Đẩy mạnh sự hiện diện trên thị trường
Các hãng xe Trung Quốc đang phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam với những cái tên nổi trội như BYD, Omoda & Jaecoo, Lynk & Co hay Geely.
Omoda & Jaecoo Việt Nam đã chính thức bổ nhiệm 35 nhà phân phối ủy quyền tính đến hết quý I/2025 trong khi kế hoạch cả năm là 39.
Ngoài các hoạt động quảng bá thương hiệu rầm rộ, có thể thấy, việc phát triển kênh bán hàng rất được chú trọng.
Với Lynk & Co và Geely, đơn vị phân phối hai thương hiệu xe này tại Việt Nam là Tasco. Tasco trước đây vốn không có tiếng tăm trong việc phân phối ô tô song từ khi sáp nhập Savico Holdings (công ty mẹ của Savico và cũng là đơn vị sở hữu nhiều công ty con chuyên phân phối xe mới và cũ) thì câu chuyện đã khác.
Savico Holding sau đó đổi tên thành Tasco Auto, trở thành thành viên trong hệ sinh thái đa ngành của tập đoàn Tasco. Hệ thống đại lý Geely sẽ được mở rộng lên 50 đại lý trong năm 2025.
Bên cạnh đó, theo đại diện hãng chia sẻ, tất cả đại lý Geely tại Việt Nam đều sẽ là đại lý 3S, cung cấp cả dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa và có sẵn nguồn linh kiện. Cùng đó, hệ thống 106 đại lý trên toàn quốc mà Tasco Auto hiện có cũng sẽ cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa chính hãng dành cho xe Geely.
Không có thế mạnh trong mảng phân phối xe sẵn có như Tasco, song tập đoàn Geleximco cũng đang từng bước phát triển nhanh chóng hệ thống mạng lưới đại lý Omoda & Jaecoo tại Việt Nam.
Trong thông báo mới nhất, Omoda & Jaecoo Việt Nam cho biết đã chính thức bổ nhiệm 35 nhà phân phối ủy quyền tính đến hết quý I/2025. Đáng chú ý, thương hiệu này mới chỉ bắt đầu bán xe tại Việt Nam vào cuối tháng 11 năm ngoái.
Với kết quả này, Omoda & Jaecoo Việt Nam đã gần như đạt mục tiêu phát triển kênh phân phối cho năm 2025 (39 nhà phân phối đi vào hoạt động) ngay tại thời điểm kết thúc quý I/2025.
Đại diện Geely, Tasco và BQL Khu kinh tế Thái Bình ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Ảnh: Tasco
Nêu rõ kế hoạch lắp ráp, xuất khẩu xe từ Việt Nam
Ngoài đẩy mạnh phát triển kinh doanh ô tô trong nước, Tasco và Geleximco đều lên kế hoạch liên doanh đầu tư mở nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Đồng thời nêu rõ tham vọng muốn biến Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu ô tô đi các nước.
Trong đó, Tasco và Geely đã ký kết hợp đồng liên doanh lắp ráp và phân phối xe ô tô tại Việt Nam, cũng như ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược ba bên với BQL Khu kinh tế và các khu CN tỉnh Thái Bình.
Tasco cho biết, nhà máy này có công suất thiết kế đạt 75.000 xe/ năm cho giai đoạn 1, quy mô diện tích đất 30ha, phục vụ cho nhu cầu trong nước và đặc biệt là xuất khẩu sang các nước có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến khoảng 168 triệu USD, trong đó Tasco sẽ góp vốn đầu tư 64% và tập đoàn Geely sẽ góp vốn 36%. Theo kế hoạch, liên doanh sẽ bước đầu lắp ráp các dòng xe thuộc thương hiệu Lynk & Co và Geely Auto. Trong tương lai có thể mở rộng lắp ráp các thương hiệu xe khác. Nhà máy dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong nửa đầu năm 2025 và bàn giao mẫu xe đầu tiên tới khách hàng trong đầu năm 2026.
Về phần liên doanh giữa Geleximco và Chery (hãng mẹ của Omoda và Jaecoo), nhà máy lắp ráp xe Omoda và Jaecoo sẽ khởi công xây dựng tại Thái Bình trong quý II/2025 với tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng, dự kiến vận hành từ năm 2026.
Không giấu tham vọng, Omoda & Jaecoo Việt Nam cho biết sẽ "không dừng lại ở thị trường nội địa, nhà máy này còn được định hướng trở thành trung tâm xuất khẩu xe từ Việt Nam đến các quốc gia trên thế giới, mở ra cơ hội xuất khẩu và đưa thương hiệu Omoda & Jaecoo Việt Nam vươn ra thị trường khu vực".
Có nhiều lợi thế khi xuất khẩu để hãng xe Trung Quốc lựa chọn Việt Nam là địa điểm lắp ráp. Ảnh: Chery
Xuất khẩu xe Trung Quốc từ Việt Nam được lợi gì?
Trao đổi với PV, một chuyên gia về chính sách cho rằng để có thể nói chính xác vì sao các hãng Trung Quốc chọn Việt Nam làm trung tâm xuất khẩu xe là rất khó bởi không thể biết bộ phận phân tích, hoạch định chiến lược của họ tính toán gì.
Tuy nhiên có thể nhận định, đầu tiên, Việt Nam có lợi thế địa lý sát với Trung Quốc nên việc vận chuyển linh kiện sang lắp ráp sẽ thuận lợi, giảm thời gian và chi phí vận chuyển.
Bên cạnh đó, Việt Nam có tham gia các hiệp định thương mại với nhiều quốc gia, khu vực nên nếu lắp ráp xe ở Việt Nam xuất khẩu đi sẽ được hưởng ưu đãi thuế: "Ví dụ như ô tô lắp ráp ở Việt Nam, nếu đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối trên 40% sẽ được hưởng thuế xuất khẩu đi các nước ASEAN bằng 0%.
Hay như châu Âu mới áp thuế nhập khẩu mới với ô tô điện Trung Quốc rất cao lên tới gần 50%. Nếu sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu đi sẽ không chịu mức thuế này dù vẫn là thương hiệu Trung Quốc.
Thêm vào đó khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, thuế nhập khẩu ô tô vào Việt Nam giảm thì ngược lại nếu ô tô xuất khẩu đi có thể cũng sẽ được ưu đãi".
Khi được hỏi tại sao một số hãng như Chery đã có nhà máy ở Đông Nam Á song vẫn mở nhà máy liên doanh ở Việt Nam, chuyên gia này cho rằng có thể như một số hãng xe nước ngoài Ford hay Toyota, mở nhà máy ở các quốc gia khác nhau tại ASEAN. Ngoài phục vụ trong nước, tùy tình hình thị trường sẽ có thể lựa chọn xe nào được sản xuất ở đâu để phục vụ cả trong nước lẫn xuất khẩu hay thị trường nào sẽ nhập khẩu để tối ưu sản xuất.
Tùng Lê