Nằm bên bờ sông Ninh Cơ hiền hòa, làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) xưa nay nổi tiếng về truyền thống hiếu học, khoa bảng, là vùng đất “địa linh nhân kiệt", quê hương của Tổng Bí thư Trường Chinh và nhiều danh nhân nổi tiếng trong lịch sử. Thời gian qua, cùng với tập trung phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, những người con Hành Thiện luôn có ý thức bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của quê hương, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn", bày tỏ lòng biết ơn với các bậc tiền nhân và sự hiếu kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo Hành Thiện.
Chùa Keo Hành Thiện ngoài thờ Phật còn thờ Đức Thánh tổ - Thiền sư Dương Không Lộ là nhân vật lịch sử có công lớn đối với vương triều Lý, được vua Lý phong làm Quốc sư kiêm Đại pháp sư. Dân làng Hành Thiện thờ phụng Ngài là vị Phúc thần - Thành hoàng tối linh, người có công lao khai sáng và tạo lập ra làng Hành Thiện. Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện hàng năm diễn ra 2 kỳ vào mùa xuân và mùa thu, đón hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước về tham quan, nghiên cứu. Vào mùa xuân, lễ hội được tổ chức từ ngày 12 đến 15/2 âm lịch tại Chùa Đĩnh Lan (Chùa Keo ngoài) với các nghi lễ: dâng hương, rước kiệu, yến lão… Lễ hội mùa thu trước kia được nhân dân làng Hành Thiện tổ chức từ ngày 10 đến 16/9 âm lịch. Hiện nay, các nghi lễ chính trong lễ hội được tổ chức từ ngày 12 đến 15/9 âm lịch, với các nghi lễ cổ như: trình Phật, Thánh, phụng nghinh, phục miều (triều y), dựng phan (phướn), Thánh đản và khoa giáo rối, lễ tạ; đồng thời duy trì nhiều trò chơi, loại hình diễn xướng dân gian như: hát chèo, bơi chải, cò cốc, rước đèn kéo quân, cờ tướng, leo cầu ngô bắt vịt, múa sư tử… Người làng xa quê thường trở về mỗi dịp lễ hội để được đắm trong văn hóa truyền thống quê hương, lên chùa lễ Phật cầu an, gặp gỡ người thân, bạn bè.
Lễ Trương yến được làng Hành Thiện duy trì tổ chức 3 năm một lần thể hiện tinh thần trọng thọ, đạo lý báo hiếu đối với bậc sinh thành.
Năm 2019, Lễ hội Chùa Keo - làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ khi được ghi danh đến nay, công tác quản lý, tổ chức lễ hội Chùa Keo Hành Thiện luôn được UBND huyện chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội và cộng đồng người dân xã Xuân Hồng nói chung, nhân dân làng Hành Thiện nói riêng triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, trang trọng theo nếp sống văn minh, tạo thuận lợi cho nhân dân địa phương và du khách chiêm bái cảnh quan di tích, thực hành tín ngưỡng, tham gia các hoạt động văn hóa bản địa của cộng đồng; ngăn chặn tình trạng thương mại hóa hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và các hành vi vi phạm an ninh trật tự, mê tín dị đoan.
Ở làng Hành Thiện còn tục lệ đầy tính nhân văn, đó là tổ chức lễ Trương yến đầu xuân, thể hiện tinh thần trọng thọ, đạo lý báo hiếu đối với bậc sinh thành. Các cụ cao niên làng Hành Thiện cho biết: tục Trương yến có từ ngày lập làng. Theo lệ làng từ xa xưa, Yến lão của làng được tổ chức ba năm một lần vào khoảng thời gian từ ngày 10 đến 16/2 âm lịch các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi. Những người từ 60 tuổi trở lên sẽ được mời dự yến, từ 70 tuổi trở lên được tổ chức lễ Trương yến. Trong ngày Trương yến, màu sắc khăn áo cho các cụ được quy định: từ 70 đến 79 tuổi mặc áo dài, đội khăn vải đỏ; từ 80 đến 89 tuổi mặc áo dài, thắt khăn lụa đỏ; từ 90 tuổi trở lên mặc áo dài và đội khăn nhiễu đỏ; trên 100 tuổi mặc áo lụa vàng… Vào ngày đại lễ (thường vào ngày 14/2 âm lịch), con cháu các gia đình rước ông bà, cha mẹ "đắc thọ" từ nhà ra miếu Tam Giáp lễ Phật, lễ Thánh ở Chùa Keo ngoài và Chùa Keo trong. Lễ rước được tổ chức long trọng, trang nghiêm mà náo nhiệt với đội nhạc trống, đàn sáo tấu các làn điệu lưu thủy. Con, cháu đi cùng háo hức, phấn khởi; không khí náo nhiệt cả làng quê. Tại chùa, chủ lễ thành kính dâng hương lễ Phật, lễ Thánh, kính cáo danh sách các cụ đã đến tuổi thượng thọ và cầu mong Phật, Thánh phù hộ độ trì cho các cụ thêm nhiều sức khỏe. Xuân Ất Tỵ 2025, làng tổ chức Trương yến cho 968 cụ, trong đó có 3 cụ đại thọ (trên 100 tuổi), hơn 180 cặp song toàn (cả cụ ông và cụ bà được thọ), trên 260 cụ được Trương yến lần đầu. Chị Phạm Thị Huệ, xóm 3 có bố mẹ cao niên nhất làng, vui mừng chia sẻ: “Chúng tôi rất vui vì bố mẹ còn khỏe và vinh dự tham gia lễ Trương yến. Đây là một lễ nghĩa văn hóa đặc sắc của làng để giáo dục con cháu biết kính trên nhường dưới, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, học hành thành đạt, đóng góp xây dựng quê hương".
Người dân trải nghiệm tham quan online Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo Hành Thiện.
Không chỉ trọng đạo hiếu, người dân làng Hành Thiện còn có truyền thống hiếu học. Thời phong kiến, làng có 350 người thi đỗ từ tú tài trở lên; riêng thời Nguyễn có 88 người thi đỗ cử nhân trở lên, trong đó có 7 người đỗ đại khoa, đứng đầu cả nước về số người đỗ đạt. Làng Hành Thiện là quê hương, nơi sản sinh và nuôi dưỡng Tổng Bí thư Trường Chinh, cùng 11 vị tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam, 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang và 2 vị Bộ trưởng; 3 nhà khoa học được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cùng nhiều nhà trí thức... Nhà thơ Sóng Hồng (tức Tổng Bí thư Trường Chinh) từng viết về truyền thống hiếu học của làng: “… Trăng xuống làm gương em chải tóc/ Làm đèn anh học suốt đêm dài…”. Làng không có nhiều ruộng, thu nhập từ nghề nông không nhiều, song cả làng luôn trân trọng việc học. Truyền thống hiếu học và niềm tự hào về làng được thấm sâu trong ký ức của người dân nơi đây, trở thành động lực để con, cháu phấn đấu. Các thế hệ con, cháu ở làng luôn xác định việc học là để trở thành người có hiểu biết, có tri thức, sống hợp với luân thường đạo lý, với xã hội, với thời thế và học suốt đời.
Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của làng, trong những năm qua, thế hệ trẻ trong làng đã có nhiều dự án truyền thông góp phần lưu giữ dữ liệu gốc, chia sẻ tư liệu để người dân và du khách thêm hiểu về làng. Trong đó, một nhóm những người con Hành Thiện xa quê đã phối hợp với các đơn vị thực hiện chương trình Số hóa di sản làng Hành Thiện, xây dựng trang web langhangthien.vn / langhanhthien.chonthieng.vn, số hóa hình ảnh, clip về các di tích, lịch sử, kiến trúc, văn hóa của làng… Người dân địa phương hoặc du khách chỉ cần quét mã QR-code được cung cấp ở các nơi công cộng quanh làng là có thể tham quan làng Hành Thiện trực tuyến. Dự án nhằm tạo ra các dạng sống khác cho tư liệu gốc, bảo quản và nối dài đời sống tư liệu, thuận tiện để mọi người tìm hiểu về làng thông qua thiết bị điện thoại thông minh. Các thông tin về lịch sử, văn hóa, các hoạt động thường ngày được cập nhật trên Fanpage, website… giúp mọi người dù ở xa vẫn cảm thấy được gắn bó và sống cùng quê hương.
Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của làng Hàng Thiện vẫn đang được các thế hệ tiếp nối phát huy bằng nhiều hình thức, lưu giữ những truyền thống lâu đời của miền quê từng được Vua Tự Đức sắc phong “Mỹ tục khả phong", được Vua Minh Mạng đặt tên là Hành Thiện.
Bài và ảnh: Diệu Linh