Hành trình mở nhận thức của người dân Mỹ Thạnh

Hành trình mở nhận thức của người dân Mỹ Thạnh
7 giờ trướcBài gốc
Thấy người hàng xóm đi làm công ty may giày có tiền lương ổn định, có tháng tăng ca nên thu nhập được 7 triệu đồng, chị Nhung ở xã Mỹ Thạnh lên kế hoạch sắp xếp chuyện gia đình, mùa vụ để qua tết xin đi làm ở công ty may. Chị có lo lắng, vì lâu nay chỉ biết trồng bắp, nuôi gà… bởi ở vùng miền núi này biết làm gì khác, ngoài nông nghiệp, nhất là ở đây còn trông chờ nguồn nước về từ hồ Ka Pét đang chuẩn bị xây dựng. Nhưng khi nghe những người đã đi làm công nhân ở nhà máy giày kể, chị tin mình sẽ thích nghi được. Dẫu có khó khăn nhưng khi nghĩ đến viễn cảnh tương lai tươi sáng sắp tới của cả gia đình, thì chị háo hức cho thời điểm qua tết lắm. Vì nếu chị đi làm công nhân, vừa có thêm thu nhập hàng tháng lo cho gia đình, vừa được công ty trích lương đóng bảo hiểm xã hội nên có đau bệnh cũng có chế độ chăm sóc.
Không chỉ chị Nhung, những người khác nằm trong độ tuổi lao động ở xã đồng bào dân tộc thiểu số này cũng bắt đầu có suy nghĩ khác về chuyện phải có thu nhập đều đặn bền vững từng tháng, thay vì từng mùa vụ như lâu nay. Đã vậy, mùa vụ còn không chắc chắn, vì rủi ro sâu bệnh, thời tiết… Việc trồng bắp là 1 ví dụ, càng về sau này càng thất thu, có lẽ đất đã bạc màu. Vì thế, chuyện 15 lao động đã đi làm công nhân ở 1 công ty may tại KCN Hàm Kiệm khoảng nửa năm nay, với thu nhập ổn định là câu chuyện người thật, việc thật đã khơi mở trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số ở Mỹ Thạnh về tự chủ. Nếu ỷ lại, chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua thì rất khó, vì không thể “nắm tay” cả ngày được. Đây cũng là nội dung mà hệ thống chính trị ở xã Mỹ Thạnh đã nói chuyện với người dân trong xã lâu nay, trong bất cứ cuộc họp, gặp mặt nào có thể về chuyện tránh ỷ lại vào Nhà nước, chuyện cần nỗ lực vươn lên từ chính sách hỗ trợ để xây dựng cuộc sống hạnh phúc.
Thế nhưng, thực tế có những điều nghe cứ thấy ngược nhưng qua đó cũng có thể là sự thể hiện ước nguyện mong con cháu sớm độc lập, tự chủ của người Rắc Lay ở đây. Đó là con cái mới lập gia đình là họ cho ra riêng ngay, hình thành 1 hộ riêng biệt, trong khi kinh tế thì chưa vững và cha mẹ 2 bên đều nghèo. Vì thế, cứ theo từng năm, số hộ nghèo ở xã tăng mà khó giảm, mặc dù Nhà nước hỗ trợ rất nhiều. Mới đây, trong cuộc rà soát các hộ nghèo dự kiến được xây nhà theo chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát của Ủy ban MTTQ Việt Nam, Mỹ Thạnh có 38 hộ đủ điều kiện được hỗ trợ nhà ở. Thế nhưng, hầu hết đều bị vướng cùng 1 lý do, đó là đang ở trên đất cha mẹ cho, không có tiền để tách thửa.
Ông Nguyễn Hữu Tưởng, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thạnh cho biết, việc các lao động trong xã quyết định gắn bó với công việc công nhân may là một bước thay đổi nhận thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Mỹ Thạnh. Vì mấy năm trước, cũng có công ty đến xã tìm kiếm lao động nhưng cuối cùng không có ai tham gia, vì nhiều lý do từ trong nhận thức của người dân. Còn trong năm nay thì có sự đột phá trên. Nhờ vậy, đã giúp cải thiện, thay đổi dần tình trạng ỷ lại, mang tính cố hữu của đồng bào dân tộc thiểu số Mỹ Thạnh. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân đi làm việc ở các công ty trên địa bàn huyện đang tuyển lao động. Đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khi có nước hồ Ka Pét về.
HẢO CHI
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/hanh-trinh-mo-nhan-thuc-cua-nguoi-dan-my-thanh-126747.html