quyết.
Trong khi đó, dù khẳng định thiện chí đàm phán, các quan chức Nga vẫn liên tục nhấn mạnh, bất kỳ thỏa thuận hòa bình khả thi nào cũng phải bao gồm sự công nhận chính thức về lãnh thổ trên thực địa và giải quyết các mối quan ngại cốt lõi về an ninh, bao gồm sự trung lập của Ukraine cũng như lệnh cấm duy trì các lực lượng và cơ sở hạ tầng của NATO trên vùng lãnh thổ này.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết, Tổng thống Donald Trump "có lẽ là nhà lãnh đạo duy nhất trên Trái đất nhận ra sự cần thiết của việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ" của xung đột, gọi đó là một trong những "dấu hiệu cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng".
Những diễn biến này gây ra sự bất ổn mới cho các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine. Bất chấp việc Washington ngày càng kiên định trong nỗ lực buộc Kiev phải ký kết thỏa thuận, Ukraine vẫn kiên quyết không từ bỏ Crimea, nơi đã thuộc quyền kiểm soát của Nga từ năm 2014, hoặc các phần phía Đông Ukraine đang thuộc vào Nga sau "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào năm 2022.
Trong bối cảnh này, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ đang "mất kiên nhẫn" với tiến trình giải quyết xung đột. Cả ông Donald Trump và Bộ trưởng Ngoại giao Marco Rubio đều cảnh báo, Mỹ có thể xem xét lại vai trò trung gian trong tiến trình hòa đàm và chuyển trọng tâm sang các "ưu tiên" toàn cầu khác nếu không sớm đạt được tiến triển.
Mặc dù cuộc gặp ở Rome được coi là bước tiến trong nỗ lực hòa giải nhưng các vấn đề cốt lõi như chủ quyền lãnh thổ, dỡ bỏ trừng phạt và bảo đảm an ninh cho Ukraine vẫn chưa được giải quyết. Tình hình hiện tại vẫn còn nhiều bất ổn và tương lai của một thỏa thuận hòa bình bền vững phụ thuộc vào các bên có đạt được sự đồng thuận then chốt hay không.
(Theo CNN, RBC-Ukraine, Kyiv Independent, The Guardian)
Thùy Dương