Thượng tá Nguyễn Văn Chuyên (Trưởng phòng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk) cho biết, vụ án được làm rõ, xử lý nghiêm nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và làm bài học cảnh tỉnh những đối tượng tham gia vào hoạt động sản xuất, quảng bá, kinh doanh phân bón giả; gây thiệt hại lớn đến bà con nông dân; gây bức xúc trong dư luận xã hội suốt nhiều năm qua. Theo đó, những năm gần đây, vườn cây nông sản chủ lực của bà con một số tỉnh Tây Nguyên nhờ áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến đã cho năng suất cao; giá cà phê, tiêu, sầu riêng... tăng nên người dân đầu tư phân bón mạnh để tăng sản lượng. Việc bón phân kém chất lượng, phân giả sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm, thất thu vụ mùa, gây thiệt hại cho người nông dân.
Đầu tháng 01/2025, qua công tác nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện một lượng lớn phân bón do Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) B.D (ở xã Hòa Xuân, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) xuất bán có dấu hiệu nghi vấn. Số phân bón này do Công ty CP Tập đoàn phân bón Quốc tế Hoa Kỳ - VINA (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) sản xuất. Ngay sau đó, cơ quan Công an đã gửi các mẫu phân đi giám định đã cho kết quả tỉ lệ thành phần Kali hữu hiệu và Lân hữu hiệu đều dưới 70% so với hàm lượng trên bao bì sản phẩm. Ngày 07/01, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk khám xét 3 địa điểm kinh doanh phân bón của DNTN B.D trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột; thu giữ 215 bao phân bón.
Căn biệt thự hoành tráng của vợ chồng bị can My
Truy xét tận gốc, ngày 08/01, Cơ quan CSĐT khám xét khẩn cấp trụ sở và kho sản xuất của Công ty CP Tập đoàn phân bón quốc tế Hoa Kỳ - VINA do Bùi Minh Chánh làm Tổng giám đốc, thu giữ 4.724 bao phân bón (loại 50kg/bao), hơn 2.200 tấn nguyên liệu cùng nhiều tang vật. Cùng lúc, lực lượng chức năng khám xét Công ty CP thương mại phân bón Nam Dương (tỉnh Bình Định) do Nguyễn Thị Cẩm My (vợ của Chánh) làm Tổng giám đốc, thu giữ 5.540 bao phân bón và hơn 1.800 tấn nguyên liệu, hơn 463.000 bao bì, 2 dây chuyền sản xuất phân bón cùng nhiều tang vật liên quan.
Đến ngày 03/02, Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra các quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh tạm giam Nguyễn Thị Cẩm My cùng chồng là Bùi Minh Chánh (SN 1982, cùng trú TP.Hồ Chí Minh) và 2 kế toán là Võ Thị Hồng Nhung (SN 1992), Nguyễn Dương Thịnh (SN 1989, cùng trú tỉnh Bình Định) để điều tra, xử lý về hành vi sản xuất phân bón giả.
Tại cơ quan Công an, vợ chồng My khai do giá nguyên liệu Kali tăng cao, nguồn nguyên liệu khan hiếm vì phải nhập khẩu từ nước ngoài nên để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, cả hai đã ban hành định mức áp dụng công thức sản xuất phân bón cụ thể đối với từng mã sản phẩm. Trong đó, có những loại phân bón NPK có hàm lượng Kali thấp, có những loại không có hàm lượng Kali. Sau đó, vợ chồng My chỉ đạo nhân viên, công nhân tiến hành sản xuất phân bón theo định mức đã ban hành và bán ra thị trường với giá từ 8.000 đồng đến 13.000 đồng/kg.
Vợ chồng Chánh - My
Để quảng cáo, buôn bán phân bón ra thị trường các địa phương như: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP.Đà Nẵng và TPHCM, vợ chồng bà My thành lập thêm 7 công ty. Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn phân bón Monaco, Công ty CP Tập đoàn phân bón Agium - Canada, Công ty CP Tập đoàn phân bón Ukraine, Công ty CP Tập đoàn phân bón Ngọc Thiên Kim, Công ty CP Tập đoàn phân bón Quốc tế Hòa Kỳ - SRV, Công ty CP Tập đoàn phân bón Quốc tế Israel - Chemical, Công ty CP Tập đoàn phân bón Chín Con Rồng.
Mở rộng điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã làm việc với 32 đại lý phân bón trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và tạm giữ 848 tấn phân bón. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định trong năm 2023, vợ chồng My đã sản xuất và bán ra thị trường trên 13.000 tấn phân bón; năm 2024 với số lượng trên 16.000 tấn phân bón.
Lực lượng chức năng khám xét, thu giữ hàng ngàn bao phân giả tại 2 công ty
Quá trình xác minh, Cơ quan công an xác định, Công ty CP thương mại phân bón Nam Dương được Phòng đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với vốn điều lệ 18,9 tỷ đồng. Trong đó, My nắm 70% cổ phần, Chánh 25% cổ phần. Công ty này được Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam cho 12 loại phân bón. Còn Công ty CP Tập đoàn phân bón Quốc tế Hoa Kỳ - Vina được Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Chánh làm Tổng giám đốc; My làm Phó tổng giám đốc, được Cục Bảo vệ thực vật cấp các quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam cho 5 loại phân bón và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón (!).
Như vậy, việc các đối tượng sản xuất phân bón kém chất lượng bán ra thị trường hàng vạn tấn mỗi năm, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng có sự "dễ dãi" của các cơ quan chức năng, có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón mà thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến việc họ lợi dụng, sản xuất phân bón kém chất lượng tràn lan, bán ra thị trường. "Chúng tôi kiến nghị làm rõ trách nhiệm các cơ quan chuyên môn để thực trạng sản xuất phân bón giả kéo dài. Đồng thời, đề nghị các đại lý mua phân bón của 2 công ty trên giao nộp cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định" - Thượng tá Chuyên cho biết.
Vụ án vẫn đang được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk mở rộng điều tra, làm rõ.
Hà Anh