Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 79, ngày 24/9/2024. (Nguồn: TTXVN)
Qua gần tám thập kỷ hình thành và phát triển, LHQ từng bước khẳng định vai trò trung tâm và không thể thiếu trong hệ thống quốc tế và chủ nghĩa đa phương. Trước những thách thức và cơ hội đan xen ngày nay, hơn bao giờ hết LHQ cần tiếp tục tái định vị vai trò và nhiệm vụ của mình nhằm củng cố hợp tác và kiến tạo một tương lai bền vững.
80 năm xây dựng và củng cố nền móng của chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế hiện đại
Ra đời năm 1945 sau những đau thương, tổn thất của Thế chiến II, LHQ là biểu hiện của khát vọng hòa bình toàn nhân loại và trở thành cầu nối giữa những nền văn hóa, giá trị và lợi ích khác nhau. Ngay trong Điều 1 của Hiến chương LHQ, các quốc gia ghi nhận vai trò trung tâm của LHQ trong điều hòa các nỗ lực nhằm thực hiện các mục tiêu chung là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng độc lập, bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia và các quyền tự do cơ bản của con người.
Trên cơ sở đó, hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp được hình thành, định ra những chuẩn mực và thước đo quan trọng, tạo nên nền tảng và thúc đẩy nhận thức chung về hòa bình và hợp tác trong quan hệ quốc tế.
Kể từ đó đến nay, dù bối cảnh quốc tế đã trải qua nhiều giai đoạn biến động, từ cục diện căng thẳng nửa cuối thế kỷ XX, đến quá trình toàn cầu hóa đem đến diện mạo mới cho thế giới từ đầu thế kỷ XXI, LHQ đã đạt được nhiều thành công trong thúc đẩy đột phá và phát triển, mở rộng hệ thống quản trị toàn cầu. Trong lĩnh vực hòa bình – an ninh, LHQ có vai trò đặc biệt trong ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới mới.
Dấu ấn của LHQ không chỉ là ngăn chặn, giải quyết nhiều cuộc xung đột và quản lý khủng hoảng, nhất là trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mà còn trong triển khai gần 70 Phái bộ gìn giữ hòa bình (GGHB) ở nhiều khu vực, đóng góp hiệu quả vào lập lại hòa bình, chấm dứt xung đột và tái thiết hậu xung đột ở nhiều quốc gia như Cyprus, Liberia, Bờ Biển Ngà, Sierra Leone, Lebanon…
Trong lĩnh vực phát triển, từ những năm 1960, các cơ chế LHQ đã nghiên cứu, phát hiện các xu thế phát triển của kinh tế thế giới và tác động đối với đời sống xã hội, trên cơ sở đó, thúc đẩy xây dựng và huy động nguồn lực để triển khai các chương trình nghị sự toàn cầu, trong đó có Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Với hệ thống các chương trình, tổ chức chuyên môn ở nhiều quốc gia (như UNICEF, FAO, UNDP, WHO…), LHQ đi đầu trong thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ phát triển, không chỉ về tăng trưởng kinh tế, mà còn trong xây dựng và triển khai các chính sách về xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, y tế, môi trường, dân số…
Trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, LHQ đóng vai trò quan trọng trong phát triển các giá trị, nhận thức chung về quyền con người, thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa các quốc gia trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Từ năm 1948, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người, tạo nền tảng cho việc xây dựng các khuôn khổ pháp lý về quyền con người từ nhiều thập kỷ qua, trong đó các Công ước về Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Quyền dân sự và chính trị, Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, Chống tra tấn… là các văn kiện có vị trí trung tâm.
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu tại Lễ công bố Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028.
LHQ trong một thế giới đầy biến động
Ngày nay, diện mạo thế giới vừa tương đồng, vừa có sự khác biệt căn bản so với tám thập kỷ trước. Gia tăng căng thẳng địa chính trị, xu hướng trở lại của chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan và vấn đề sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, cùng các thách thức toàn cầu đang ngày càng gay gắt như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, dịch bệnh… đang đặt ra những thách thức vượt tầm kiểm soát của mỗi quốc gia.
Cùng với đó là sự xuất hiện và hình thành các xu thế và tiến trình mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cách mạng công nghiệp 4.0… mở ra nhiều cơ hội, song cũng tiềm ẩn thách thức và đặt ra nhu cầu củng cố quản trị toàn cầu trong các lĩnh vực này.
Hệ thống quản trị toàn cầu theo đó cũng có những bước chuyển quan trọng. Quá trình phát triển của các nền kinh tế mới, nhu cầu đẩy mạnh liên kết giữa các quốc gia dẫn đến sự ra đời của hàng loạt cơ chế khu vực, tiểu khu vực, các tập hợp lực lượng mới như G77, G20, APEC, BRICS, SCO… đại diện cho những nhóm lợi ích, nhu cầu khác biệt trong quản trị và điều chỉnh quan hệ quốc tế. Bởi vậy, LHQ cũng phần nào phải “san sẻ” vai trò của mình trong định hình hợp tác đa phương cho các cơ chế, khuôn khổ đa phương, tiểu đa phương và khu vực, nhất là trên những lĩnh vực như đầu tư, tài chính hay các lĩnh vực mới, còn tồn tại khoảng trống về quản trị.
Song, với nền tảng và hệ giá trị đã được vun đúc và không ngừng củng cố trong 80 năm qua, LHQ vẫn là tổ chức quốc tế lớn nhất, có lịch sử lâu đời nhất, thành công nhất và có ảnh hưởng nhất cho đến nay mà chưa có một cơ chế hay tổ chức nào khác có thể thay thế. Mặt khác, LHQ đứng trước yêu cầu phải phát huy vai trò, giá trị của mình.
Thứ nhất, đó là cần tiếp tục nuôi dưỡng và củng cố những giá trị chung, các tôn chỉ, mục đích của Hiến chương LHQ – qua đó tiếp tục định hình chủ nghĩa đa phương như một nguyên tắc nền tảng trong đời sống quốc tế.
Thứ hai, LHQ cần cải tổ cả về tư duy quản trị lẫn thể chế để nâng cao hiệu quả tăng cường tính dân chủ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các nước, nhất là các nước đang phát triển.
Thứ ba, LHQ cần phát huy vai trò đặc biệt như một “giao lộ” kết nối các ý tưởng, nỗ lực hành động trong mạng lưới quản trị toàn cầu, nhất là trong những lĩnh vực có tính định hình đối với sự phát triển toàn cầu như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Việt Nam - người bạn đồng hành trên chặng đường phát triển của LHQ
Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức tham gia LHQ, trở thành thành viên thứ 149 của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới. Tầm quan trọng của LHQ và chủ nghĩa đa phương trong chính sách đối ngoại của ta đã được khẳng định từ rất sớm. Ngay từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đề nghị kết nạp Việt Nam làm thành viên LHQ, thể hiện tầm nhìn chiến lược và nguyện vọng của Việt Nam định vị mình trong dòng chảy chung của nhân loại.
Xuyên suốt chặng đường xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước, hợp tác Việt Nam - LHQ đã có bước chuyển mình quan trọng. Từ giai đoạn nước ta bước ra khỏi chiến tranh với những hậu quả nặng nề, nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, đến thời kỳ bị bao vây, cấm vận, sự tham gia của ta tại LHQ và sự hỗ trợ của các tổ chức LHQ tại Việt Nam đã tạo ra những đòn bẩy và cung cấp nguồn lực ban đầu quan trọng để từng bước phục hồi sản xuất, tiến hành công cuộc Đổi mới và mở ra cánh cửa để Việt Nam mở rộng và hội nhập quốc tế.
Đến nay, Việt Nam đã hiện diện và ghi dấu ấn trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của LHQ. Không chỉ đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng tại LHQ, Việt Nam có nhiều đóng góp cụ thể trong hình thành và xây dựng các cơ chế hợp tác, luật lệ, chuẩn mực chung, đưa ra sáng kiến mới, như trong thúc đẩy bình đẳng giới, quyền trẻ em, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm quyền con người trước các tác động của biến đổi khí hậu, an ninh biển… cũng như triển khai thí điểm các sáng kiến cải tổ hệ thống phát triển LHQ.
Ta lần đầu tiên có đóng góp về nguồn lực và nhân lực cho LHQ. Sau hơn 10 năm tham gia hoạt động GGHB của LHQ, ta đã cử gần 1.000 lượt sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an làm nhiệm vụ GGHB ở nhiều khu vực trên thế giới, đồng thời triển khai hỗ trợ nhân đạo cho người dân ở những quốc gia trong bối cảnh khủng hoảng thông qua các cơ chế LHQ. Có thể nói, Việt Nam đã “tái định vị” mình trong LHQ và hệ thống đa phương. Từ một nước nhận viện trợ, ta đã trở thành một đối tác phát triển và thành viên có đóng góp thực chất, tích cực vào công việc chung của LHQ.
Hiện nay, Việt Nam nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung đều đứng trước những cơ hội chuyển mình, song vẫn phải xử lý nhiều thách thức. LHQ không chỉ là cầu nối giúp ta huy động những ý tưởng, nguồn lực cần thiết phục vụ phát triển trong bối cảnh đất nước đang bứt tốc, bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình; mà bản thân ta cũng đã có cơ sở vững vàng hơn về vị thế, năng lực và tiềm lực để đóng góp thiết thực và tiên phong hơn nữa, đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng quốc tế.
Do vậy, công tác ngoại giao đa phương cần được triển khai quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành và trên các lĩnh vực mà ta có thế mạnh, phù hợp với chủ trương của Đại hội XIII và Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về nâng tầm ngoại giao đa phương đến năm 2030. Ta cần chủ động phát huy sáng kiến, vai trò nòng cốt, dẫn dắt ở LHQ, mở rộng tham gia và tăng cường cử chuyên gia Việt Nam làm việc tại LHQ và các tổ chức quốc tế chuyên ngành.
Đồng thời, tiếp tục đưa ra những sáng kiến mới trong những lĩnh vực có tác động toàn cầu như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, khoa học - công nghệ, trí tuệ nhân tạo... Cùng với đó, ta cần tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cam kết quốc tế, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất về tư duy và đồng lòng trong toàn bộ hệ thống chính trị, tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại đa phương. Với những định hướng trên, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng LHQ trong chặng đường tương lai, cũng như trong quan hệ Việt Nam - LHQ.
Đỗ Hùng Việt