Hành trình phủ xanh Trường Sa - sức sống nơi đảo xa 'ngày càng rạng rỡ'

Hành trình phủ xanh Trường Sa - sức sống nơi đảo xa 'ngày càng rạng rỡ'
6 giờ trướcBài gốc
Chiến sỹ Trường Sa chăm sóc cây xanh. (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)
Sau 50 năm giải phóng, Trường Sa với vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng đang ngày càng đổi mới. Âu tàu, làng chài, nhà ga hàng không, các công trình dân sinh… đã góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt cho người dân và lực lượng trên đảo.
Không gian xanh và nguồn nước ngọt ngày càng được cải thiện, sức sống nơi Trường Sa ngày càng rạng rỡ. Quân và dân nơi đây quyết tâm xây dựng huyện đảo trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước.
Những vườn rau giữa muôn trùng sóng gió
Trên đảo không chỉ có cây, mà còn mướt mát màu xanh của nhiều loại rau. Ai đã ra Trường Sa đều bất ngờ trước những vườn rau xanh ngắt, những lá rau xanh to hơn hẳn so với đất liền.
Đó chẳng phải là “phép lạ” mà được “tưới” từ những giọt mồ hôi và trí thông minh, sáng tạo của các bộ chiến sỹ trên đảo.
Mùa khô trên đảo kéo dài, đến tháng 8-9 mới bắt đầu có mưa, các chiến sỹ đào hố chôn những bể nhựa để chứa nước mưa, tận dụng cả nước sinh hoạt tưới rau. Ruột cá và chất thải hữu cơ được chôn lấp đúng quy trình khoa học để trở thành phân bón cho rau.
Ngay cả ở đảo chìm Cô Lin, rau cải, rau ngót, muống, mồng tơi vẫn lên xanh tốt. Chỉ với 78m2 đất trồng rau, các chiến sỹ trên đảo đã thu hoạch được 725kg/năm, bảo đảm cơ bản rau xanh cho bữa ăn của bộ đội.
Hệ thống hồ lắng được sắp xếp liên hoàn từ phía ngoài vào trong vườn. Nước qua quá trình lắng muối sẽ được tưới vào gốc cây để giữ ẩm. Việc chăm tưới vườn rau cũng đem lại niềm vui cho mỗi người lính đảo.
Trên hải trình công tác, ghé Len Đao, chúng tôi gặp chiến sỹ Nguyễn Văn Nghiêm, quê gốc Thái Bình. Nghiêm nhận nhiệm vụ công tác tại Len Đao từ tháng 8/2024, trước đó, Nghiêm từng công tác tại Vùng 1 Hải quân đóng tại Quảng Ninh.
Đại úy, Quân nhân chuyên nghiệp Lê Xuân Thuật, nhân viên quân y công tác tại Nhà giàn DK 1 chăm sóc vườn rau xanh. (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)
Môi trường ở đảo giúp anh trưởng thành hơn rất nhiều. Đã là lính hải quân trên đảo thì tất cả các công việc đều là nhiệm vụ, từ việc ứng trực, sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ người dân vươn khơi bám biển, đến tăng gia sản xuất, Nghiêm đều thành thạo.
Chỉ vào vườn rau xanh tốt, chiến sỹ Nguyễn Văn Nghiêm chia sẻ, đất trồng rau được mang từ đất liền ra, tưới bằng nước lợ, nước mưa.
Tháng Hai đến tháng Năm là mùa rau xanh tốt. Cuối năm mưa nhiều nước biển mặn đánh vào đảo thì rau hay bị thối gốc, do đó phải đưa rau lên cao hơn để tránh nước biển.
Bây giờ rau xanh không còn là vấn đề khó khăn, lực lượng trên đảo hoàn toàn tự trồng, cung cấp đủ rau xanh cho bữa ăn hàng ngày.
Tại Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần A, Đại úy, Quân nhân chuyên nghiệp Lê Xuân Thuật, nhân viên quân y cho biết, vườn rau ở đây được gia công bằng tôn và che lưới để chắn sóng, gió biển.
Đất trồng, phân bón và giống rau phải vận chuyển từ đất liền ra. Rất nhiều loại rau như: Mướp, mướp đắng, dưa leo; rau cải, mùng tơi… được trồng trong các khay, xếp trong khuôn viên tầng trên cùng của nhà giàn nhỏ. Nước ngọt được tận dụng từ nước mưa dùng để tưới rau.
“Với nỗ lực của toàn thể cán bộ, chiến sỹ, tổng sản lượng tăng gia năm 2024 của Nhà giàn DK1 đạt hơn 40 triệu đồng, trong đó rau xanh 1.120kg, cá tươi 1.650kg, đậu phụ 172kg, giá đỗ 212kg, gia súc gia cầm 716kg,” Đại úy Lê Xuân Thuật cho biết.
Cũng như các đảo chìm khác, khó khăn nhất ở đảo Đá Thị là thiếu nước ngọt và không có đất để trồng cây, rau xanh… Ở đây nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt được khai thác chủ yếu từ nước mưa.
Những năm gần đây, đảo được đầu tư trang bị hệ thống bể chứa nên đã chủ động bảo đảm được 100% nhu cầu nước sinh hoạt. Hầu như mỗi giọt nước mưa rơi xuống đều được cán bộ chiến sỹ trên đảo tìm mọi cách đưa vào bể chứa, phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Vườn ươm cây giống bàng vuông tại đảo Trường Sa. (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)
Đảo đã có hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống sinh hoạt và phục vụ huấn luyện, công tác… Thượng úy Mai Vũ Thanh Nguyên, Chỉ huy trưởng đảo Đá Thị cho biết: “Rau được trồng vào các khay riêng biệt, có thể di chuyển vị trí theo từng mùa để tránh sóng, gió biển.
Khay trồng rau, đất và giống rau được vận chuyển từ bờ theo các chuyến tàu cấp hàng, ngoài ra cán bộ, chiến sỹ ra đảo thực hiện nhiệm vụ cũng mua thêm giống và phân bón để trồng đa dạng, xen canh gối vụ.
Trên đảo, nước ngọt khan hiếm, cán bộ chiến sĩ đã tận dụng nước sinh hoạt, để lắng đọng rồi sau đó tưới rau. Chính vì vậy mà đảo đã trồng được nhiều loại rau xanh đáp ứng nhu cầu bộ đội trên đảo.
Tổng sản lượng tăng gia năm 2024 đạt hơn 26 triệu đồng, trong đó rau xanh gần 1 tấn, thịt các loại gần 200kg, giá đỗ hơn 500kg.”
Hiệu quả từ chương trình “Xanh hóa Trường Sa”
Đại tá Bùi Quang Thuyên, Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, cho biết Nghị quyết của Đảng ủy Vùng 4 Hải quân về “Xanh hóa Trường Sa” qua hai năm thực hiện đã có những kết quả bước đầu ấn tượng. Hiện hơn 80% diện tích các đảo có điều kiện phù hợp trồng cây lâu năm được phủ xanh.
Qua phối hợp, làm việc với các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân trong triển khai thực hiện chương trình “Xanh hóa Trường Sa” năm 2023, 2024, hàng trăm nghìn cây xanh và phân bón, đất dinh dưỡng đã được chuyển tới các điểm đảo.
Vườn thuốc nam tại Trung tâm y tế Thị trấn Trường Sa. (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)
Tại đảo Trường Sa, một vườn ươm khoảng 200m2 do cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo ươm trồng với các loại cây như: Bàng vuông, mù u, tra, phong ba, bão táp… Vườn ươm đã cung cấp hàng nghìn cây giống mỗi năm cho các điểm đảo…
Đơn vị còn trồng nhiều cây muống biển để cung cấp cho các đảo có nhu cầu phủ xanh. Ngoài ra, trên đảo Trường Sa còn trồng thử nghiệm các loại cây ăn quả như mãng cầu, ổi, xoài, sakê…
Cũng theo Đại tá Bùi Quang Thuyên, Vùng 4 Hải quân tổ chức phát động "Ngày thứ Bảy tình nguyện" với sự tham gia của hơn 1.000 cán bộ, đoàn viên, thanh niên và nhân dân các xã, thị trấn thuộc huyện đảo Trường Sa.
“Thời gian tới, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tập trung chỉ đạo quy hoạch khu vực đất trồng cây; xây dựng nhiều vườn ươm cây giống; chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện tổ chức trồng và che, chắn gió, chắn sóng; kêu gọi địa phương, cơ quan, doanh nghiệp trong cả nước huy động nguồn lực hỗ trợ, đặc biệt là cây giống, đất màu, phân bón,” Đại tá Bùi Quang Thuyên nói.
Trung tá Vũ Mạnh Hải, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây phấn khởi nói “Mỗi năm trong bờ cấp cho đảo Song Tử Tây khoảng 3.000 cây dương (phi lao), trong đó Đảo đã chi viện cho đảo Đá Nam 1.800 cây bản địa, 50 bao rau muống biển, 120kg hạt giống cây tra và mù u...
Ngoài ra, các chiến sỹ trên đảo đã ươm, chiết được 4.000 cây bản địa như: Tra, mù u, bão táp, phong ba, bàng vuông..."
Có thể thấy Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” đã chứng minh được tính thiết thực và hiệu quả, từ một chương trình của Vùng 4 Hải quân đã trở thành đề án của Tổng cục Hậu cần và được Bộ Quốc phòng nhân rộng, trở thành chương trình của toàn quân.
50 năm sau giải phóng, Trường Sa đang từng ngày "thay da đổi thịt", khoác trên mình màu áo mới, màu áo xanh của cây cỏ, của sự bình yên, phát triển.
Đặt chân lên mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc những ngày này, những người con đất Việt càng thêm yêu từng ngọn cây, ngọn cỏ, từng con sóng nơi biển xanh quê hương, để từ đó, càng thêm quyết tâm bám biển, vươn khơi, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
Bài 1: "Pháo đài thép" Trường Sa - lá chắn vững chắc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
Bài 2: Tự hào là thành đồng nơi phên giậu của Tổ quốc giữa muôn trùng sóng gió
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/hanh-trinh-phu-xanh-truong-sa-suc-song-noi-dao-xa-ngay-cang-rang-ro-post1036026.vnp