Tháng 3/2025, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhận được thông báo từ phía Myanmar, xác định có nhiều công dân Việt Nam được đưa ra từ các cơ sở cờ bạc là người nhập cư, lao động bất hợp pháp và phải rời khỏi nước này.
Số lượng công dân được xác định tăng nhanh từng ngày, từ 200 lên 400 rồi đến trên 600 người. Nhìn lại quá trình xây dựng phương án, quy trình đưa công dân về nước, ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao phải dùng hai từ "thách thức".
Ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Ảnh: Bộ Ngoại giao.
Con đường duy nhất
Ông Lương Thanh Quảng cho biết, sau khi nhận được thông báo, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an sơ bộ xác định 681 công dân đến từ 56 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Đáng nói, trong số đó có cả các đô thị lớn, văn minh, hiện đại – nơi mà tin cảnh báo về lừa đảo "việc nhẹ lương cao" được tuyên truyền, phổ biến thường xuyên trên các phương tiện báo chí.
Trong trao đổi chính thức với Bộ Ngoại giao Việt Nam, phía Myanmar khẳng định đây là các công dân vi phạm pháp luật (nhập cư bất hợp pháp, cư trú quá hạn hoặc thậm chí tham gia hoạt động tội phạm, có các các trường hợp đã được đưa về nước các đợt trước, nay lại quay lại các cơ sở cờ bạc làm việc), bị trục xuất khỏi Myanmar và đề nghị phía Việt Nam tiếp nhận họ về nước.
Nhiều nạn nhân được lực lượng vũ trang ở Myanmar giải cứu từ trung tâm lừa đảo trực tuyến. Ảnh: Reuters.
Việc xây dựng lộ trình đưa hàng trăm người Việt về nước không hề đơn giản.
Ông Quảng kể lại: "Vì tình hình an ninh phức tạp ở Myanmar, việc di chuyển từ cố đô Yangon (nơi đặt trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar) đến thị trấn Myawaddy là không khả thi".
Với tình hình thực tế tại Myawaddy và sau khi tham khảo kinh nghiệm các nước liên quan, tham vấn ý kiến các đơn vị nghiệp vụ trong nước, Cục Lãnh sự và các Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar và Thái Lan nhận định chỉ có một con đường để đưa công dân về nước.
Đó là di chuyển qua biên giới, quá cảnh lãnh thổ Thái Lan để về nước, việc này đòi hỏi thiết lập cơ chế phối hợp ba bên giữa Myanmar (nước trục xuất), Thái Lan (nước quá cảnh) và Việt Nam (nước tiếp nhận công dân), thống nhất được thời gian, hình thức, phương án cụ thể thì mới có thể đưa công dân về nước.
Sau đó, Bộ Ngoại giao nhanh chóng báo cáo Lãnh đạo Chính phủ về tình hình, các biện pháp dự kiến triển khai để xin chủ trương và bắt tay vào xây dựng từng phương án chi tiết, với nguyên tắc đưa công dân về nước sớm, bảo đảm an toàn và trật tự, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các nước đối tác.
"Phía Thái Lan cũng rất quan tâm và chỉ cho phép một lượng người nhất định đi qua lãnh thổ của họ mỗi ngày, hành trình trên đất Thái Lan được cảnh sát sở tại giám sát chặt chẽ", ông Quảng nói.
Để giải quyết, Cục Lãnh sự, các cơ quan liên quan trong nước, các Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, Thái Lan nhanh chóng phác thảo và cân nhắc từng hướng triển khai, từ việc cấp phát giấy tờ, tiếp nhận công dân, đưa qua biên giới, di chuyển công dân trên đất Thái Lan, hỗ trợ công dân lên máy bay về nước cho đến công tác tiếp nhận ở trong nước, đưa về địa phương quản lý…
"Phương án cuối cùng được lựa chọn là đưa công dân từ Myanmar nhập cảnh Thái Lan, đi bằng xe buýt từ thị trấn Mea Sot về thủ đô Bangkok, vượt quãng đường gần 500km để đến sân bay ở Bangkok và lên máy bay về nước, tổng thời gian di chuyển gần 20 tiếng mới về đến Việt Nam.
Trong suốt quá trình di chuyển sẽ có lực lượng an ninh giám sát, không để công dân trốn, ở lại bất hợp pháp trên lãnh thổ Thái Lan hoặc gây gổ, mất trật tự, an toàn cho cả đoàn", ông Quảng kể.
Để bắt đầu hành trình hơn 20 tiếng đưa công dân Việt Nam từ Myawaddy về đến Hà Nội, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, trong và ngoài nước đã phải liên tục vận động, trao đổi, phối hợp, xây dựng và hoàn thiện phương án chi tiết, bám sát các nguyên tắc đề ra…
Vì sao công dân bị tạm giữ được đưa về nước phải tự trả chi phí?
Chia sẻ về khoản chi phí để đưa công dân về nước trong trường hợp này, ông Quảng cho hay tổng chi phí dự thu của mỗi công dân là 12,2 triệu đồng bao gồm tiền thuê phương tiện đường bộ, chi phí ăn uống trên đường di chuyển, tiền vé máy bay thương mại và lệ phí cấp phát giấy tờ đi lại phù hợp.
Bởi việc đưa công dân từ Myawaddy về nước phải di chuyển hơn 500km đường bộ trên lãnh thổ Thái Lan để về đến sân bay Bangkok.
Đưa hơn 450 công dân Việt Nam bị tạm giữ tại Myanmar về nước an toàn
Việt Nam đưa thêm 221 công dân bị tạm giữ tại Myanmar về nước
Đưa 39 công dân Việt Nam đầu tiên bị tạm giữ ở Myawaddy, Myanmar về nước
Giải thích việc công dân phải tự trả chi phí, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự cho biết: "Theo quy định về việc sử dụng Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, công dân Việt Nam chỉ được ngân sách Nhà nước chi trả chi phí về nước với lý do chiến tranh, là nạn nhân của tội phạm mua bán người (được cơ quan có thẩm quyền xác định là nạn nhân).
Các trường hợp công dân vi phạm pháp luật ở nước ngoài, bị trục xuất sẽ phải tự chi trả chi phí về nước".
Để tổ chức đưa công dân về nước, Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài đã thông báo qua các địa phương nơi công dân sinh sống ở trong nước để yêu cầu nhân nhân, gia đình công dân nộp tiền tạm ứng vào quỹ.
Sau khi nhận được tiền tạm ứng, quỹ sẽ lập danh sách, thông báo để các Cơ quan đại diện chi cho việc thuê phương tiện, mua vé máy bay đưa công dân về nước, cấp phát giấy tờ đi lại cần thiết…
Sau khi công dân về nước, các Cơ quan đại diện sẽ gửi chứng từ, hóa đơn cho Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện quyết toán và thông báo tới từng cá nhân (trả lại tiền thừa hoặc yêu cầu nộp thêm nếu chi phí thực tế cao hơn số tiền nộp tạm ứng), đảm bảo công khai, minh bạch.
"Chúng tôi cũng khuyến cáo công dân tại Myanmar, cảnh giác với các thông tin giả mạo nhằm lợi dụng, trục lợi việc đưa công dân về nước.
Đây là quy trình công khai, minh bạch và có sự tham gia, giám sát của các địa phương nơi công dân cư trú ở trong nước", ông Quảng lưu ý.
Sau những nỗ lực này, trong các ngày 8/4, 28/4 và 14/5, đã có 3 nhóm công dân với tổng cộng 471 người đã về đến Việt Nam an toàn, trật tự.
Cảnh giác trước những lời mời chào, dụ dỗ đi làm việc ở nước ngoài
Vì sự an toàn của công dân Việt Nam khi ra nước ngoài, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước những lời mời chào, dụ dỗ đi làm việc ở nước ngoài với nội dung công việc không rõ ràng, không có hợp đồng lao động, không thông qua công ty phái cử lao động hoạt động hợp pháp, không có bảo hiểm… khiến người dân có thể trở thành nạn nhân của cưỡng bức lao động, lừa đảo hoặc thậm chí là của tội phạm mua bán người.
Nếu công dân có yêu cầu bất cứ thông tin gì liên quan đến quy định, quy trình hoặc các chi phí liên quan đến việc đưa công dân về nước... có thể liên hệ trực tiếp với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao hoặc với cơ quan ngoại vụ địa phương để trao đổi, làm rõ thông tin.
Trong trường hợp cần trợ giúp, công dân có thể liên hệ ngay với Tổng đài bảo hộ công dân +84 91 84 84 84 hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam nơi gần nhất.
Trang Trần