Hành trình về nguồn ý nghĩa của Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam

Hành trình về nguồn ý nghĩa của Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam
7 giờ trướcBài gốc
Tham gia hành trình về nguồn có đồng chí Lê Quang Toán - Phó Chủ tịch thường trực Hội CCB Tập đoàn; đồng chí Nguyễn Văn Định - Phó Chủ tịch Hội CCB Tập đoàn; cùng các đồng chí CCB hưu trí, CCB các hội trực thuộc Hội CCB Tập đoàn.
Điểm đến đầu tiên của đoàn là Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, đoàn đã đến dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Di tích lịch sử lán Tỉn Keo, Nhà trưng bày ATK Định Hóa.
Đoàn tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa.
Đoàn bày tỏ lòng thành kính trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong không khí thiêng liêng, đoàn đã dâng hương bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ - Vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân, đất nước, Người đã dành trọn đời cống hiến cho dân tộc Việt Nam. Trước anh linh của Người, các đại biểu nguyện một lòng đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn; tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; tích cực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ".
Các CCB dâng hương thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân, đất nước.
Sau lễ dâng hương, đoàn đã tham quan “địa chỉ đỏ” Tỉn Keo, được coi là “trái tim” của chiến khu ATK Định Hóa xưa. Ngày 6/12/1953, tại nơi này, Bác Hồ chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 1/1/1954, cũng tại Tỉn Keo, Bộ Chính trị đã họp, chỉ định cơ quan lãnh đạo và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy.
Mang theo lời căn dặn của Bác Hồ “Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”, ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rời chiến khu ATK Định Hóa, cầm quân tiến ra mặt trận Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu/Chấn động địa cầu”.
Các CCB nghe hướng dẫn viên giới thiệu về lán Tỉn Keo - nơi Bác Hồ dừng chân để cùng Bộ Chính trị chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị cùng Quân ủy TW thông qua Kế hoạch tác chiến Đông - Xuân (1953-1954) được treo tại lán Tỉn Keo.
Cũng tại đây, đoàn đã ghé thăm Nhà trưng bày ATK Định Hóa. Nơi đây được thiết kế theo kiến trúc nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày - Nùng. Tầng 1 là nơi đón tiếp khách tham quan, đồng thời là nơi triển lãm chuyên đề. Tầng 2 trưng bày gần 400 tài liệu, hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, cùng các lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954).
Các CCB tham quan hiện vật lịch sử tại Nhà trưng bày ATK Định Hóa.
Điểm đến tiếp theo, đoàn di chuyển đến Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang. Tại đây, đoàn đã đến dâng hương tại đình Tân Trào, lán Nà Nưa, Nhà tưởng niệm 14 vị tiền bối cách mạng.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại đình Tân Trào.
Đình Tân Trào ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, là nơi diễn ra Quốc dân Đại hội - sự kiện lịch sử trọng đại tạo tiền đề cho Cách mạng Tháng Tám thành công. Đình Tân Trào trước đây có tên là Kim Long, được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 6 (năm 1853) nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của dân làng.
Các CCB nghe hướng dẫn viên thuyết minh về lịch sử đình Tân Trào.
Do nằm trên mảnh đất có vị trí chiến lược về mặt quân sự, bốn bề là núi rừng bao bọc, đình Tân Trào đã được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội trong hai ngày 16 và 17/8/1945. Tại đây, Đại hội đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa của Đảng; thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh; quy định quốc kỳ của Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng, quốc ca là bài "Tiến quân ca" và bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam - tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Dưới mái đình này, sáng ngày 17/8/1945, thay mặt Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ trong lễ ra mắt quốc dân.
Đồng chí Lê Quang Toán - Phó Chủ tịch thường trực Hội CCB Tập đoàn đại diện đoàn thắp nén tâm hương tại hòn đá thiêng, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ trước Quốc dân Đại hội
Cách đình Tân Trào khoảng 500 m về phía đông là cây đa Tân Trào - một trong những biểu tượng của quê hương cách mạng Tân Trào. Dưới gốc đa này, ngày 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1, chính thức phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngay sau đó, quân Giải phóng Việt Nam đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân xã Tân Trào cùng 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại cây đa Tân Trào - biểu tượng của quê hương cách mạng Tân Trào.
Tiếp đó, đoàn đã đến dâng hương tại lán Nà Nưa nằm trong khu rừng Nà Nưa, thuộc dãy núi Hồng (lán do Bác Hồ trực tiếp đi chọn địa điểm). Lán Nà Nưa nằm kín đáo dưới các tán cây rậm rạp, bảo đảm bí mật và đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra: Gần nước, gần dân, xa quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái. Lán được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi, xung quanh được thưng bằng vách nứa đan nong mốt, nửa phía trên vách đan để chừa những ô thoáng nhỏ lấy ánh sáng, mặt sàn làm bằng phên nứa. Phía dưới đầu sàn là phiến đá rộng và phẳng, nơi Bác thường ngồi làm việc, đánh máy chữ mỗi khi trời tối.
Các CCB nghe giới thiệu về lán Nà Nưa.
Tại lán Nà Nưa, Bác Hồ đã chỉ thị thành lập Khu giải phóng gồm 6 tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Hà Giang - Tuyên Quang - Thái Nguyên; thống nhất các lực lượng vũ trang lại là Quân Giải phóng.
Ngày 12/8/1945, nhận được tin Nhật đầu hàng đồng minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị mệnh lệnh tổng khởi nghĩa trong cả nước. Từ ngày 13 - 15/8/1945, tại khu rừng Nà Nưa, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng khai mạc trong không khí hết sức khẩn trương. Theo Quyết định của Hội nghị, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập, gồm 5 đồng chí, do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo; thành lập Bộ Tư lệnh giải phóng quân Việt Nam. Cùng với đó, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.
Đoàn dâng hương tại Nhà tưởng niệm 14 vị tiền bối cách mạng.
Điểm đến tiếp theo là Nhà tưởng niệm 14 vị tiền bối cách mạng - công trình nổi bật, được xây dựng tại vị trí sau cổng chào Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, trên một khu đất bằng phẳng, diện tích trên 1.000 m2. Với lối kiến trúc cổ kính từ các hạng mục như cổng, trụ đá, gác trống, lầu chuông, nhà lưu niệm, tường rào bao quanh, nhìn tổng thể khu tưởng niệm tựa như đóa sen đang nở.
Nhà tưởng niệm được thiết kế với mái vòm cong vút cùng với trụ cột gỗ, đá, vững chãi, không gian thoáng rộng, tĩnh lặng. Ở gian giữa là ban thờ được bài trí trang trọng, bức hoành phi treo trên cao với bốn chữ “Chính - Đại - Quang - Minh”. Hai bên là hai dãy tượng thờ 14 vị tiền bối cách mạng gồm các đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương, Hồ Tùng Mậu, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh và Tố Hữu.
Các CCB nghe giới thiệu về 14 vị tiền bối cách mạng.
Điểm đến cuối cùng trong chuyến hành trình về nguồn của các CCB là Đền Hùng - nơi thờ 18 đời vua Hùng Vương và tôn thất của nhà vua, những người đã có công dựng nước, được xem là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam.
Đoàn tham quan Đền Hùng - nơi thờ cúng 18 đời vua Hùng Vương và tôn thất của nhà vua.
Theo các tài liệu lịch sử, quần thể Đền Hùng bắt đầu được xây dựng trên núi Hùng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng (năm 968 - 979). Sau đó, đến khoảng thế kỷ XV, dưới thời Hậu Lê, toàn bộ khu di tích được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện nay.
Đền Hùng có tổng diện tích 845 ha với 4 ngôi đền, 1 ngôi chùa, 1 lăng, cùng nhiều hạng mục kiến trúc khác, phân bố từ chân núi lên đến đỉnh núi, hài hòa với tổng thể cảnh quan hùng vĩ. Qua thời gian, nhiều di tích trong quần thể Đền Hùng đã được tôn tạo và xây dựng bổ sung nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, nghiêm trang.
Đồng chí Nguyễn Văn Định - Phó Chủ tịch Hội CCB Tập đoàn cùng các CCB dâng hương tại Đền Thượng.
Suốt hàng ngàn năm qua, Đền Hùng là biểu tượng linh nghiêm, tôn kính, gắn liền với đời sống văn hóa tín ngưỡng của dân tộc. Lễ giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm đã đi vào tiềm thức mỗi người Việt Nam với câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi - Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”.
Các CCB chụp ảnh lưu niệm tại Đền Giếng - nơi có bia đá khắc lời Bác Hồ căn dặn.
Cách đây 70 năm, ngày 19/9/1954, Hồ Chủ tịch đã về thăm khu tưởng niệm tổ tiên chung của cả dân tộc, dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Tại đây, trong cuộc gặp gỡ các cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn 308 Quân Tiên phong trước khi đơn vị về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Người đã căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Lời căn dặn thiêng liêng ấy không chỉ dành cho Đại đoàn Quân Tiên phong mà cho toàn quân, không chỉ với nhân dân Phú Thọ mà còn với nhân dân cả nước, và đến hôm nay vẫn còn vang vọng trong tâm trí của mỗi người dân đất Việt. Đó là nguồn cổ vũ, động viên, trở thành ý chí của toàn quân và toàn dân vượt qua khó khăn, thách thức, giành nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Hành trình về nguồn đã khép lại, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho các CCB, giúp mọi người hiểu hơn về lịch sử dân tộc, truyền thống anh hùng, qua đó động viên các thế hệ CCB sẽ tiếp tục phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, khơi dậy truyền thống hào hùng, bất khuất của dân tộc, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Minh Đức
Nguồn PetroTimes : https://petrovietnam.petrotimes.vn/hanh-trinh-ve-nguon-y-nghia-cua-hoi-ccb-tap-doan-dau-khi-quoc-gia-viet-nam-722338.html