Hành trình 'Lấy trẻ làm trung tâm'

Hành trình 'Lấy trẻ làm trung tâm'
6 giờ trướcBài gốc
Giờ học của cô trò Trường Mầm non Bình Phúc, huyện Văn Quan
Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phát động từ năm 2016. Tại Lạng Sơn, chuyên đề được triển khai từ năm học 2016–2017 và hiện bước vào giai đoạn 2 (2021–2025), tập trung vào nhân rộng mô hình điểm và nâng cao chất lượng thực hiện. Tính đến hết năm học 2024–2025, toàn tỉnh có 79 trường mầm non thực hiện điểm, gồm 22 trường cấp tỉnh và 57 trường cấp huyện, tăng 35 trường so với giai đoạn trước. Việc lựa chọn các đơn vị điểm được thực hiện trên cơ sở khảo sát thực tiễn, đảm bảo đại diện cho cả vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Cùng đó, sở xác định lấy trẻ làm trung tâm là yêu cầu cốt lõi trong đổi mới giáo dục mầm non. Từ đó việc chỉ đạo không dàn trải mà tập trung vào những trường có khả năng làm điểm để tạo hạt nhân lan tỏa.
Từ định hướng chỉ đạo ấy, công tác đầu tư cơ sở vật chất tại các trường điểm được đặc biệt quan tâm. Ngoài việc ưu tiên phân bổ nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các trường còn được tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động xã hội hóa, cải tạo cảnh quan, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, xanh – sạch – đẹp. Nhiều trường đã tận dụng hiệu quả không gian sẵn có, kết hợp các nguyên vật liệu địa phương để làm đồ chơi, thiết kế góc trải nghiệm sáng tạo. Một số đơn vị tiêu biểu như Trường Mầm non xã Chi Lăng (Chi Lăng), Hoa Hướng Dương (thành phố Lạng Sơn), Tân Văn (Bình Gia)... đã chủ động tham mưu, vận động phụ huynh và cộng đồng cùng tham gia xây dựng cơ sở vật chất, từng bước đáp ứng các tiêu chí của chuyên đề giai đoạn 2.
Tại nhiều trường, không gian lớp học được thiết kế linh hoạt, thân thiện với trẻ. Điển hình như Trường Mầm non xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng), một trong những mô hình tiêu biểu, đã xây dựng không gian học tập phân chia rõ ba khu vực: khu học liệu, khu trải nghiệm và khu trưng bày sản phẩm. Cô Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Việc tổ chức không gian như vậy giúp trẻ được thỏa sức khám phá, sáng tạo, phát triển trí tưởng tượng và tính tự lập từ rất sớm. Chính môi trường mở, thân thiện đã thúc đẩy tinh thần hợp tác và niềm vui đến trường của trẻ mỗi ngày”.
Kết quả tại 79 trường điểm cho thấy, tỷ lệ huy động trẻ đến lớp và tỷ lệ trẻ đạt yêu cầu phát triển toàn diện đều trên 99%; 100% trẻ được chăm sóc an toàn, không xảy ra vụ việc nghiêm trọng. Đội ngũ giáo viên đã thực hiện tốt đánh giá theo hướng phát triển năng lực, biết điều chỉnh kế hoạch dựa trên khả năng và cảm xúc của từng trẻ. Tư duy giáo dục lấy trẻ làm trung tâm từng bước được hiện thực hóa trong thực tiễn giảng dạy.
Song song với đầu tư cơ sở vật chất, công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tại các trường điểm cấp tỉnh cũng được triển khai bài bản. Trong giai đoạn 2021–2025, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 24 lớp tập huấn chuyên đề cho cán bộ quản lý, giáo viên từ các trường điểm cấp tỉnh. Ngoài ra, ngành còn tổ chức 8 hội thảo chuyên đề, 1 hội thảo sơ kết hai năm và 15 lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực triển khai chuyên đề tại các đơn vị điểm. Các nội dung bồi dưỡng tập trung vào xây dựng kế hoạch giáo dục, tổ chức hoạt động tích hợp, đánh giá sự phát triển của trẻ, giáo dục hòa nhập và tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số. Việc tập huấn theo chiều sâu đã góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành sư phạm cho đội ngũ giáo viên tại các trường điểm, tạo nền tảng vững chắc để phát huy hiệu quả chuyên đề trên thực tiễn.
Nhờ được tập huấn thường xuyên, đội ngũ giáo viên tại các trường điểm đã chủ động, linh hoạt hơn trong đổi mới phương pháp giảng dạy. Giáo viên không còn bó buộc vào giáo án mẫu mà sáng tạo nhiều hoạt động học thông qua chơi, tăng cường trải nghiệm, khuyến khích trẻ thể hiện cảm xúc và phát triển kỹ năng cá nhân. Các trường tổ chức đa dạng các hoạt động như: “Bữa ăn thân thiện”, “Rung chuông vàng”, “Bé yêu tiếng Việt”, ngày hội giao lưu tiếng Anh…, tạo không khí thi đua sôi nổi, gắn kết giữa thầy cô – trẻ – phụ huynh.
Một điểm nhấn nổi bật trong quá trình triển khai chuyên đề là việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số. Đến nay, 100% trường điểm đã sử dụng phần mềm quản lý nhà trường, hồ sơ điện tử, giáo án điện tử, kết nối dữ liệu phụ huynh – giáo viên qua mã QR và các nền tảng mạng xã hội.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng tại các trường điểm cũng ngày càng hiệu quả. Phụ huynh không chỉ đồng hành bằng vật chất, ngày công mà còn trực tiếp tham gia làm đồ dùng dạy học, cải tạo cảnh quan, hỗ trợ tổ chức hoạt động trải nghiệm. Thông qua nhóm Zalo, Facebook lớp học, phụ huynh được cập nhật kế hoạch giảng dạy, tư vấn chế độ ăn và sinh hoạt, tạo ra mối liên kết thông tin hai chiều chặt chẽ, tích cực giữa giáo viên và phụ huynh.
Kết quả tại 79 trường điểm cho thấy, tỷ lệ huy động trẻ đến lớp và tỷ lệ trẻ đạt yêu cầu phát triển toàn diện đều trên 99%; 100% trẻ được chăm sóc an toàn, không xảy ra vụ việc nghiêm trọng. Đội ngũ giáo viên đã thực hiện tốt đánh giá theo hướng phát triển năng lực, biết điều chỉnh kế hoạch dựa trên khả năng và cảm xúc của từng trẻ. Tư duy giáo dục lấy trẻ làm trung tâm từng bước được hiện thực hóa trong thực tiễn giảng dạy.
Phát huy những kết quả đã đạt được, ngành giáo dục tỉnh xác định “lấy trẻ làm trung tâm” tiếp tục là định hướng xuyên suốt trong đổi mới giáo dục mầm non. Theo bà Nguyễn Ngọc, Phó Trưởng Phòng Giáo dục mầm non – Tiểu học, Sở GD&ĐT: “Chuyên đề không còn là khẩu hiệu mà đã thấm sâu vào tư duy, hành động sư phạm của đội ngũ giáo viên. Qua từng năm học, nhận thức của cán bộ, giáo viên về việc lấy trẻ làm trung tâm ngày càng rõ ràng; thực hành ngày càng linh hoạt, sát thực tiễn”. Trong giai đoạn tới, phòng sẽ tham mưu cho sở tiếp tục nhân rộng mô hình hiệu quả, tích hợp nội dung chuyên đề với chương trình giáo dục mầm non mới, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng năng lực đội ngũ, phát huy vai trò phối hợp của phụ huynh và cộng đồng.
Có thể nói, 5 năm, một hành trình chưa dài nhưng đủ để khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả và sức lan tỏa mạnh mẽ của hướng tiếp cận “lấy trẻ làm trung tâm”. 79 trường điểm của tỉnh đã không chỉ tạo dựng môi trường học tập tích cực mà còn trở thành hạt nhân, tạo nền móng vững chắc cho quá trình đổi mới giáo dục mầm non toàn tỉnh trong thời gian tới.
THẢO NGUYÊN
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/lay-tre-lam-trung-tam-5-nam-nhin-lai-5047143.html