7 triệu tỷ đồng bị đình trệ do vướng mắc pháp lý
Thống kê sơ bộ cho thấy, trên toàn quốc hiện có hơn 2.900 dự án bất động sản đình trệ, “tồn đọng”, chưa thể triển khai. Riêng tại TP.HCM, con số này lên tới 504 dự án bị đình trệ do vướng mắc pháp lý. Thực trạng này phản ánh một nguồn lực khổng lồ đang bị “mắc kẹt” trong các dự án bất động sản đình trệ, khiến hàng triệu tỷ đồng giá trị đất đai, tài chính và cơ hội phát triển bị chôn vùi.
Không chỉ gây lãng phí nghiêm trọng, tình trạng trên còn cản trở trực tiếp tới quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Những con số đáng lo ngại ấy cho thấy rõ một điểm nghẽn pháp lý lớn về thể chế – đặc biệt là những bất cập trong hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư có sử dụng đất, xây dựng và đất đai – cần sớm được tháo gỡ.
Hàng triệu tỷ đồng bị kẹt trong các dự án bất động sản đình trệ, vướng pháp lý. Ảnh minh họa: KT
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho biết, hiện nay đang tồn tại tình trạng một lượng vốn khổng lồ bị “chôn chân” trong các dự án chưa thể triển khai. Ông Châu chia sẻ, riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có tới 504 dự án bất động sản đình trệ do vướng mắc về pháp lý, tương đương gần 7.179 hecta đất với giá trị ước tính lên đến 7 triệu tỷ đồng. Nếu xét trên phạm vi toàn quốc, con số này còn lớn hơn rất nhiều với hơn 2.900 dự án đang “tồn đọng”, cho thấy một nguồn lực khổng lồ đang bị kẹt lại, cần được tháo gỡ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo các chuyên gia, điểm chung của hàng loạt dự án bị đình trệ là vướng mắc pháp lý, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và đầu tư công. Những bất cập về quy hoạch, thủ tục giao đất, xác định tiền sử dụng đất, thẩm định hồ sơ… khiến quá trình triển khai dự án bị kéo dài vô thời hạn.
Một dự án chậm triển khai không chỉ gây thiệt hại cho nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến hàng loạt lĩnh vực liên quan như bất động sản, xây dựng, tài chính – ngân hàng, việc làm, an sinh xã hội. Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân chính dẫn đến sự đình trệ đều xuất phát từ vướng mắc pháp lý: từ thủ tục giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thẩm định dự án, phê duyệt quy hoạch, đến cấp phép xây dựng. Hàng triệu tỷ đồng nguồn lực đất đai, tài chính và cơ hội phát triển bị kẹt lại, gây lãng phí nghiêm trọng và cản trở đà phục hồi kinh tế.
Sớm gỡ vướng trong triển khai dự án đầu tư có sử dụng đất
Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định liên quan đến đất đai và quy hoạch, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, nhưng các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục cải thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, đất đai, nhà ở để đáp ứng những đòi hỏi của “kỷ nguyên mới”. Đặc biệt là việc nhận diện chi tiết những điểm nghẽn pháp lý, khó khăn, vướng mắc pháp lý đang cản trở việc thực hiện và triển khai các dự án đầu tư có sử dụng đất và cần sớm gỡ vướng trong triển khai dự án đầu tư sử dụng đất.
Hàng triệu tỷ đồng nguồn lực đang bị chôn vùi, gây lãng phí nghiêm trọng và cản trở đà phục hồi kinh tế. Ảnh minh họa-KT.
Phát biểu tại hội thảo khoa học “Nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án đầu tư có sử dụng đất và kiến nghị, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, “bất cập” và những điểm nghẽn pháp lý chồng chéo. Ông Ngọc nhấn mạnh, nếu những nút thắt này được giải quyết thành công, đó sẽ là một “đột phá của đột phá”.
Tiến sĩ Châu Hoàng Thân, Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ, cũng cho rằng, những dự án đầu tư sử dụng đất có quy mô thu hồi đất lớn cần được áp dụng một cơ chế giải phóng mặt bằng riêng biệt, thay vì hoàn toàn giao cho địa phương thực hiện như hiện tại. Bên cạnh đó, ông cũng đặt ra vấn đề cần có cơ chế xử lý rõ ràng trong trường hợp nhà đầu tư đã ứng vốn nhưng quá trình giải phóng mặt bằng lại không thể thực hiện được.
Luật sư Phạm Thanh Tuấn thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội đã chỉ ra vướng mắc pháp lý đó là quy định về việc giao đất, cho thuê đất cho nhiều tổ chức kinh tế tham gia liên danh. Ông Tuấn phân tích, pháp luật đất đai hiện hành chưa có quy định rõ ràng về vấn đề này. Mặc dù các doanh nghiệp có thể liên danh để tham gia đấu thầu, đáp ứng các điều kiện về tài chính, năng lực và kinh nghiệm, nhưng khi được giao đất hoặc cho thuê đất, các nhà đầu tư trong liên danh lại buộc phải thành lập một doanh nghiệp dự án riêng biệt, thay vì việc giao đất trực tiếp cho chính liên danh đó.
Ánh Phương/VOV.VN