Ươm mầm cho học sinh nghèo
Sinh năm 1983, ngay từ nhỏ, cô Dự đã có tình cảm đặc biệt với nghề “phấn trắng, bảng đen”. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư phạm Tuyên Quang, cô được phân công giảng dạy môn Lịch sử tại trường THCS Bình Nhân (Chiêm Hóa) và đến năm 2007, cô chuyển công tác về trường THCS Thổ Bình.
Cô giáo Đặng Thị Dự.
Trường THCS Thổ Bình với trên 90% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó học sinh có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nghèo chiếm gần 50% trò “người lái đò”, cô giáo Dự cùng đồng nghiệp không chỉ chú trọng việc nâng cao chất lượng chuyên môn mà còn kiên trì đến từng nhà các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn để vận động đi học. Đặc biệt có những em gia đình có hoàn cảnh khó khăn cô còn nhận đỡ đầu để các em tiếp tục được đến trường.
Cô Dự nhớ lại những ngày đầu khi mình mới về nhận công tác tại trường THCS Thổ Bình, trong xã có nhiều thôn đường đi lại còn khó khăn lắm. Đến nhà học sinh ở nhà cũng chỉ gọi là che mưa, che nắng tạm bợ. Đường đi lại khó khăn, đất xói mòn trơ toàn sỏi đá lởm chởm. “Không cẩn thận là ngã ngay xuống vực. Chưa tưởng tượng đến lúc trời mưa, đường trơn, hay mùa đông sương mù giăng kín… Tôi đã rơi nước mắt khi chứng kiến sự vất vả của các em đi lấy cái chữ. Vì thế, tôi hay đến động viên phụ huynh, động viên các em đến trường học tập để sau này đi đây đó, thoát khỏi cảnh nghèo khổ vất vả”, cô Dự nói.
Để các em được đến trường như bao bạn học khác đến nay cô Dự đã nhận đỡ đầu cho 10 em học sinh theo học tại trường và hằng trăm học sinh được cô mua quần áo, sách vở và bút để đến trường. Đến nay cô được ví như người mẹ thứ 2 của những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở trường. Mỗi lần thấy lớp nào có học trò nghèo, dù là lớp do cô chủ nhiệm hay chỉ giảng dạy bộ môn, cô Dự đều tận tình giúp đỡ và động viên các em vượt khó.
Một giờ lên lớp của cô giáo Đặng Thị Dự, giáo viên trường THCS Thổ Bình (Lâm Bình).
Em Ma Thị Thu Hoài, học sinh lớp 9B, trường THCS Thổ Bình chia sẻ, nhà em khó khăn lắm, năm em học lớp 6, bố em không may mất sớm mẹ một mình nuôi 2 anh em đi học, phải khó khăn lắm em mới tiếp tục đến trường. Thấy hoàn cảnh đáng thương, cô Dự đã nhiều lần đến gia đình để động viên em tiếp tục theo học, cùng với đó là những món quà thiết thực như sách vở, quần áo, cặp sách và các khoản tiền đóng góp trên lớp, cô thường bỏ tiền ra đóng cho em. Sự động viên, giúp đỡ kịp thời của cô Dự đã tiếp thêm nghị lực, niềm tin để em tiếp tục đến trường cho đến hôm nay.
Thắp lửa đam mê
Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Chúng ta phải sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới”, trong chương trình dạy, cô giáo Đặng Thị Dự luôn tìm tòi đổi mới phương pháp giảng dạy để “truyền lửa” kiến thức cho học sinh, đặc biệt không nặng về lý thuyết mà chủ động gợi ý cho các em học sinh phần kiến thức cơ bản nhất, áp dụng công nghệ thông tin, trình chiếu các tranh ảnh, đoạn video về lịch sử vào giảng dạy giúp các em dễ hình dung, dễ hiểu. Cô còn thường xuyên trao đổi thông tin với học sinh, thực hiện giải đề không chỉ trên lớp mà còn qua các nhóm Zalo, giới thiệu các tài liệu, tư liệu liên quan đến việc học tập và ôn thi cho các em học sinh.
Cô Dự chia sẻ: “Với tôi, môn học này không chỉ giúp các em có thêm hiểu biết về lịch sử mà thông qua đó còn giáo dục các giá trị truyền thống, nhân cách con người để học sinh vận dụng trong cuộc sống. Để làm được điều này đòi hỏi giáo viên phải là người có kiến thức lịch sử sâu rộng, phấn đấu để trở thành người “nghệ sĩ” kể chuyện lịch sử tạo hứng thú cho học sinh.
Cô giáo Đặng Thị Dự, giáo viên trường THCS Thổ Bình (Lâm Bình) hướng dẫn học sinh ôn bài.
Kể từ khi bắt đầu công tác, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn cô còn tham gia trực tiếp bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, cô Dự đã mạnh dạn, có định hướng đào tạo học sinh mũi nhọn, lựa chọn những học sinh xuất sắc tham dự kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Từ năm 2014 đến nay năm nào cô cũng có học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện; từ năm 2021 đến nay năm nào cô cũng có học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh và nhiều năm cô đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Ngoài ra, cô cũng có nhiều sáng kiến trong chuyên môn được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận, áp dụng có hiệu quả cao trong công tác giảng dạy môn Lịch sử tại trường.
Em Ma Thị Trà Giang, học sinh lớp 12, trường PTDTNT THPT tỉnh cho biết: “Trong 4 năm em học tập tại trường THCS Thổ Bình, cô Dự thường tìm hiểu hoàn cảnh của từng bạn học sinh trong lớp, trong trường gần gũi chia sẻ và tâm sự với chúng em. Những bạn nào có hoàn cảnh khó khăn, cô thường giúp đỡ bằng cách mua tặng các bạn quần áo, sách vở, tài liệu học tập, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày. Những lúc chúng em ốm đau, cô cũng thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ cả về vật chất lẫn tinh thần. Ngày đó nhà em khó khăn lắm, nhờ có cô mà em mới tiếp tục được đến trường. Không những thế cô là người giúp em cảm thấy yêu thích môn học Lịch sử hơn, có phương pháp học phù hợp và đã đạt được nhiều thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử”.
41 năm tuổi đời, 19 năm tuổi nghề, cô giáo Đặng Thị Dự đã dành trọn tình yêu cho sự nghiệp “trồng người”. Luôn trăn trở và mong muốn các em học sinh đều được đến trường và truyền cảm hứng và tình yêu môn Lịch sử cho thật nhiều thế hệ học sinh của mình.
Minh Hoa