Hạnh phúc tháng Mười – Một bài thơ nhân văn, cảm động!

Hạnh phúc tháng Mười – Một bài thơ nhân văn, cảm động!
3 giờ trướcBài gốc
HẠNH PHÚC THÁNG MƯỜI
Nguyễn Hồng Vinh
Sinh tháng Mười
Em tròn tuổi, cha lên phương Bắc
Biên giới ầm ào tiếng súng
Chiến hào như lò nung
Bụi đá, bụi bom bao phủ mịt mùng!
Hai tháng sau, mẹ nhận dòng thư ngắn:
“Anh vẫn trụ cùng đồng đội
Mong mẹ con khỏe, vui”
Hai năm sau đơn vị gửi tin:
Trong trận lên đồi cao giữ chốt
Cùng đồng đội đánh lui đợt tiến công
Còn cha ra đi khi đạn thù xuyên bụng!
Tháng Mười năm nay đến muộn
Em quên cả thời gian
Cùng đoàn quân thiện nguyện
Lo cứu người bị vùi trong đất sạt
Quần áo ướt không kịp thay
Rét và đói đêm về cào xé!
Chiều chiều mẹ ngồi bậu cửa
Đau đáu hướng về Tây Bắc
Mưa vẫn trắng trời
Thêm nhiều bản, làng bị lũ cuốn trôi!
Em trở về đúng đêm sinh nhật
Mẹ đã đặt trên bàn lọ hoa hồng em thích
Cùng bưởi, hồng, na, quýt...
Mẹ nhìn con cùng bè bạn quây quần
Hát vang bài ca sinh nhật
Lệ chảy dài trên má…
Chắc bố con dưới cõi âm
Đang mỉm cười mừng tháng Mười hạnh phúc!
Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam
(20/10/2024)
Sáng tạo trong nghệ thuật là kiến tạo ra một mô hình mới, mô hình này bắt nguồn từ hiện thực nhưng không đồng nhất với hiện thực. Tác phẩm vừa là hiện thực đời sống vừa là công lao sáng tạo mang rõ dấu ấn chủ thể của nhà văn. Gọi hiện thực trong nghệ thuật là “hiện thực tâm trạng” là theo cái ý ấy. Hiện thực trong Hạnh phúc tháng Mười là câu chuyện về sự cống hiến của một gia đình có ba người: người cha, người mẹ, người con. Mấy chục năm trước, khi con một tuổi, người cha tạm biệt tổ ấm yêu thương lên chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc:
Sinh tháng Mười
Em tròn tuổi, cha lên phương Bắc
Biên giới ầm ào tiếng súng
Chiến hào như lò nung
Bụi đá, bụi bom bao phủ mịt mùng!
Đó là sự hy sinh của cả ba người: Đứa con “tròn tuổi” đang rất cần người cha bế ẵm, nâng niu, dạy bảo. Người vợ rất cần người chồng chia sẻ trong thời điểm con thơ, việc nhà, việc cơ quan, đồng áng. Tất nhiên người chồng ra đi là sự hy sinh lớn nhất. Nhưng đó cũng là trách nhiệm, còn là vinh dự của một công dân. Hai tháng sau người vợ nhận thư chồng, là niềm vui. Hai năm sau, người vợ nhận tin chồng, là một nỗi đau xé ruột:
Hai tháng sau, mẹ nhận dòng thư ngắn:
“Anh vẫn trụ cùng đồng đội
Mong mẹ con khỏe, vui”
Hai năm sau đơn vị gửi tin:
Trong trận lên đồi cao giữ chốt
Cùng đồng đội đánh lui đợt tiến công
Còn cha ra đi khi đạn thù xuyên bụng!
Với người vợ, còn nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất chồng. Với con thơ, còn nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất cha. Người cha, người chồng là điểm tựa, là trụ cột của gia đình. Thế mà điểm tựa ấy, trụ cột ấy không còn nữa, đã ra đi vì Nước, vì Dân. Đó là sự hy sinh lớn lao của biết bao những gia đình trong hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy!
Người cha ngã xuống nơi biên cương, mấy chục năm sau, đến lượt người con gái theo bước chân Cha lên vùng biên giới “Lo cứu người bị vùi trong đất sạt/Quần áo ướt không kịp thay/ Rét và đói đêm về cào xé!”. Người Cha hy sinh thân mình chống quân xâm lược là kẻ thù hai chân. Người con hy sinh tuổi trẻ chống kẻ thù không chân là thiên tai hung dữ. Người Cha cứu nước. Người con cứu dân:
Tháng Mười năm nay đến muộn
Em quên cả thời gian
Cùng đoàn quân thiện nguyện
Lo cứu người bị vùi trong đất sạt
Quần áo ướt không kịp thay
Rét và đói đêm về cào xé!
Còn người mẹ, vẫn sự hy sinh lớn lao. Mấy chục năm trước chờ chồng trong hy vọng khôn nguôi. Nay chờ con, mong con trong nỗi thắc thỏm lo lắng:
Chiều chiều mẹ ngồi bậu cửa
Đau đáu hướng về Tây Bắc
Mưa vẫn trắng trời
Thêm nhiều bản, làng bị lũ cuốn trôi!
Cũng dễ hiểu. Con bây giờ là điểm tựa, là niềm vui, là hy vọng của Mẹ. Với Mẹ, con là tất cả. Niềm vui của Mẹ chỉ vỡ òa khi con trở về:
Em trở về đúng đêm sinh nhật
Mẹ đã đặt trên bàn lọ hoa hồng em thích
Cùng bưởi, hồng, na, quýt...
Mẹ nhìn con cùng bè bạn quây quần
Hát vang bài ca sinh nhật
Lệ chảy dài trên má…
Ở đời, cái ngẫu nhiên làm thêm cái thi vị cho cuộc sống. Cũng trong tháng Mười: con sinh ra; Cha lên biên giới; Cha hy sinh (hai năm sau); em lên Tây Bắc; em trở về. Tháng Mười chất chứa bao kỷ niệm. Ở đây cái ngẫu nhiên như cái hương vị cho hạnh phúc thêm nồng nàn. Nước mắt người mẹ trở thành biểu tượng đa nghĩa: tình thương con; nỗi nhớ chồng; niềm hạnh phúc; niềm tự hào.
Hai câu kết bài thơ không hề bi lụy, mà sáng lên niềm đồng cảm nhớ thương cùng người cha ở nơi chín suối: “Chắc bố con dưới cõi âm/Đang mỉm cười mừng tháng Mười hạnh phúc!”, làm ta liên tưởng đến một câu thơ của Tố Hữu thời đánh Mỹ: “Lớp cha trước, lớp con sau/Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Có người hy sinh nhưng hàng ngàn vạn người khác đã và đang tiếp nối hành trình giữ Tổ quốc độc lập, tự do và bình yên, hạnh phúc! Đó là triết lý về lẽ sống cao đẹp của dân tộc ta. Giá trị tư tưởng của bài thơ là ở điểm tựa căn cốt ấy.
PGS.TS Nguyễn Thanh Tú
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/hanh-phuc-thang-muoi--mot-bai-tho-nhan-van-cam-dong-post317439.html