Người dân nộp 97% tiền mua đất nhưng 7 năm chưa xây được nhà
280 hộ dân ký hợp đồng với chủ đầu tư là Công ty cổ phần Câu lạc bộ Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh để mua các lô đất với mục đích xây nhà để ở tại dự án Câu lạc bộ Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh - Cam Ranh Citygate thuộc phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa (gọi tắt là dự án Cam Ranh Citygate).
Tuy nhiên, sau 7 năm, nhiều hộ dân đã đóng 97% tiền lô đất, được bàn giao nền nhưng không được xây dựng nhà.
Bà Đặng Thị Kim Liên ở thành phố Cam Ranh cho biết: “Nhà tôi đông người ở tạm căn nhà cấp 4 lâu nay, gom góp và vay ngân hàng mua lô đất này từ năm 2018 nhưng mãi không được xây. Nhà đang ở thì xuống cấp nhưng cũng không sửa chữa cứ nấn ná chờ khu đất ở dự án để xây nhà. Hàng tháng gia đình vẫn phải trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng, nền đất thì được chủ đầu tư bàn giao rồi mãi vẫn chưa được xây, gia đình đang rất khó khăn”.
Dự án Cam Ranh Citygate nhiều hộ dân đã đóng 97% tiền lô đất, được bàn giao nền nhưng không được xây dựng nhà
Theo đó, năm 2017, UBND tỉnh Khánh Hòa có Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉ lệ 1/500 dự án Cam Ranh Citygate với diện tích 47,9 ha. Trong đó có 4,9 ha có chức năng là "đất ở không hình thành đơn vị ở" với quy mô chiều cao công trình tối đa 3 tầng (xây dựng nhà ở, biệt thự).
“Đây là cơ sở pháp lý mà người dân mua nhà đặt niềm tin chọn mua đất ở khu vực này khi dự án đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt. Trong đó khu vực 280 lô đất là đất ở không hình thành đơn vị ở, được sở hữu lâu dài. Thế nhưng nhiều năm nay chủ đầu tư, UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa tháo gỡ những vướng mắc pháp lý khiến các nhà đầu tư khốn khó khi bỏ tiền mua nhưng không sử dụng được, đất thì bỏ hoang” - anh Nguyễn Thành Vinh ở thành phố Cam Ranh nói.
Với gia đình ông H. ở thành phố Cam Ranh, khoản đầu tư mua lô đất dự án Cam Ranh Citygate là nguồn cơn cho những cuộc cãi vã của hai vợ chồng. “Khi mua thì vợ tôi ngăn cản vì đây là khoản tiền tích góp cả hàng chục năm của gia đình, vợ tôi muốn tìm một điểm khác nhỏ hơn, đầu tư chỉ nửa số tiền vào nhưng tôi chọn dự án này vì pháp lý khá rõ ràng và tiến độ xây dựng hạ tầng cũng xong xuôi nhưng không ngờ lại quá nhiều vướng mắc” - ông H. chia sẻ.
Hàng trăm hộ dân mua dự án Cam Ranh Citygate chờ đợi đằng đẵng 7 năm nay, nhưng chủ đầu tư và cả UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn không tìm ra “lối thoát” cho dự án đi vào hoạt động. Người dân mua đất chỉ biết nhìn những nền đất đã hoàn thiện hạ tầng, đường, điện, nước… để hoang hóa.
Theo thống kê tỉnh Khánh Hòa có 52 dự án có loại hình “đất ở không hình thành đơn vị ở” đang vướng mắc và hàng trăm ha đất bị bỏ hoang nhiều năm nay
Nguồn lực đất đai và xã hội đang bị lãng phí
Thời gian trước, thực tế đã có gần 10 tỉnh như Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Ninh… cho phép sử dụng thuật ngữ “đất ở không hình thành đơn vị ở” để cấp sổ đỏ cho loại hình condotel và biệt thự nghỉ dưỡng. Chủ đầu tư tại các dự án trên sẽ được sở hữu bất động sản lâu dài với điều kiện: không được đăng ký hộ khẩu, không hình thành nên các khu dân cư, làng xóm.
Tuy nhiên, tại Thông báo Kết luận Thanh tra Chính phủ số 1919 (ngày 4/11/2020) chỉ ra rằng "đất ở không hình thành đơn vị ở" chưa có quy định tại pháp luật hiện hành. Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo bộ, ngành liên quan xử lý tình trạng đầu tư, xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất với "đất ở không hình thành đơn vị ở" tại Khánh Hòa và nhiều địa phương khác.
Ngay sau đó, các tỉnh đã chính thức khai tử loại hình này, cùng thời điểm, dự án condotel, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được xây trên loại hình này rơi vào tình trạng "đóng băng" chờ hành lang pháp lý, không thể cấp sổ đỏ.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa
Theo thống kê tỉnh Khánh Hòa có 52 dự án có loại hình “đất ở không hình thành đơn vị ở”, tập trung chủ yếu ở thành phố Nha Trang, khu vực bắc bán đảo Cam Ranh. Vướng mắc pháp lý về loại đất, quyền sở hữu cũng khiến nhiều dự án bất động sản đình trệ, hàng trăm ha đất bỏ hoang hóa nhiều năm. Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Khánh Hòa trầm lắng trong thời gian dài.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thừa nhận thực tế: “Đây là một việc lãng phí nguồn lực rất lớn, cả cho doanh nghiệp, người dân và cả sự phát triển chung của tỉnh Khánh Hòa. UBND tỉnh Khánh Hòa mong muốn có tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản để phát triển thị trường bất động sản".
Lời giải về mục đích sử dụng đất của các dự án “đất ở không hình thành đơn vị ở” vẫn đang bỏ ngỏ. Các giải pháp từ phía các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và các cấp chính quyền về vấn đề này sẽ được VOV.VN tiếp tục đề cập.
PV/VOV.VN