Từ Đồng Nai đi 2.000km ra Hà Giang học chuyển đổi số, sao không chọn TPHCM?

Từ Đồng Nai đi 2.000km ra Hà Giang học chuyển đổi số, sao không chọn TPHCM?
5 giờ trướcBài gốc
Đi miền núi học chuyển đổi số - ứng dụng STEM, đô thị hiện đại bên cạnh bị bỏ qua
Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) mới đây có văn bản gửi đến các trường kế hoạch đi Hà Giang học tập kinh nghiệm, chuyển đổi số trong giáo dục, ứng dụng STEM. Chuyến đi dự kiến diễn ra trong 5 ngày. Đoàn cán bộ Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Cửu phải di chuyển lên TPHCM rồi đi máy bay ra Hà Nội, tiếp đó đi ô tô lên Hà Giang.
Chuyến đi chưa thành bởi UBND huyện Vĩnh Cửu đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng khi phát hiện lịch trình tập trung nhiều vào tham quan, du lịch. Thế nhưng, việc một huyện ở Đồng Nai đi Hà Giang học tập kinh nghiệm chuyển đổi số, STEM khiến nhiều người bất ngờ đặt câu hỏi tại sao không đến TPHCM, thành phố ngay bên cạnh, cự ly di chuyển rất gần để học tập kinh nghiệm?
Về vị trí địa lý, Đồng Nai thuộc Đông Nam Bộ, vùng kinh tế phát triển nhất cả nước hiện nay. Đồng Nai giáp TPHCM ở phía Tây, còn huyện Vĩnh Cửu của Đồng Nai cách trung tâm TPHCM khoảng 70km.
Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) lên kế hoạch 5 ngày tới tỉnh Hà Giang học tập kinh nghiệm chuyển đổi số, nhưng đã phải dừng lại vì lịch trình tập trung nhiều vào tham quan, du lịch. Ảnh chụp màn hình
TPHCM là đô thị hiện đại nhất cả nước với 10 triệu dân. Về giáo dục, thành phố có khoảng 1,7 triệu học sinh, lớn thứ 2 cả nước sau Hà Nội. Ngành giáo dục TPHCM có hàng trăm trường học các cấp, trong đó hơn 350 trường đã đạt chuẩn quốc gia.
Về chuyển đổi số và ứng dụng STEM, ngành giáo dục TPHCM luôn tiên phong, đã và đang xây dựng nền tảng chuyển đổi số ở tất cả ngành học, bậc học, trong đó tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu dạy học và quản lý trường học.
Tính đến thời điểm này, TPHCM là địa phương duy nhất cả nước triển khai bộ tiêu chuẩn công nhận trường học số với các tiêu chuẩn như: Thể chế số, cơ sở vật chất và hạ tầng số, dữ liệu số, nhân lực số, quản trị và điều hành số, cùng giáo dục số.
Toàn thành phố có 100 trường học đạt tiêu chuẩn trường học số được UBND thành phố công nhận. Trong đó 35 trường tiểu học, 38 trường THCS, 25 trường THPT và 2 liên cấp TH-THCS-THPT. Trong khi đó, tỉnh Hà Giang là địa đầu Tổ quốc, tỉnh vùng núi, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục còn hạn chế so với các tỉnh đồng bằng, đặc biệt là các thành phố, đô thị lớn.
Nếu mục tiêu học thực sự, sẽ không chọn Hà Giang
Chia sẻ với PV VietNamNet, một giáo viên ở TPHCM cho rằng, Hà Giang - dù có thể có những nỗ lực trong giáo dục, khó có thể sánh ngang với các thành phố lớn về quy mô và chất lượng triển khai STEM hay chuyển đổi số. Nếu mục tiêu thực sự chuyến đi của phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Cửu là học tập kinh nghiệm thì việc đến các trung tâm giáo dục tiên tiến như TPHCM hoặc Hà Nội sẽ mang lại giá trị thực tiễn cao hơn nhiều so với Hà Giang.
Theo ông, giáo dục STEM, chuyển đổi số là những lĩnh vực đòi hỏi cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giáo viên được đào tạo chuyên sâu và các mô hình thực tiễn tiên tiến. TPHCM đã tổ chức các hội thảo quốc tế về chuyển đổi số giáo dục và có nhiều trường học áp dụng STEM hiệu quả như Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa hay Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong. Ở Hà Nội cũng có các trường như Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam triển khai bài bản việc này. Do vậy, việc chọn Hà Giang để học tập kinh nghiệm chuyển đổi số, STEM là một quyết định thiếu hợp lý, đặc biệt khi lịch trình cho thấy chuyến đi mang tính chất du lịch nhiều hơn là học tập.
Nhiều ý kiến bày tỏ TPHCM và Bình Dương ở rất gần huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và cũng là các trung tâm kinh tế, giáo dục phát triển, tại sao phải chọn đi tận Hà Giang để học tập về chuyển đổi số ở lĩnh vực giáo dục. Ảnh: Nguyễn Huế
"Nếu phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Cửu lựa chọn TPHCM, Hà Nội - những trung tâm giáo dục, công nghệ phát triển chóng mặt sẽ phù hợp hơn”, ông nói.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) nhìn nhận, việc Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) tổ chức cho cán bộ, hiệu trưởng đi Hà Giang học tập kinh nghiệm chuyển đổi số, STEM đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Quyết định tạm dừng chuyến đi vào phút chót, dù xuất phát từ lý do ưu tiên công tác sắp xếp bộ máy hành chính, vẫn không thể xoa dịu những hoài nghi về tính hợp lý và mục đích thực sự của kế hoạch này.
Theo ông, việc một đoàn công tác quy mô lớn di chuyển quãng đường xa đến Hà Giang, trong khi bỏ qua các trung tâm kinh tế, giáo dục phát triển như TPHCM hay Bình Dương ở ngay cạnh, đặt ra câu hỏi lớn về hiệu quả và tính thiết thực của chuyến đi. TPHCM có một nền giáo dục khá năng động, dám nghĩ, dám làm. Thành phố luôn đi đầu trong giáo dục ngoại ngữ, STEM, lại có nhiều trường đại học nên có điều kiện cho giáo viên học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.
Đặc biệt, thông tin về lịch trình bao gồm phần lớn thời lượng là hoạt động tham quan, du lịch tại địa điểm nổi tiếng càng củng cố lo ngại về việc sử dụng ngân sách nhà nước một cách không phù hợp, thiếu minh bạch. Trong bối cảnh ngành giáo dục còn đối mặt với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, lớp học tạm và nguồn lực hạn chế, việc chi khoản tiền không nhỏ cho một chuyến đi mà mục đích học tập bị nghi ngờ là một sự lãng phí.
TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, việc học tập kinh nghiệm là cần thiết, nhưng cần được thực hiện một cách hiệu quả, tiết kiệm và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các hình thức trao đổi, học hỏi tại chỗ hoặc tại các địa phương có điều kiện tương đồng nên được ưu tiên xem xét.
“Vụ việc là một hồi chuông cảnh tỉnh về sự cần thiết của việc giám sát chặt chẽ hơn nữa việc sử dụng ngân sách công, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong mọi hoạt động của bộ máy nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, nơi cần sự gương mẫu và trách nhiệm cao nhất. Bài học này cũng cần được rút ra ở nhiều địa phương khác khi kỳ nghỉ hè đến gần và các chuyến đi học hỏi kinh nghiệm cần được quản lý chặt chẽ, minh bạch", ông Vinh nói.
Lê Huyền
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/tu-dong-nai-di-2-000km-ra-ha-giang-hoc-tap-kinh-nghiem-sao-khong-chon-tphcm-2403471.html