Trẻ em làm mát bên đài phun nước trong ngày nắng nóng ở Rome, Italy, ngày 14/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Tỷ lệ sinh tại Italy đã giảm trong nhiều năm, nhưng vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở các cộng đồng nhỏ, thường bị cô lập, nơi dân số đang già đi và không còn các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản. Nhiều cộng đồng trong số đó nằm ở Apennines, dãy núi chạy dọc theo Italy từ Bắc xuống Nam và ở dãy Alps ở phía Bắc.
Khi dân số của một ngôi làng bắt đầu giảm, các dịch vụ thiết yếu như trường học, phòng khám và bưu điện sẽ đóng cửa. Điều đó lại thuyết phục nhiều người rời đi, hoặc chuyển đến các thành phố hoặc các nước khác.
Ông Alessandro Rosina, một chuyên gia về nhân khẩu học tại Đại học Công giáo Milan nhận xét rằng "đó là một vòng luẩn quẩn. Dân số giảm, các dịch vụ bị cắt giảm và những người trẻ tuổi chuyển đi nơi khác”.
Sự suy giảm nhân khẩu học của Italy đã rõ ràng trong ít nhất một thập kỷ, khi từ năm 2014, nước này đã bước vào giai đoạn suy giảm dân số không thể tránh khỏi và không thể đảo ngược. Sự sụt giảm tỷ lệ sinh rõ ràng nhất ở vùng nông thôn. Tình hình ở một số khu vực nghiêm trọng đến mức một số ngôi làng chỉ còn lại vài chục người. Nếu một đứa trẻ được sinh ra, bất chấp mọi khó khăn, đó là điều đáng ăn mừng và đôi khi được đưa tin trên báo quốc gia.
Ví dụ, vào tháng 12/2023, Morterone, ngôi làng nhỏ nhất Italy, đã hân hoan chào đón sự ra đời của một bé gái tên là Marta. Em bé đã nâng dân số của ngôi làng, nằm khuất trong vùng núi Lombardy, miền Bắc nước này, lên 33 người.
Không chỉ các cặp đôi người Italy sinh ít con hơn, nhiều người còn muốn rời khỏi đất nước này. Theo ISTAT, hơn 30% thanh thiếu niên Italy mơ ước được di cư ngay khi đủ tuổi, trong đó điểm đến được ưa chuộng nhất là Mỹ (32%), tiếp theo là Tây Ban Nha (12%) và Vương quốc Anh (11%).
Italy là một trong những quốc gia có dân số già nhất và suy giảm mạnh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2050, dân số Italy sẽ giảm xuống còn 53 triệu người, so với mức 58 triệu người hiện nay. Hơn 30% trong số họ sẽ ở độ tuổi trên 65, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động và khó khăn lớn trong việc tài trợ cho hệ thống phúc lợi. Nhiều người dân Italy sống ở nhà bố mẹ cho đến tận ngoài 20-30 tuổi. Họ chia sẻ không đủ khả năng nuôi con tại Italy, quốc gia phát triển duy nhất có mức lương thực tế giảm trong 30 năm qua.
Dương Hoa (TTXVN)