Ngày 31/1/1976, đoàn tàu đầu tiên mang tên “Đoàn tàu Thống Nhất” vượt qua đèo Hải Vân, tới ga Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh TRẦN SƠN).
Bài hát Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là bài hát đầu tiên trong hòa bình được vang lên trên sóng phát thanh, với những thanh âm và ca từ lồng lộng lay động bao trái tim đang vỡ òa trong niềm hạnh phúc của ngày vui toàn thắng: “ Bàn tay ta nắm nối trọn một vòng Việt Nam...”.
Vui sao nước mắt lại trào
Khi nhớ lại hành trình giải phóng Sài Gòn tháng 4/1975, cựu chiến binh Phạm Duy Đô - nguyên Đại đội trưởng thuộc Trung đoàn 116 Đặc công vẫn nhớ mãi nhiệm vụ đặc biệt do Thượng tướng Trần Văn Trà giao trước chiến thắng cuối cùng: Xâm nhập nội đô Sài Gòn, điều nghiên chu vi, diện tích Dinh Độc Lập và tất cả các mục tiêu phụ cận để vẽ lại. “Trong nửa tháng, tôi và hai đồng chí khác phải đóng giả địch để xâm nhập, vẽ xong bản đồ vào tháng 10/1974. Lúc đó, thủ trưởng nói sẽ có lúc cần dùng, nhưng không ngờ là chỉ sau vài tháng đã sử dụng đến”, Thượng úy Phạm Duy Đô tự hào kể. Nhờ nắm rõ chi tiết đường đi lối lại, ông trở thành một trong những người đầu tiên tiến vào và phất cao lá cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam ở tầng hai Dinh Độc Lập sáng 30/4/1975. Đại đội trưởng Phạm Duy Đô bồi hồi khi nhớ về giây phút lịch sử báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng: “Sau niềm phấn chấn, vui sướng tột cùng và tự hào lớn lao, tôi bỗng thấy lòng rưng rưng nhớ thương các đồng chí đồng đội đã ngã xuống, không được hưởng giờ phút chiến thắng thiêng liêng này...”
Các đơn vị bộ binh, xe tăng, cơ giới tiến vào giải phóng Buôn Ma Thuột (tháng 3/1975). (Ảnh tư liệu).
Trong ngày toàn thắng, niềm vui tràn ngập với nước mắt và nụ cười hội ngộ của biết bao gia đình, người thân, đôi lứa sau những năm đằng đẵng chia ly. Ông Ngô Việt Thọ (62 tuổi) là con của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thành Vân (tức Ba Đen), người đã chỉ huy Tiểu đoàn 11 gồm 17 dũng sĩ biệt động đặc công đánh vào Tòa Đại sứ Mỹ đêm mồng Một rạng sáng mồng Hai Tết Mậu Thân 1968 và là người duy nhất còn sống.
Mỗi lần nhắc đến người cha Anh hùng, ông Thọ luôn kể với niềm tự hào dù kỷ niệm về cha không nhiều. Đó là lần ông cùng người thân lên Củ Chi để hỏi tình hình sống chết của cha, rồi hai lần đến Biên Hòa, sau đó theo tàu ra đảo Phú Quốc thăm cha khi ông Ba Đen bị giam tại các địa điểm này sau trận đánh gây rúng động, ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc chiến tranh sau đó của Mỹ tại Việt Nam. Khi hay tin cha được trao trả vào năm 1973, cả gia đình mừng lắm nhưng không biết khi nào cha về.
Sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, ông Thọ được anh trai chở đến bến Bạch Đằng để ngóng tin tức; rồi chạy ra các con đường lớn mong nhìn thấy cha trong những đoàn quân giải phóng đang tiến vào Sài Gòn. “Cuối cùng hai cha con cũng gặp được nhau, ôm chặt trong niềm vui vỡ òa...”, ông Thọ nghẹn ngào xúc động.
Tin chiến thắng lan tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài như một luồng điện. Ông Lưu Thanh Dũng, nguyên Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký Hội người Việt Nam tại Pháp, kể: Tôi không thể quên khoảnh khắc đó với niềm vui tràn ngập. Ngày 1/5/1975, được nghỉ lễ, tôi lái xe từ Thủ đô Paris về tỉnh để gặp bạn bè thời sinh viên. Trên đường đi, khi nghe đài phát thanh, chợt có tin “người Mỹ di tản khỏi Sài Gòn..., chính quyền Sài Gòn sụp đổ..”. Tôi mừng quá, rơi nước mắt, vội vàng lái chiếc xe ô-tô cũ kỹ quay về Paris, liên lạc với anh chị em phụ trách phong trào cùng nhau đến quảng trường Bastille. Khi đó, tầng tầng lớp lớp công nhân lao động Pháp đi diễu hành nhân Ngày Quốc tế Lao động, còn chúng tôi hòa cùng dòng người để thể hiện niềm vui sướng, như nhạc sĩ Xuân Hồng đã viết trong bài hát Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh: “... mà niềm vui nay đến bất ngờ, ngày đi như trong đêm mơ...”.
Còn ông Cao Tất Minh, nguyên Chủ tịch Hội kiều bào tỉnh Khon Kaen (Thái Lan) nhớ lại: “Khi tin chiến thắng đến Thái Lan, tôi rưng rưng nước mắt vì xúc động và phấn khởi vô cùng. Kiều bào tại Thái Lan cũng vui mừng khôn xiết, thắng lợi này có sự đóng góp không nhỏ của mọi người. Ngay cả trong tình hình khó khăn, nghèo nàn bấy giờ, kiều bào ở đây vẫn hy sinh, dành dụm để góp phần vào công cuộc giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Nhìn lại chiến thắng 30/4/1975 và những thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được 50 năm qua, trong đó có gần 40 năm đổi mới, chúng tôi càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng”.
Sáng sớm 30/4/1975, từ khắp các hướng, quân đội ta ào ạt tiến vào Sài Gòn. Quân ta nhanh chóng chiếm được Bộ Tư lệnh Không quân và Bộ Tư lệnh Sư đoàn dù của địch, làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất. Trong ảnh: Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30/4/1975. (Ảnh tư liệu).
Là người tích cực tham gia các vào hoạt động ủng hộ Việt Nam từ giai đoạn đàm phán Hiệp định Paris, ông Gérard Daviot - nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt bày tỏ: “Mặc dù chiến tranh Việt Nam đã qua đi nửa thế kỷ, những âm hưởng về cuộc chiến tranh vẫn luôn ở trong tâm trí của tôi và nhiều người Pháp ủng hộ Việt Nam với sự khâm phục và kính nể. Những ngày tháng 5/1975, tôi đã tham gia các hoạt động ăn mừng chiến thắng với các bạn Việt Nam ở Pháp. Trong dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền nam sắp tới, tôi rất vui có mặt ở Việt Nam để hòa cùng niềm vui lớn lao với các bạn, cùng ôn lại những giai đoạn đấu tranh hào hùng và bày tỏ niềm tin mạnh mẽ vào tương lai tươi đẹp cho nhân dân Việt Nam trong những năm tới”.
“Cất cánh” giữa hòa bình
Có nhiều năm nghiên cứu tình hình Việt Nam, GS Phan Kim Nga, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc: “Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, kết thúc thắng lợi chặng đường 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975). Sự kiện này có ý nghĩa trọng đại với cả Việt Nam và cộng đồng quốc tế trong thời điểm đó và mãi về sau...
Điều quan trọng hơn là, 50 năm qua kể từ khi giành chiến thắng, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới và phát triển đất nước hết sức thành công, chứng tỏ con đường đi lên xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình đất nước”.
Chiến sĩ Bùi Quang Thận (cầm cờ, phía trước) cùng 3 chiến sĩ của Quân đoàn 2 - Binh đoàn Hương Giang tiến vào cắm cờ trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. (Ảnh tư liệu).
Sinh năm 2001, mới ngoài 20 tuổi, tốt nghiệp Khoa Thiết kế, ứng dụng và Sáng tạo Đại học Rmit Việt Nam, Trần Trọng Nghĩa hiện là Giám đốc Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định. Anh là cháu nội của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế), người đã xây nhiều hầm chứa vũ khí để đánh vào Dinh Độc Lập trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Ngay từ nhỏ, Nghĩa đã được cha kể về những chiến công của ông mình và các đồng đội; những câu chuyện như huyền thoại đã khơi dậy trong anh tình yêu với lịch sử nước nhà. Anh đã xây dựng Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định trở thành bảo tàng thông minh, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại để mỗi hiện vật đều trở nên sống động.
Điều làm Nghĩa cảm thấy vui nhất chính là ngày càng có nhiều bạn trẻ đến bảo tàng. “Nếu chúng ta biết áp dụng công nghệ, làm cho những câu chuyện lịch sử hấp dẫn hơn thì sẽ thu hút được nhiều người trẻ. Khi đã hiểu được lịch sử, qua thời gian các bạn sẽ yêu lịch sử nước nhà nhiều hơn”, Trần Trọng Nghĩa chia sẻ.
Hòa bình đã mở ra những cơ hội chưa từng có, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước giàu mạnh. TS Trần Đình Cường - Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn Ernst & Young Việt Nam nhớ lại: “Đầu những năm 1990, khi tiếp xúc với các doanh nhân hoặc bạn bè nước ngoài, mỗi lần nhắc tới Việt Nam tôi luôn cảm thấy sự ngạc nhiên, tò mò và thông cảm từ họ.
Trong quan niệm của họ, cái tên Việt Nam gắn chặt với chiến tranh, lạc hậu và đói nghèo. Vậy mà hôm nay, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế mở, năng động và phát triển nhanh nhất thế giới. Quả là sự thay đổi vô cùng ấn tượng và thần kỳ”.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay (Ảnh: ĐĂNG ANH).
Đại sứ Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ nhìn nhận: Nhìn lại 50 năm qua, quan hệ Việt-Mỹ từng có chiến tranh gây bao đau thương cho nhân dân Việt Nam và cả nỗi đau ngay trong lòng nước Mỹ, để vượt qua hậu quả chiến tranh không phải là câu chuyện dễ dàng.
Chủ trương quan trọng của Việt Nam là xếp lại quá khứ, hướng tới tương lai; chúng ta đã nỗ lực xử lý những vấn đề tồn tại của chiến tranh, trong đó có hoạt động nhân đạo là tìm kiếm hài cốt lính Mỹ tại Việt Nam. Và không chỉ rất nhiều người Mỹ vốn là bạn bè, từng ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh mà cả những cựu chiến binh Mỹ, trong đó nhiều người đã trở thành chính khách của nước Mỹ - những người có băn khoăn về quá khứ chiến tranh và nỗi đau của Việt Nam, đã trở thành cầu nối tình hữu nghị gắn kết hai nước…
Từ năm 1995 đến nay, mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực. Hai bên thường xuyên trao đổi, tham vấn thúc đẩy quan hệ; không chỉ giới lãnh đạo cấp cao mà các đời Tổng thống Mỹ đều đã sang thăm Việt Nam, như: Bill Clinton, Bush, Obama, Trump, Biden. Năm 2013, quan hệ hai nước trở thành Đối tác toàn diện, đến năm 2023 nâng lên thành Đối tác chiến lược toàn diện. Đến nay, lập trường xuyên suốt của Mỹ là luôn ủng hộ một Việt Nam độc lập, thịnh vượng và vững mạnh…
Theo TS Trần Đình Cường, giữa bối cảnh thế giới vô cùng bất định, Việt Nam đang ở một bước ngoặt mới với nhiều cải cách chưa từng có. Cơ hội và thách thức trong giai đoạn này là tối ưu hóa giá trị của hòa bình để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045… Việt Nam cần những động lực tăng trưởng mới: nâng cao năng suất lao động và tăng trưởng đầu tư. Do đó, việc tinh giảm bộ máy, nhấn mạnh vào phát triển khoa học-công nghệ và tăng cường năng lực khu vực kinh tế tư nhân là vô cùng đúng đắn...
Sau 50 năm thống nhất, hòa bình đã giúp Việt Nam ra thoát khỏi đói nghèo, bước lên vũ đài thế giới với một tâm thế và vai trò mới. Giá trị của hòa bình trong giai đoạn tiếp theo là phải giúp Việt Nam bước lên nấc thang mới, nấc thang của các quốc gia phát triển.
NHÓM PHÓNG VIÊN