Ông sinh đúng vào năm Bác Hồ rời bến Nhà Rồng vượt biển cả bao la ra nước ngoài tìm đường cứu nước (1911) tại làng An Xá, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy). Đất nước đang lầm than bởi sự thống trị hà khắc của thực dân Pháp xâm lược cấu kết với chế độ phong kiến Việt Nam ở vào thời kỳ suy vong và hèn nhát. Đấy là giai đoạn lịch sử đen tối của dân tộc mà sau này trong cuốn sách Vấn đề dân cày (Võ Nguyên Giáp viết chung với Trường Chinh) đã chỉ ra: “Sống dưới chế độ bóc lột phong kiến-tư bản, dân cày Đông Dương đã quá xơ xác, điêu linh”.
Con đường giác ngộ cách mạng của Võ Nguyên Giáp bắt đầu từ lòng yêu nước thương dân có từ rất sớm trong ông; khi mới 14 tuổi đang ở Trường Quốc học Huế, phong trào đấu tranh của nông dân, trí thức, học sinh Trung Kỳ chống sưu cao thuế nặng, đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu đã cuốn hút vị Đại tướng lừng danh của Việt Nam sau này. Sau đó ít lâu, trên thượng nguồn sông Kiến Giang, một nhóm học sinh trong đó có Võ Nguyên Giáp đã lập ra hội kín tuyên thệ đánh giặc Tây.
Năm 1927, lúc đó mới 16 tuổi, người học trò mảnh khảnh có khuôn mặt tròn Võ Giáp đã viết bài báo “Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học” tố cáo nền giáo dục ngu dân của chế độ thực dân, phong kiến. Con đường đến với ánh sáng thời đại của ông có thể chính thức kể từ khi Võ Nguyên Giáp biết tới những tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc như Bản án chế độ thực dân Pháp, báo Người cùng khổ (Le Paria)... Đại tướng đã từng tâm sự: “Bài luận văn của Nguyễn Ái Quốc đã gây cho chúng tôi một lòng căm phẫn sâu sắc như một luồng điện giật”. Mười bảy tuổi, Võ Nguyên Giáp đã tham gia Đảng Tân Việt và chính người thanh niên yêu nước đó có tên trong nhóm nòng cốt thúc đẩy quá trình biến cải tổ chức này thành Đông Dương cộng sản liên đoàn để đến năm 1930 hợp nhất vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Lần đêm bước đến khi hửng sáng/Mặt trời kia cờ Đảng giương cao... (thơ Tố Hữu) từ đó đến bây giờ đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam trở thành lực lượng lãnh đạo duy nhất của cách mạng và dân tộc Việt Nam.
Nhưng có lẽ, dấu mốc quan trọng nhất trong con đường hoạt động cách mạng của Võ Nguyên Giáp là năm 1940, khi ông cùng đồng chí Phạm Văn Đồng vượt biên giới sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Có phải nguyên khí linh thiêng của non sông đã lặng lẽ “tạo duyên” cho Võ Nguyên Giáp được gặp gỡ bậc đại nhân, đại trí, đại dũng Hồ Chí Minh và được Bác giáo dục, rèn luyện, giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng. Cũng thật kỳ diệu là Bác Hồ đã nhìn ra ngay tài năng quân sự của Võ Nguyên Giáp từ lúc đó. Chuyện kể rằng: Trong một buổi gặp gỡ hai người, Bác Hồ đã ân cần nói: “Chú Tô thì học thêm về quản lý, còn cô Văn thì học thêm về quân sự”. (Tô là bí danh của Phạm Văn Đồng, Văn là bí danh của Võ Nguyên Giáp).
Vào năm 1944, lịch sử dân tộc lại được ghi thêm một dấu mốc mới vô cùng quan trọng khi Hồ Chí Minh quyết định thành lập đội tuyên truyền vũ trang đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Đại tướng từng kể lại: Trong một cuộc họp, sau khi phân tích tình hình trong nước và thế giới Bác Hồ quay sang hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp “Việc này giao cho chú Văn phụ trách, chú có làm được không?”. “Dạ, có thể được”. Anh Văn đã gật đầu trả lời Bác như thế. Giản dị hơn cả giản dị. Nhưng đó là sự giản dị của các bậc vĩ nhân. Hồ Chí Minh-Võ Nguyên Giáp gặp nhau trong sự tương đồng huyền diệu, như ánh sáng hòa vào ánh sáng, như yêu thương quyện vào yêu thương, như niềm tin cộng hưởng niềm tin và đương nhiên rồi, đó chính là sức mạnh phi thường tạo nên những bước ngoặt lịch sử của dân tộc trong sự nghiệp giải phóng đất nước mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Mùa thu năm 1944, vào một đêm se lạnh trong căn lều gần hang Pác Bó, Võ Nguyên Giáp đã được nghe Bác Hồ căn dặn những điều ngắn gọn nhưng rất cơ bản về đường lối quân sự cách mạng Việt Nam. Đó là, lực lượng vũ trang cách mạng phải có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bác nói, đội Quân giải phóng phải có chi bộ làm hạt nhân lãnh đạo. Đó là, đội phải dựa vào dân, như sau này chúng ta đúc kết: Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Đó là, với người cầm quân thì nhất nhất phải Dĩ công vi thượng. Có thể nói rằng, suốt cuộc đời cầm quân hiển hách của mình, Đại tướng luôn luôn thực hiện đúng những điều Bác Hồ căn dặn. Và đó là một trong những nhân tố làm nên sự thành công của Đại tướng trong xây dựng lực lượng, giáo dục chính trị, thực hiện nhiệm vụ quân sự do Đảng giao phó. Những chiến công hiển hách của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng được tạo nên bằng sức mạnh tổng hợp từ Đảng, từ dân, từ những người lính Cụ Hồ. Những chiến công kỳ tích trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của Đảng và nhân dân gắn với tên tuổi, trí đức của Hồ Chí Minh-Võ Nguyên Giáp. Cách mạng tháng 8/1945, trước khi cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra mấy tháng, trong một trận sốt rất nặng Bác Hồ đã dặn dò Võ Nguyên Giáp: Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành được độc lập. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang ác liệt vào ngày 28/5/1948, Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng đầu tiên trong quân đội ta. Lúc ấy ông mới 37 tuổi. Bác Hồ cầm sắc lệnh và cảm động nói: ...Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú cấp bậc Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho... Vị Đại tướng của nhân dân, Đại tướng vì hòa bình đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và 21 năm sau là đại thắng mùa xuân 1975 thực hiện được khát vọng của Bác Hồ kính yêu là “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Hiệu lệnh tấn công nổi tiếng của Đại tướng đã được khắc ghi vào lịch sử vẻ vang: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa”. Và cho đến hôm nay, khi quân đội ta đang trên hành trình xây dựng lực lượng tinh, gọn, mạnh, hiện đại cùng đất nước Việt Nam anh hùng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì những giá trị lịch sử-văn hóa do Hồ Chí Minh-Võ Nguyên Giáp để lại vẫn mãi còn tỏa sáng. Hạnh phúc lớn nhất của Đại tướng là đây. Hạnh phúc ấy là vô giá bởi cốt lõi xuyên suốt của nó không gì khác là tư tưởng yêu nước, thương dân, là tính nhân văn cao cả. Hạnh phúc ấy mang tên Võ Nguyên Giáp, mang tên Đại tướng, mang tên bác Giáp, mang tên anh Văn. Hạnh phúc ấy không của chỉ riêng Đại tướng mà của chung dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Hữu Quý