Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng là những mảnh đất từng tươi đẹp, nơi đồng bào các dân tộc Tày, Mông, Dao sống hòa quyện với thiên nhiên, đã bị tàn phá nặng nề bởi trận lũ dữ. Nỗi đau thương mất mát bao trùm nhưng chính từ sự đau thương ấy, tình yêu thương và lòng sẻ chia của đồng bào cả nước đã thắp lên hy vọng. Nhờ sự hỗ trợ, đồng bào nơi đây đã được xây dựng những căn nhà mới, vững chãi hơn, giúp họ bắt đầu lại cuộc sống. Với sự chung tay của cả nước, một khởi đầu mới đầy hứa hẹn đang dần hình thành trên quê hương đã từng đau thương. Hành trình hồi sinh những mảnh đất này là minh chứng cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết và lòng kiên cường của con người.
Khi nhắc đến Làng Nủ (Bảo Yên), Nậm Tông và Kho Vàng (Bắc Hà), người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc sẽ nhớ mãi ký ức đau thương, ngập tràn nước mắt. Đó là những ngày đầu tháng 9, khi thiên nhiên nổi giận cuốn đi tất cả. Những ngôi làng yên bình từng rộn rã tiếng cười giờ chỉ còn là bãi bùn lầy lạnh lẽo, chứng tích của sự tàn phá và mất mát không gì bù đắp được. Nhưng giữa đau thương, mất mát ấy, tình người và sự chung tay của cả dân tộc đã viết nên câu chuyện về hy vọng và tái sinh.
Xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông bị san phẳng sau trận sạt lở đất kinh hoàng chiêù10/9.
Hoàn lưu bão số 3 kéo theo những trận mưa như trút nước, dồn dập đổ xuống các triền núi và thung lũng của Lào Cai. Đất đá từ trên cao sụp đổ, ào ào ập xuống trong phút chốc, cuốn theo tất cả những gì trên đường nó đi qua. Chứng kiến xóm Bản Cái với những ngôi làng bình yên của nhóm hộ dân sống đùm bọc yêu thương bị san phẳng bởi bùn đất, ông Lù Seo Nương, Bí thư Chi bộ thôn Nậm Tông run rẩy không thể đứng vững.
Ông Nương nhớ lại: “Đó là vào khoảng 2 giờ chiều ngày 10/9, trước mắt tôi, từng ngôi nhà ở xóm Bản Cái vỡ vụn trước lượng bùn đất khổng lồ từ trên cao ập xuống. Đường bị chia cắt, sóng điện thoại không có, mọi thứ ngổn ngang. Chưa có lực lượng ứng cứu, chúng tôi phải tự mình lo lúc ban đầu”.
Nước mắt ở Nậm Tông.
Trong thời khắc ấy, Bí thư Chi bộ Nậm Tông cố gắng kìm nén cảm xúc, nhanh chóng cùng những người còn sống tìm kiếm các nạn nhân. Đường vào Nậm Tông bị cô lập hoàn toàn, phải đến chiều tối, các lực lượng chức năng, đội ngũ y tế mới có thể tiếp cận được hiện trường
“Có đau xót nào hơn khi chứng kiến bà con, những người sống thoi thóp cầu cứu, rồi trút hơi thở cuối cùng trong đau đớn về thể xác trước mắt mình”, ông Nương xúc động chia sẻ.
Trong thời gian hoàn lưu bão Yagi hoành hành, đau thương nhất phải kể đến Làng Nủ, nơi hơn 30 hộ dân sống vui tươi chốn làng quê thanh bình. Bỗng chốc, vào buổi sáng sớm 10/9, khi nhiều người còn chưa thức giấc, những khối đất đá khổng lồ lao xuống với tốc độ kinh hoàng, chôn vùi mọi thứ chỉ trong tích tắc, biến nơi đây trở thành bình địa. Nhà cửa, cây cối, gia súc và cả những kỷ vật quý giá bị dòng nước cuốn đi, chỉ để lại bãi đất đá lởm chởm và nỗi đau mất mát khôn nguôi. Những mất mát không chỉ dừng lại ở tài sản, mà còn là những sinh mạng quý giá.
Anh Hoàng Văn Voi chia sẻ những đau thương, mất mát với Thủ tướng Chính phủ.
Anh Hoàng Văn Voi, sinh năm 1989 do có việc ở làng bên, rời nhà đi từ hôm trước nên may mắn thoát nạn. Nghe tin dữ về ngôi làng, biết có điều chẳng lành với gia đình, anh tức tốc trở về. Trước mắt anh là khung cảnh đáng sợ, nhìn về phía xa xa, căn nhà yên ấm, thân thương giờ đây không còn dấu tích, anh ngã khụy, khóc nấc gào thét. Không còn gì để mất, anh ra sức cào bới đất đá trong vô vọng để tìm kiếm người thân.
“Tôi không thể tin rằng mình đã mất vợ và con. Tôi cố gắng lục tung mọi thứ, luôn luôn hy vọng để rồi thất vọng khi thi thể người thân được tìm thấy”, anh Voi nghẹn ngào chia sẻ.
Làng Nủ và Nậm Tông chìm trong tang tóc, đất trời như nặng nề hơn khi những tiếng khóc ai oán vang vọng giữa không gian tĩnh lặng đầy ám ảnh. Khi thông tin về thảm họa lịch sử của Lào Cai lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cả nước không khỏi bàng hoàng, xót thương.
Giữa nỗi đau mất mát không thể đong đếm, tình cảm từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trên khắp đất nước đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc giúp người dân vùng lũ đứng dậy. Từ Trung ương đến địa phương, các lực lượng cứu hộ ngay lập tức được huy động. Những người lính, cán bộ, chiến sĩ và cả những người dân tình nguyện đã không quản hiểm nguy lao vào vùng lũ, tìm kiếm từng tia hy vọng nhỏ nhoi.
Thủ tướng Chính phủ thăm hỏi, động viên người dân Làng Nủ.
Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra những quyết sách khẩn cấp để hỗ trợ người dân vùng lũ. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến trực tiếp tại hiện trường thôn Làng Nủ, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, tìm kiếm, cứu nạn.
Chứng kiến cảnh hoang tàn, người đứng đầu Chính phủ cũng không cầm nổi nước mắt. Trong cuộc họp nhanh với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Thủ tướng quyết định cấp ngay 150 tỷ đồng hỗ trợ Lào Cai: “Việc khắc phục hậu quả sau lũ, thiếu gì, cần gì tỉnh kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ giải quyết”, Thủ tướng nói.
Các bộ, ban, ngành cùng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cứu trợ, cung cấp nhu yếu phẩm và chăm sóc y tế tốt nhất cho những người sống sót.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính động viên lực lượng tìm kiếm cứu nạn và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả tại thôn Làng Nủ.
Trong khi những con đường ngập bùn đất khiến các thôn bản bị cô lập, những bước chân của bộ đội, công an và lực lượng tình nguyện đã không quản ngày đêm vượt qua mọi gian nan để tiếp cận từng nhà dân. Trong khó khăn chồng chất, tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam bừng sáng hơn bao giờ hết. Đó là nghĩa cử cao đẹp khi người dân san sẻ chỗ ở cho nhau, những nhu yếu phẩm được gửi đến từ mọi miền đất nước, những suất cơm nóng được trao tận tay đồng bào vùng lũ, hay ánh mắt biết ơn của bà con vùng lũ dành cho lực lượng cứu hộ; các nghệ sĩ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội cùng chung tay kêu gọi ủng hộ, tổ chức các chương trình gây quỹ để giúp đỡ đồng bào vùng lũ.
Mưa lũ có thể cuốn trôi nhà cửa nhưng không thể cuốn đi tinh thần kiên cường, sự đoàn kết của đồng bào. Các cấp, các ngành và người dân đã cùng nhau viết nên câu chuyện về ý chí và hy vọng, biến đau thương thành động lực để xây dựng lại cuộc sống mới an toàn và tốt đẹp hơn.
Các lực lượng chức năng tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
Mong ước lớn nhất của người dân vùng lũ là có được một mái nhà vững chãi, một nơi an toàn để họ có thể bắt đầu lại cuộc sống. Và điều ước ấy đã sớm trở thành hiện thực khi song song với quá trình triển khai tìm kiếm, cứu nạn, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền huyện Bảo Yên, Bắc Hà thực hiện ngay việc tìm vị trí làm nhà mới.
Đồng hành với người dân, Quỹ Tấm lòng Việt (Đài Truyền hình Việt Nam) hỗ trợ tái thiết khu dân cư Làng Nủ và Nậm Tông. Với truyền thống tương thân tương ái, nghĩa tình và trách nhiệm xã hội, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã đảm nhận tái thiết toàn bộ khu dân cư thôn Kho Vàng, đảm bảo cuộc sống ổn định, an toàn lâu dài cho người dân. Không những vậy, các đơn vị còn cam kết hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, điểm trường học cho các em học sinh.
Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra mốc thời gian cụ thể: Trước ngày 31/12/2024, toàn bộ nhà ở cho người dân chịu ảnh hưởng của thiên tai phải được bàn giao.
Cùng với các lực lượng tìm kiếm đang chạy đua với thời gian tìm nạn nhân mất tích, Lào Cai cũng bước vào một cuộc chạy đua khác để thực hiện mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ phải hoàn thành việc xây dựng lại các thôn bị thiệt hại nặng nề trong đợt thiên tai này vào cuối năm.
Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương quy hoạch địa điểm an toàn với sự tham gia ý kiến của các cơ quan chuyên môn, để xây dựng lại, khôi phục thôn Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng và nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh, bảo đảm các hộ dân có nơi ở an toàn với hạ tầng phù hợp.
Thi công xây dựng khu tái thiết nhà ở thôn Làng Nủ.
"Nơi ở mới phải an toàn hơn, tốt hơn nơi ở cũ" - mệnh lệnh ngắn gọn của người đứng đầu Chính phủ trở thành lời hiệu triệu biết bao trái tim hướng về bà con vùng lũ.
Quỹ Tấm lòng Việt của Đài Truyền hình Việt Nam đã tài trợ toàn bộ kinh phí xây dựng khu tái định cư thôn Làng Nủ, huyện Bảo Yên và thôn Nậm Tông, huyện Bắc Hà, thuộc tỉnh Lào Cai. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ kinh phí xây dựng khu tái định cư thôn Kho Vàng. Nhiều nhà tài trợ, nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, tập đoàn cũng chung tay với tỉnh Lào Cai chăm lo nhà ở cho bà con vùng lũ. Không chỉ dừng lại ở xây dựng nhà cửa, các đơn vị còn tiếp tục đồng hành với bà con trong tương lai, hỗ trợ con về đào tạo nghề và tạo việc làm sau này.
Ngay khi được giao nhiệm vụ thi công dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ, Binh đoàn 12 - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Bộ Quốc phòng đã điều động những cán bộ chỉ huy nhiều kinh nghiệm lên chỉ huy công trường; phương tiện, máy móc công suất lớn cũng nhanh chóng tập kết về Làng Nủ, Nậm Tông.
Ở khu tái định cư Kho Vàng, nơi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ xây dựng, 5 doanh nghiệp xây dựng của Lào Cai đã đứng ra gánh vác nhiệm vụ xây nhà cho dân.
Các lực lượng khẩn trương thi công, xây lắp các khu tái thiết nhà ở.
Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng sẽ còn ám ảnh nhiều người về mức độ tàn phá khốc liệt của thiên tai nhưng cũng là minh chứng sinh động về tình dân tộc, nghĩa đồng bào khi cả hệ thống chính trị, đồng bào cả nước chung tay giúp người dân nơi đây sớm ổn định cuộc sống.
Làm việc xuyên đêm bất kể thời tiết, các cán bộ, chiến sĩ, kỹ sư công nhân tại công trường tái định cư Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng đã chạy đua với thời gian để đảm bảo tiến độ xây dựng. Càng gần ngày bàn giao nhà cho các hộ dân, không khí lao động trên công trường càng hối hả, khẩn trương. Dù thời tiết những ngày này nhiệt độ chỉ còn hơn 10 độ C, trong cơn mưa lạnh, cái rét như xuyên qua từng lớp áo, các công nhân, kỹ sư ở đây vẫn chưa khi nào dừng công việc. Với tinh thần "người nghỉ, máy không nghỉ", trong đêm khuya, trên các công trường vẫn sáng đèn, rền vang tiếng máy.
Anh Đinh Xuân Huy, công nhân thi công tại dự án tái định cư Làng Nủ chia sẻ: Tôi được điều động lên công trường khi đang thi công một dự án làm đường giao thông rất quan trọng, vì vậy lúc đó cũng cảm nhận được dự án khu tái định cư này có ý nghĩa lớn như thế nào.
Anh Huy bảo, 3 tháng qua chưa về thăm nhà, có lần nghe tin con ốm định xin nghỉ về nhà nhưng vợ lại động viên cứ yên tâm ở lại giúp bà con.
Thời tiết xấu ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ thi công.
Thượng tá Vũ Đình Dũng, Chỉ huy trưởng công trường tái thiết khu dân cư Làng Nủ chia sẻ, đơn vị quyết tâm hoàn thành công trình trước ngày 15/12 nên đã huy động lực lượng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thi công. Với trách nhiệm của người lính, từ khi nhận nhiệm vụ ở đây hơn 3 tháng, chưa có chiến sĩ nào về thăm gia đình, họ tập trung toàn bộ vào công việc, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau mất mát.
Không quản ngại nắng mưa hay ngày đêm, các đơn vị khẩn trương xây dựng các khu tái thiết.
Thiếu tá Phạm Ngọc Hiếu, Chỉ huy trưởng công trường tái thiết khu dân cư Nậm Tông cho chúng tôi xem hình ảnh 22 giờ, công trường vẫn sáng ánh điện, những chiếc xe bồn chở bê tông tươi xếp hàng phục vụ đổ bê tông tuyến đường nội bộ.
Thiếu tá Hiếu cho biết, tiến độ ở đây không tính bằng ngày tháng mà tính từng giờ, có nhiều ngày, xe trộn bê tông không về kịp khi các hạng mục thi công đồng loạt.
Các dự án được khánh thành và đón người dân vào nhà mới vượt tiến độ 15 ngày so với kế hoạch cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn của tỉnh Lào Cai và các đơn vị chịu trách nhiệm thi công, trong đó phải kể đến Binh đoàn 12 - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) và nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã đóng góp công sức, trí tuệ, tài trợ cho các dự án. Lời cam kết với Thủ tướng về việc chăm lo, ổn định đời sống cho người dân vùng lũ đã được tỉnh Lào Cai và các đơn vị thi công hoàn thành trọn vẹn.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong kiểm tra tiến độ dự án tái thiết thôn Làng Nủ.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh hầu như tuần nào cũng có mặt trên công trường đôn đốc tiến độ và động viên cán bộ, công nhân, người lao động các doanh nghiệp thi công. Lãnh đạo các địa phương, trực tiếp là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bảo Yên và Bắc Hà cũng thường xuyên có mặt tại công trường trực tiếp tháo gỡ khó khăn ngay tại chân công trình.
Với những đặc thù của một công trình cấp bách, các dự án xây dựng khu tái thiết được thực hiện theo đồng thời vừa thiết kế vừa thi công, có hạng mục vừa thi công vừa điều chỉnh. Một công trình thông thường như vậy mất cả năm để làm quy trình thủ tục nhưng ở đây chỉ mất vài ngày. Điều đó cho thấy tinh thần trách nhiệm phối hợp vì việc chung của các ngành, địa phương, đơn vị liên quan.
Thi công 3 ca, 4 kíp tại khu tái định cư thôn Kho Vàng.
Dõi theo các dự án từ ngày khởi công đến ngày hoàn thành, chúng tôi thực sự cảm phục tinh thần, trách nhiệm của các đơn vị thi công. Mỗi dự án đều có những khó khăn khác nhau, như tại dự án tái thiết Nậm Tông, những ngày đầu thi công khó khăn là giao thông được giải quyết thì những ngày sau thời tiết thực sự là một trở ngại, khi nhiều ngày liền trời mưa mù, độ ẩm cao.
Trong khi đó, khu tái định cư Kho Vàng mặc dù diện tích nhỏ hơn nhưng địa hình phức tạp, phải chia thành nhiều mặt bằng, giao thông nội bộ chở vật liệu đến các căn nhà rất vất vả, trong dự án lại có nhiều hạng mục nhỏ đan xen tốn nhân lực, thời gian.
Khu tái định cư Làng Nủ, khối lượng lớn nhất, yêu cầu thi công cao cả về kỹ thuật, thẩm mỹ, chất lượng, phương pháp thi công, cũng có những kỹ thuật lần đầu được thử nghiệm tại công trường, nhiều hạng mục vừa thi công vừa điều chỉnh, dự án này cũng nhận được sự kỳ vọng rất lớn.
Những ngôi nhà "hạnh phúc" dần hiện hữu.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất và chung nhất với các dự án có lẽ là sức ép tiến độ rất lớn. Nếu như ngày khởi công, tiến độ được yêu cầu là trước 31/12, khi mới nhìn vào công việc ngổn ngang trước mắt thì không thể tưởng tượng được công việc lại chạy nhanh đến thế. Vậy mà sau hai tháng thi công, khi phần lớn các căn nhà ở các khu tái định cư được lên tường, lợp mái, lãnh đạo Bộ Quốc phòng tiếp tục rút ngắn thời gian, đưa ra mốc phấn đấu hoàn thành trước 22/12 để thiết thực chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngay những ngày đầu tháng 12, tiến độ lại được ấn định hoàn thành trước 15/12 để bà con sớm được vào nhà mới.
Quân lệnh như sơn, các cán bộ, chiến sĩ, công nhân, kỹ sư biết là khó khăn gấp bội vẫn vui vẻ nhận nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất và thành quả hôm nay thật ngọt ngào. Những mốc quan trọng từ ngày có chủ trương thực hiện dự án đến khi khởi công, sau đó tiến hành lắp dựng, hoàn thành căn nhà mẫu đầu tiên, đến việc dựng khung, lợp mái toàn bộ các căn nhà, xây dựng nhà văn hóa, điểm trường học, thi công hạ tầng, điện, nước… tất cả đều diễn ra với tốc độ chưa từng thấy trên một công trường xây dựng nào ở Lào Cai.
Nếu có một thước phim quay lại toàn cảnh xây dựng Làng Nủ từ ngày đầu đến khi hoàn thành có lẽ người xem sẽ không muốn chớp mắt, bởi chỉ 1 giây thôi sẽ bỏ lỡ một khoảnh khắc đẹp.
Giao thông kết nối các khu tái thiết được quan tâm đầu tư.
Để có khu tái định cư hôm nay còn có rất nhiều người thầm lặng đóng góp công sức, trí tuệ như GS.TS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Từ ngày xảy ra lũ quét, GS.TS Trần Thanh Hải đã đến từng nơi xảy ra thiên tai chia sẻ, động viên bà con và cùng lãnh đạo tỉnh lặn lội khắp triền núi, tỉ mỉ khảo sát địa chất, tìm mặt bằng. Hay như ông Ninh Quang Vinh, Chủ tịch Quỹ Kết nối yêu thương, lan tỏa nhân ái tài trợ kinh phí làm toàn bộ mặt bằng 2 khu tái định cư Làng Nủ, Nậm Tông và trao tặng bà con nơi đây hàng ngàn cây xanh bóng mát, cây ăn quả, tận tay trồng những khóm hoa trong khuôn viên để gieo những hy vọng mới ở mảnh đất này. Ngay trong ngày bàn giao nhà cho các hộ dân, vợ chồng ông Vinh vẫn cặm cụi gắn từng giỏ hoa lên khung sắt tạo hình lá cờ Tổ quốc lớn đặt ở phía trước nhà sinh hoạt cộng đồng, tạo thành điểm checkin cho những người đến thăm ngôi làng hạnh phúc này…
Nhà văn hóa, điểm trường thôn Làng Nủ được xây dựng khang trang.
40 ngôi nhà mới được xây dựng 2 tầng, thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Tày vững chãi trên khu vực Đồi Sim rộng 10ha. Ổn định cuộc sống đó là mong muốn của tất cả bà con Làng Nủ lúc này. An cư mới lạc nghiệp, ngôi làng mới sẽ là điểm tựa để họ sớm vực dậy sau thiên tai.
Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng… tên đất đã làm làm nhói lòng hàng triệu trái tim nhân đạo trên khắp mọi miền Tổ quốc - nơi mà những mất mát đau thương được sưởi ấm bằng tình người, trách nhiệm và lương tri. Chỉ sau khoảng 3 tháng, cách nơi từng xảy ra sạt lở đất không xa, những ngôi nhà mới đã mọc lên, sẵn sàng cho cuộc hồi sinh kỳ diệu.
Toàn cảnh khu tái định cư Làng Nủ.
Toàn cảnh khu tái định cư thôn Kho Vàng.
Khu tái thiết nhà ở thôn Nậm Tông.
Đứng trên mỏm đất cao, nhìn về phía những ngôi nhà mới của người dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên vừa hoàn thiện thấp thoáng sau đồi sim, những làn khói mỏng bay lên, tôi hình dung về trang cuộc đời mới của những người may mắn thoát nạn sau trận lũ quét kinh hoàng sáng sớm ngày 10/9 vừa qua.
Khoảng đất rộng được san phẳng tựa chiếc thớt lớn giữa đỉnh đồi, 40 ngôi nhà sàn cách điệu làm bằng bê tông chắc chắn quần tụ bên nhau, trung tâm là nhà văn hóa và trường học như khu nghỉ dưỡng hiện đại và thơ mộng. Dẫu vẫn còn đó những vết ngổn ngang của đại công trường nhưng nhịp sống mới nơi đây đang từng ngày tươi vui trở lại.
Chị Bóng phấn khởi khi dọn về căn nhà mới.
Chị Bóng xây dựng cuộc sống mới.
Trước hôm dọn về nhà mới mấy ngày, mẹ con chị Hoàng Thị Bóng được các cô giáo của Trường Mầm non xã Phúc Khánh đến giúp trồng hoa ở khoảng sân cạnh nhà. Con trai chị là người thích chơi hoa nên đã mua về một số loại mới như đỗ quyên, mộc hương để trồng. Nổi bật trên nền đất mới, những bông hoa đỗ quyên phớt tím chớm nở khẽ đung đưa theo gió báo hiệu mùa xuân đang về.
Phía sau nhà, mảnh vườn nhỏ rào chắc chắn, chia thành những ô rộng đều nhau. Mỗi ô trồng một loại rau bắt đầu bén rễ, bật chồi xanh nõn. Trong nhà, mọi thứ đều sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ đầy đủ tiện nghi.
Cơn lũ quét đi qua, chị Bóng đã mất đi người chồng bao năm đầu gối tay ấp cùng toàn bộ tài sản là 1 ngôi nhà xây, 1 nhà sàn, trang vật dụng, ao cá, ruộng vườn, ước tính cả tỷ đồng. Cả hai bên nội ngoại, gia đình chị có 21 người thân thiệt mạng.
Những ngày tang thương nhất cách đây vài tháng, chị Bóng khóc ròng, liên tục dõi theo lực lượng tìm kiếm ngóng tin người thân. Người phụ nữ 46 tuổi gánh trên vai nỗi đau quá lớn, vết thương lòng biết bao giờ mới có thể nguôi ngoai?
Người dân phấn khởi trong căn nhà mới.
Dù vậy, chị Bóng vẫn phải nén lại, tất bật lo toan, dọn dẹp, chăm chút ngôi nhà mới được Nhà nước hỗ trợ để tiếp tục là chỗ dựa tinh thần cho con. Trước có vợ, có chồng chung lưng đấu cật, giờ còn lại một mình chị Bóng cũng không tránh khỏi những lo lắng.
“Thiên tai biết làm sao được, giờ Nhà nước hỗ trợ nhà ở chắc chắn cũng phần nào giúp ổn định cuộc sống trước mắt, tôi không biết nói gì hơn. Thời gian tới mẹ con tôi phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tập trung phát triển kinh tế gia đình, xây dựng lại cuộc sống”, chị Bóng bày tỏ.
Anh Hoàng Văn Voi sẵn sàng cho cuộc sống mới.
Từ ngôi nhà mới, anh Hoàng Văn Voi chỉ tay về ngôi nhà cũ cách khoảng 2 km đã bị lũ quét vùi lấp cùng mẹ, vợ và con, đôi mắt rưng rưng. Anh bảo, trong lòng đang vui buồn lẫn lộn, vui vì có nhà mới khang trang vững chắc, an toàn, buồn vì nỗi đau mất người thân và sự trống vắng.
Vượt lên tất cả, anh luôn suy nghĩ tích cực, rằng mình còn được sống thì phải cố gắng phát triển kinh tế, phải sống tốt hơn cho cả phần người đã khuất. Thời gian tới, anh Voi dự tính tận dụng số ruộng nương còn lại ở nơi cũ để canh tác và dự định sẽ tập trung chăn nuôi cá tầm, cá bỗng.
“Khi ổn định cuộc sống, kinh tế vững hơn, tôi sẽ giúp đỡ lại bà con - những người còn khó khăn, như đã từng giúp đỡ tôi trong hoạn nạn”, anh Voi bộc bạch.
Chỉ vỏn vẹn chừng 3 tháng sau lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng, bằng sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, các cơ quan, tổ chức và toàn xã hội chung tay, những ngôi nhà được gấp rút xây dựng, sớm hoàn thành, bàn giao cho những người dân bị mất nhà cửa. Với quyết tâm cao nhất, tinh thần khẩn trương nhất, mọi công việc từ lựa chọn vị trí, đơn vị và phương án thi công… đều được đẩy nhanh tối đa.
Trên công trường khu dân cư thôn Làng Nủ (Bảo Yên), Nậm Tông, Kho Vàng (Bắc Hà) một không khí thi công hối hả, càng về sau tiến độ càng được đẩy nhanh, thậm chí tại khu dân cư thôn Kho Vàng, đơn vị thi công bố trí ca kíp làm thông đêm để đảm bảo tiến độ bàn giao nhà cho người dân.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia vui cùng người dân Làng Nủ.
Trong quá trình thi công, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các huyện thường xuyên kiểm tra đôn đốc; các đơn vị chuyên môn liên quan cắt cử cán bộ ngày đêm theo sát, sẵn sàng báo cáo xin ý kiến giải quyết những khó khăn phát sinh. Các địa phương sở tại huy động cán bộ, công chức, hội viên các đoàn thể và người dân hỗ trợ ngày công lao động, xong nhà nào, xong hạng mục nào tiến hành dọn vệ sinh, trồng cây xanh, trồng hoa làm đẹp cảnh quan và giúp người dân trồng rau xanh, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất khi chuyển về nhà mới tại khu tái định cư.
Hoa đã nở trên khu tái thiết nhà ở thôn Nậm Tông.
Hôm chúng tôi có mặt tại khu tái định cư thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, rất đông các hội viên, phụ nữ xã giúp trồng hoa trên khu đất chung trước cửa nhà văn hóa thôn và các nhà xung quanh. Một số chỗ trồng trước đó, những bông hoa sau thời gian bám rễ, được tình người vun xới, chăm sóc như cảm thấu tấm lòng đã khai nhụy đơm hoa, khoe những sắc màu tươi rói mỗi sớm mai.
Tương lai một ngôi làng mới đã được bắt đầu từ hôm nay như vậy!
Rồi đây cuộc sống mới sẽ sinh sôi nảy nở, đời tiếp đời, những thế hệ tương lai sẽ xây dựng ngôi làng ngày càng giàu đẹp hơn. Ngôi trường mới sẽ rộn vang tiếng con trẻ ê a học bài. Cuộc sống sau những ngày dông bão sẽ thanh bình trở lại!
Chị Lù Thị Danh vừa cùng các chị em trồng hoa xong, lại tranh thủ về nhà cùng con dâu dọn nhà mới. Gần đó, gia đình anh Sùng Seo Vứ cũng nhờ một số người thân san nốt phần đất sau nhà. Trò chuyện với chúng tôi, chị Danh, anh Vứ đều bày tỏ niềm vui khi được Nhà nước hỗ trợ nhà mới, có chỗ ở ổn định, yên tâm tập trung lao động, sản xuất, phát triển kinh tế.
Người dân tăng gia sản xuất tại nơi ở mới.
“Nhà mới đẹp hơn, an toàn và chắc chắn hơn nhà cũ trước đây đã bị lũ cuốn trôi. Tôi biết ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Đây chính là điểm tựa để chúng tôi tiếp tục vươn lên trong cuộc sống”, anh Vứ cho hay.
May mắn hơn nhiều hộ khác, gia đình anh Vứ không bị ảnh hưởng về người nhưng toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn đã bị lũ cuốn, vùi lấp. Hiện, anh chỉ còn đồi quế khoảng 1,5 vạn cây có tuổi đời từ 5 - 8 năm và mấy mảnh nương. Anh cho biết, thời gian tới, anh sẽ tập trung vào phát triển chăn nuôi để vực dậy kinh tế gia đình.
Khu dân cư thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc có 15 hộ bị mất nhà ở trong cơn lũ. Đồng chí Trương Thị Hào, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Lúc cho biết, ngày 7/12, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phát động toàn thể cán bộ, công chức, đảng viên, hội viên các đoàn thể thực hiện ra quân trồng hoa tại khu tái định cư. Đồng thời, hướng dẫn bà con dọn vệ sinh nhà ở, xây dựng cảnh quan môi trường sạch đẹp. Người dân ổn định cuộc sống, cấp ủy, chính quyền xã định hướng xây dựng khu tái định cư thành khu dân cư mẫu; động viên Nhân dân tiếp tục lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Trong đó, Huyện Bắc Hà và xã Nậm Lúc đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cây quế giống và con giống (gia cầm, gia súc) giúp người dân trước những khó khăn ban đầu sau lũ.
So với hai khu tái định cư Làng Nủ và Nậm Tông, tiến độ thi công tại khu tái định cư thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà có phần chậm hơn. Bởi khó khăn trong việc chọn mặt bằng, bãi đổ thải, nhiều mặt bằng khác nhau (9 mặt bằng), diện tích các mặt bằng nhỏ, không thể thi công đồng loạt. Đơn vị thi công phải bố trí làm thông đêm, gần như 24/24 giờ trên công trường lúc nào cũng rền vang tiếng máy nên đã kịp bàn giao nhà cho người dân đúng hẹn.
Đồng chí Hà Đức Thành, Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bắc Hà cho hay, ngày 21/9 bắt đầu khởi công tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng, đến ngày 15/10 mới bắt đầu đổ những khối bê tông đầu tiên trên phần móng nhà của những ngôi nhà đầu tiên. Trong điều kiện địa hình phức tạp, khối lượng công việc lớn, việc hoàn thành 35 căn nhà cùng các điều kiện hạ tầng thiết yếu về điện, đường là sự nỗ lực rất lớn của các lực lượng liên quan.
Học sinh Làng Nủ bên điểm trường xây dựng khang trang.
Tương lai đang được đắp xây, đặt nền móng từ hôm nay. Các khu dân cư mới ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng sẽ được xây dựng thành các khu dân cư điểm, thậm chí ở Làng Nủ còn được tính đến xây dựng cảnh quan phát triển du lịch bản làng. Vậy nên, ngay trong những ngày đầu chuẩn bị chuyển về nơi ở mới, thôn Làng Nủ đã xây dựng hương ước, quy ước triển khai đến toàn thể các hộ trong khu tái thiết, tạo đồng thuận trong sử dụng, giữ gìn kiến trúc, phát triển cảnh quan, quyết tâm xây dựng trở thành miền quê đáng sống, hạnh phúc.
Xây dựng khu tái thiết Nậm Tông, Kho Vàng và Làng Nủ trở thành những ngôi làng hạnh phúc, nếp sống văn minh.
Dù lòng còn trĩu nặng nỗi đau mất mát nhưng tất thảy người dân tại thôn Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng đều phấn khởi, háo hức chào đón căn nhà mới được xây dựng bằng nghĩa tình, sự sẻ chia và trách nhiệm vì cộng đồng. Về nơi ở mới, bắt đầu một trang cuộc đời mới với kỳ vọng lớn nhất là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, để lịch sử không còn phải chứng kiến những câu chuyện đau thương của Làng Nủ, Nậm Tông vừa qua. Đây chính là mục tiêu cao nhất mà Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến địa phương hướng đến.
Nguyễn Thành Phú - Mạnh Dũng - Hữu Huỳnh
Nguồn Lào Cai : https://baolaocai.vn/hanh-trinh-hoi-sinh-vung-lu-lang-nu-nam-tong-kho-vang-post395089.html