Hành trình gian truân bảo vệ ngân hàng hạt giống đầu tiên trên thế giới - Kỳ 1

Hành trình gian truân bảo vệ ngân hàng hạt giống đầu tiên trên thế giới - Kỳ 1
4 giờ trướcBài gốc
Kỳ 1: BỘ SƯU TẬP MANG Ý NGHĨA SỐNG CÒN
Bắp cải trồng tại trung tâm Leningrad năm 1942. Ảnh: Viện Công nghiệp Thực vật Nga
Không kể hiểm nguy cứu hạt giống
Trên bầu trời sâu thẳm, tiếng vo ve của cánh máy bay dần lớn. Từ khi Abram Kameraz đi tàu từ Leningrad (nay là St. Petersburg) đến thị trấn ngoại ô Pavlovsk vào đầu Hè năm 1941, bầu không khí vốn đã nặng nề càng thêm căng thẳng bởi những cuộc không kích dữ dội của máy bay Đức quốc xã, khiến hành trình liên tục bị gián đoạn.
Qua cửa sổ toa tàu, Kameraz nhìn thấy con đường rải rác các thi thể. Chiến đấu cơ Đức đã giết chết đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Những "con chim sắt" máu lạnh nã pháo và ném bom vào đám đông người tị nạn khi họ chạy về phía thành phố. Thời điểm Kameraz nhìn thấy bóng một chiếc Stuka của Đức bay ngang qua đường chân trời, người lái tàu đã dừng tàu và ra lệnh cho hành khách chạy đến một con mương gần đó để trú ẩn.
Kameraz (36 tuổi) là một trong 50 nhà thực vật học làm việc tại Viện Thực vật, ngân hàng hạt giống đầu tiên trên thế giới, nằm ngoài Quảng trường St Isaac ở trung tâm Leningrad. Anh là chuyên gia về khoai tây. Viện Thực vật sở hữu bộ sưu tập khoai tây gồm 6.000 giống, trong đó có nhiều giống quý hiếm. Đây được coi là bộ sưu tập khoai tây lớn nhất, đa dạng nhất từng được thu thập, tính đến thời điểm đó và có giá trị khoa học vô cùng to lớn. Hàng trăm mẫu khoai tây còn non nớt của Nam Mỹ đã được trồng trên các cánh đồng ở ngoại ô thành phố, trên đường tiến quân của phát xít Đức.
Trong suốt tháng 8/1941, Kameraz và đồng nghiệp Olga Voskresenskaya đã di chuyển thường xuyên giữa Leningrad và Pavlovsk. Nhưng sau khi máy bay địch bắn vào những chiếc xe tải chở khoai tây gần Cao nguyên Pulkovo, người lái xe đã từ chối nhận chở họ. Vì vậy, Kameraz quyết định tự mình thực hiện nỗ lực giải cứu liều lĩnh cuối cùng. Mỗi củ khoai tây mà Kameraz có thể cứu về Viện Thực vật ở trung tâm thành phố đều làm tăng cơ hội bảo vệ công trình quan trọng nhất sự nghiệp của anh và các đồng nghiệp.
Khi Kameraz đến Red Ploughman, một trong số hàng chục trạm thực địa do Viện Thực vật điều hành, trời đã tối. Nơi này bị bỏ hoang. Các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm và công nhân đều đã rời đi, để lại những củ khoai tây không được chăm sóc. Sau đó, anh lấy từng cây ra khỏi chậu và nhẹ nhàng rung nhẹ để đất rơi ra, rồi kiểm tra xem mẫu nào đã đủ trưởng thành để vận chuyển.
Kameraz bọc khoai tây trong giấy gói và đặt vào bao tải, sẵn sàng cho chuyến hành trình trở về Leningrad. Bỗng anh nghe thấy tiếng pháo rung chuyển gần đó. Trận chiến giờ chỉ cách trung tâm thị trấn Pavlovsk 10 phút đi bộ. Kameraz ẩn náu bên trong một nhà kho. Khi tiếng nổ ngày càng gần, anh tự hỏi liệu đây có phải là khoảnh khắc cuối đời của mình không. Sau một khoảng thời gian, anh quyết định mở cửa nhà kho, rồi thận trọng tiếp tục công việc. Kameraz cẩn trọng di chuyển từ nhà kho này sang nhà kho khác, kiểm tra và đóng gói. Sau đó, một tia sáng bỗng lóe lên, tiếp theo là sự tĩnh lặng đầy sợ hãi.
Khi Kameraz tỉnh lại, quân Đức đã tiến đến vùng ngoại ô Leningrad. Anh kiểm tra bản thân xem có bị thương không, sau đó nhìn vào bao tải bị đổ để đảm bảo các mẫu khoai tây không hư hại trong vụ nổ.
Khi Kameraz cuối cùng cũng về đến được Viện Thực vật. Anh được các đồng nghiệp chào đón như một người hùng. Kameraz đã thành công trong việc lưu giữ ít nhất một mẫu vật của mỗi loại khoai tây có trong bộ sưu tập của viện.
Ngân hàng hạt giống đầu tiên của thế giới
Ông Nikolai Vavilov, nhà sáng lập Viện Thực vật. Ảnh: Viện Công nghiệp Thực vật Nga
Viện Thực vật được thành lập tại một cung điện cũ trên phố Herzen, Leningrad gần 20 năm trước đó bởi nhà khoa học và nhà thám hiểm nổi tiếng Nikolai Vavilov. Vào những năm 1920, Vavilov và đội ngũ nhân viên trẻ của ông bắt đầu đi khắp thế giới. Họ thu thập các loại hạt giống, củ, rễ quý hiếm và mang chúng đến ngân hàng hạt giống tại Nga để phân loại, lập danh mục và lưu trữ.
Nhiệm vụ này rất cấp bách. Xung đột, thiên tai và môi trường sống ở khắp mọi nơi bị hủy hoại, đe dọa đến sự tồn vong của một số loại thực vật. Do đó, nếu các mẫu tại Viện Thực vật bị phá hủy, các đặc điểm độc đáo của những loài thực vật này sẽ mất đi không thể cứu vãn. Việc mất đi các giống thực vật chưa được nghiên cứu kỹ càng có thể đồng nghĩa với việc tuột khỏi tay những loại thuốc làm thay đổi thế giới hoặc siêu cây trồng có thể chống lại nạn đói.
Ý tưởng về một ngân hàng hạt giống khá mới lạ ở thời điểm đó, và một số người coi dự án của ông Vavilov là lãng phí thời gian, tiền bạc, kỳ quặc. Nhưng đến năm 1933, các nhà thực vật học đã thu thập được 148.000 hạt giống và củ.
Ngân hàng hạt giống trở nên nổi tiếng thế giới. Một nhà báo của tờ Times (Anh) năm 1933 đã viết rằng Viện Thực vật ở Leningrad là "bảo tàng sống và không có bộ sưu tập nào khác trên thế giới có thể sánh bằng về độ hoàn thiện".
Các nhà khoa học gọi dự án này là "bộ sưu tập thực vật thế giới". Công trình tiên phong của ông Vavilov sau đó được công nhận trên toàn cầu. Bản thân ông được bầu làm thành viên của Hội Hoàng gia London.
Tuy nhiên, đã xảy ra diễn biến bước ngoặt. Vào ngày 9/7/1941, Vavilov bị kết tội làm gián điệp cho chính phủ Anh và nhận bản án tử hình. Sau khi ông Vavilov bị bắt, phần lớn công việc điều hành ngân hàng hạt giống do nhà thực vật học 39 tuổi Nikolai Ivanov, người giám sát nỗ lực giải cứu khoai tây của Kameraz, đảm nhiệm.
Vào sáng ngày Đức xâm lược Liên Xô, Ivanov rời khỏi nhà, để đến ngân hàng hạt giống mà anh đã cống hiến cả sự nghiệp. Anh sải bước qua những cánh cửa gỗ cao ở lối vào số 44 phố Herzen, một mê cung đầy những hành lang tối tăm. Bên trong viện, thời gian dường như trôi theo một hướng khác. Đây là nơi tĩnh lặng tuyệt đối. Các phòng trong viện lại vô cùng nhỏ hẹp. Các giá đỡ trên tường, chất đầy hộp kim loại có kích thước giống hệt nhau, tổng cộng khoảng 120.000 hộp. Mỗi hộp được dán nhãn bằng một chuỗi số để nhận dạng mẫu vật được lưu giữ bên trong.
Chúng chứa đựng những “kho báu thực vật” đã được vận chuyển hàng trăm, đôi khi là hàng nghìn dặm đến Leningrad. Có lúa mạch trần được thu thập từ cao nguyên giáp ranh Ấn Độ và Afghanistan; cây lanh lâu năm hoang dã được hái từ Iran; hạt cam và chanh thu thập trên đường đến Kabul; củ cải, cây ngưu bàng, hoa loa kèn và hoa cúc ăn được từ Tokyo (Nhật Bản) cùng khoai lang từ Đài Loan (Trung Quốc).
Ivanov ban đầu không mấy lo lắng, anh không tin rằng Đức Quốc xã có thể tiến xa đến tận vùng ngoại ô Leningrad, chứ đừng nói đến việc đi vào tận trung tâm thành phố. Và thậm chí quân địch có xông vào những căn phòng này, thì theo Ivanov, chúng cũng không thể hiểu được giá trị của các mẫu vật.
Bên kia Quảng trường St Isaac, bạn của Ivanov là Giáo sư Iosif Orbeli, người phụ trách Bảo tàng Hermitage, đã bắt tay vào hành động. Việc sơ tán bảo tàng bắt đầu ngay lập tức. Ông chỉ thị nhân viên gỡ những bức tranh quý giá nhất khỏi tường. Các nhà nghiên cứu, nhân viên an ninh và nhân viên kỹ thuật đều tham gia công việc gấp gáp này. Hai tuần sau khi cuộc xâm lược nổ ra, chuyến tàu 22 toa hàng chở “kho báu” đầu tiên của Bảo tàng Hermitage rời thành phố. Những vật phẩm có giá trị nhất nằm trong toa tàu bọc thép, được bảo vệ ở cả hai đầu bằng súng phòng không.
Về phần mình, Ivanov kinh ngạc theo dõi quá trình sơ tán của Bảo tàng Hermitage. Không có người chỉ huy, các nhà khoa học học tại Viện Thực vật hoang mang không biết xử lý thế nào với bộ sưu tập của họ.
Đón đọc Kỳ 2: Leningrad trong vòng vây của phát xít Đức
Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Guardian)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/ho-so/hanh-trinh-gian-truan-bao-ve-ngan-hang-hat-giong-dau-tien-tren-the-gioi-ky-1-20250115182048584.htm