Tiếng gọi từ Hải Phòng - Khởi nguồn hành trình phản chiến
Ông Hikawa Hiroshi với tác phẩm “Ngôi làng chiến tranh” (tác giả Katsuichi Honda), nguồn cảm hứng thôi thúc ông đứng lên đòi công lý cho nhân dân Việt Nam. Ảnh: Xuân Giao/PV TTXVN tại Nhật Bản
Trưởng thành trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam leo thang, quân đội Mỹ ném bom miền Bắc và gia tăng các hoạt động chiến tranh nhằm vào người dân, ông Hikawa sớm hình thành tư tưởng yêu chuộng công lý và phản đối bạo lực.
Bài báo của nhà báo Omori Minoru viết về vụ Mỹ ném bom trường học ở Hải Phòng năm 1965 phơi bày bộ mặt thật của cuộc chiến tranh mà Mỹ đang tiến hành đã khiến ông Hikawa bàng hoàng. Bài viết đã phản ánh chân thật sự tàn khốc của chiến tranh và cho thấy những tuyên truyền của Chính phủ Mỹ hoàn toàn sai lệch: bom Mỹ không chỉ nhằm vào cứ điểm quân sự mà còn trực tiếp nhắm vào trường học, bệnh viện và dân thường.
Tháng 5/1968, ông Hikawa đã đọc tác phẩm “Ngôi làng chiến tranh” của tác giả Katsuichi Honda, một nhà báo ở miền Nam Việt Nam trong thời gian từ 1966 - 1968. Sự thật kinh hoàng về vụ thảm sát Mỹ Lai được kể lại trong tác phẩm khiến cho ngọn lửa phản chiến trong ông càng bùng lên mạnh mẽ.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Tokyo, ông nêu rõ: “Tác phẩm ‘Ngôi làng chiến tranh’ viết rất nhiều về miền Nam. Từ tác phẩm này tôi đã biết về những hành động cực kỳ tàn ác và vô nhân đạo của quân đội Mỹ. Một cuốn sách nữa đã làm tôi quyết định tham gia phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam là tác phẩm ‘Viết trên đá’ của nhà báo Omori Minoru viết rất nhiều về Bắc Việt Nam. Nhà báo Omori Minoru viết về hành động Mỹ ném bom thành phố Hải Phòng, miền Bắc Việt Nam vào năm 1965. Quân đội Mỹ đã ném bom tất cả các cơ sở, bao gồm cả bệnh viện và trường học. Vì vậy, hai cuốn sách này có ảnh hưởng lớn nhất đến tôi”.
Tác phẩm “Ngôi làng chiến tranh” của tác giả Katsuichi Honda, xuất bản tháng 5/1968, viết về vụ thảm sát Mỹ Lai tại Việt Nam Ảnh: Xuân Giao/PV TTXVN tại Nhật Bản
Kể từ thời điểm đó, cuộc đời ông Hikawa gắn liền với các cuộc biểu tình, tuần hành và hành động phản kháng ôn hòa, với khát vọng duy nhất: chấm dứt chiến tranh, mang lại hòa bình cho đất nước Việt Nam xa xôi nhưng đầy kiên cường.
Từ năm 1967 - 1975, ông tích cực tham gia phong trào phản chiến do Đảng Cộng sản Nhật Bản tổ chức trên toàn quốc, kiên quyết lên án chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam và ủng hộ quyết tâm kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Năm 1970, sau quá trình hoạt động tích cực trong Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Nhật Bản, ông chính thức được kết nạp vào Đảng Cộng sản Nhật Bản và từ đó tham gia các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh với tư cách một đảng viên.
Các cuộc biểu tình được tổ chức theo nhiều hình thức. Có thời điểm, ông tham gia các cuộc biểu tình chặn vận chuyển khí tài quân sự Mỹ vào cảng biển Nagasaki để đưa sang chiến trường Việt Nam. Ông cùng các đồng chí khoác tay, tạo thành hàng rào chặn các đoàn xe tải chở khí tài vào cảng. Các hoạt động phản đối còn diễn ra tại các cơ sở quân sự được sử dụng để bảo trì xe tăng, vũ khí trước khi gửi sang chiến trường Việt Nam.
Phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam còn được Đảng Cộng sản Nhật Bản tổ chức bằng các cuộc mít tinh, biểu tình vào Ngày Quốc tế Lao động hằng năm. Các cuộc mít tinh, biểu tình này diễn ra tại các công viên, không chỉ thu hút các đảng viên Đảng Cộng sản mà còn cả thành viên của các công đoàn lao động.
Ông Hikawa kể lại: “Tôi đã tham gia các hoạt động phản chiến, từ việc ngăn chặn đưa tàu Enterprise Sasebo sang chiến trường Việt Nam đến tham gia các cuộc biểu tình, tuần hành phản đối chiến tranh đo Đảng Cộng sản Nhật Bản tổ chức. Trước khi được kết nạp Đảng Cộng sản Nhật Bản, tôi đã hoạt động trong Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Nhật Bản. Tôi trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Nhật Bản vào năm 1970. Trong suốt thời gian tham gia phong trào phản chiến từ năm 1967 - 1975, tôi nhớ nhất là cuộc biểu tình, mít tinh vào ngày 1/5/1975, một ngày sau chiến thắng 30/4 của nhân dân Việt Nam. Hàng nghìn người đã tham gia cuộc mít tinh trong tinh thần hào hứng, vui mừng trước chiến thắng của nhân dân Việt Nam, đồng thời tự hào vì cảm thấy đã đóng góp được một phần công sức cho chiến thắng này”.
Hai trái tim hòa cùng nhịp đập
Ý chí của ông Hikawa càng trở nên vững vàng hơn khi ông gặp một người đồng hành lý tưởng: đó chính là người vợ vừa là hậu phương vững chắc vừa là người đồng chí sát cánh với ông trong suốt những năm tháng tranh đấu cho nhân dân Việt Nam.
Trước khi gặp ông Hikawa, bà Hikawa Naoko là người phụ nữ không quan tâm nhiều đến chính trị. Khi còn là học sinh trung học, bà từng nghe giáo viên nhắc đến chiến tranh Việt Nam nhưng những kiến thức đó vẫn còn rời rạc và xa vời. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ định mệnh với ông Hikawa đã mở ra một nhận thức mới. Trong thời gian hai người tìm hiểu, bà được ông kể cho nghe những câu chuyện đau thương và bất công mà nhân dân Việt Nam đang gánh chịu dưới bom đạn của chiến tranh.
Sự thấu cảm lớn dần trong trái tim bà, thôi thúc bà bước vào con đường hoạt động phản chiến, cùng ông Hikawa tham gia các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh do Đảng Cộng sản Nhật Bản tổ chức. Từ tình yêu cá nhân, họ đã cùng nhau chia sẻ một lý tưởng lớn: Lý tưởng vì hòa bình và công lý cho nhân dân Việt Nam.
Năm 1970, họ kết hôn và hai năm sau đón chào con gái đầu lòng. Dù bận rộn với cuộc sống gia đình và thiên chức làm cha mẹ nhưng tinh thần phản chiến trong họ chưa bao giờ nguội lạnh. Những buổi biểu tình, những cuộc tuần hành, những buổi tọa đàm lên án chiến tranh vẫn có sự hiện diện đều đặn của hai vợ chồng. Tình yêu của họ không chỉ được nuôi dưỡng bằng sự sẻ chia trong đời sống thường nhật, mà còn bằng sự đồng hành trên con đường đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam. Chính sự kiên định và bền bỉ đó đã làm nên một hình mẫu đẹp về tình yêu lý tưởng và trách nhiệm xã hội trong bối cảnh thời đại đầy biến động.
Bức ảnh kỷ niệm gia đình ông Hikawa Hiroshi, Đảng viên Đảng Cộng sản Nhật Bản, trong một chuyến du lịch mùa Hè năm 1975 do Đảng Cộng sản Nhật Bản tổ chức để mừng thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Ảnh: Xuân Giao/PV TTXVN tại Nhật Bản
Bà Hikawa Naoko chia sẻ: “Khi còn là học sinh, không phải là không quan tâm mà nói đúng hơn là tôi không biết gì về các phong trào chính trị. Trong giai đoạn trung học, có một giáo viên của tôi đã kể cho chúng tôi nghe về chiến tranh Việt Nam và quan điểm của giáo viên đó cũng giống như ông Hikawa và cũng tham gia phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam. Tôi đã gặp ông Hikawa và kết hôn, và sau đó, chúng tôi bắt đầu có cùng quan điểm. Giống như ông Hikawa, khi có cuộc biểu tình, tôi muốn đi nên tôi đã đi cùng anh ấy. Vào thời điểm đó, các phong trào sinh viên và những thứ tương tự như vậy rất, rất sôi động. Năm 1970, chúng tôi kết hôn và năm 1972, chúng tôi có con gái đầu lòng. Việc tham gia các phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam của chúng tôi không hề bị ảnh hưởng. Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì tham gia đều đặn cho đến cuộc mít tinh cuối cùng liên quan đến chiến tranh Việt Nam vào ngày 1/5/1975”.
Ngày 1/5/1975, chỉ một ngày sau khi Việt Nam giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, vợ chồng ông Hikawa cùng hàng nghìn người dân Nhật Bản tham gia cuộc biểu tình cuối cùng liên quan đến chiến tranh Việt Nam – cũng là cuộc biểu tình lớn nhất, tưng bừng nhất và xúc động nhất. Không khí ngày hôm đó tràn ngập sự hân hoan, tiếng hô vang chiến thắng và niềm tự hào lan tỏa. Những người đã nhiều năm xuống đường phản đối chiến tranh, như vợ chồng ông Hikawa, cảm thấy hạnh phúc tột cùng khi biết rằng máu và nước mắt của nhân dân Việt Nam cuối cùng cũng mang lại một nền hòa bình thống nhất. Đó không chỉ là chiến thắng của một dân tộc, mà còn là chiến thắng của công lý, của tinh thần nhân ái và đoàn kết quốc tế mà ông bà Hikawa đã dành trọn niềm tin suốt gần một thập kỷ.
Kiên định lý tưởng đã chọn
Sau khi hoàn thành 25 năm hoạt động liên tục trong Đảng Cộng sản Nhật Bản, vợ chồng ông Hikawa đã được trao tặng huy hiệu Đảng viên suốt đời - một phần thưởng cao quý ghi nhận sự tận tâm, kiên trì và lý tưởng không thay đổi của họ. Đối với ông Hikawa, đây không chỉ là một cột mốc vinh dự trong cuộc đời hoạt động, mà còn là minh chứng cho tình yêu và sự đồng hành bền vững giữa hai con người cùng chung chí hướng. "Tôi và vợ sẽ mãi mãi là đảng viên Đảng Cộng sản Nhật Bản", ông Hikawa chia sẻ với niềm tin vững chắc - một lời khẳng định giản dị nhưng đầy sức nặng về lý tưởng sống mà họ đã lựa chọn và trung thành suốt cuộc đời.
Ngày nay, khi nhìn lại chặng đường đã qua, ông Hikawa Hiroshi vẫn giữ trọn niềm tin. Với ông, những năm tháng xuống đường vì Việt Nam không chỉ là ký ức đẹp mà còn là minh chứng cho sức mạnh của lòng nhân ái và sự liên kết giữa các dân tộc yêu chuộng hòa bình. Câu chuyện của vợ chồng ông không chỉ là biểu tượng của tinh thần phản chiến, mà còn là ngọn lửa truyền cảm hứng cho thế hệ mai sau về trách nhiệm công dân, lòng dũng cảm và sự kiên định với chính nghĩa.
Cuộc đời và hành trình của ông Hikawa Hiroshi đã trở thành một phần lịch sử trong phong trào quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Với trái tim đã đập cùng nhịp với người dân Việt Nam trong khói lửa chiến tranh, những người đồng chí Nhật Bản như ông Hikawa Hiroshi và vợ, là một biểu tượng đẹp về tình đoàn kết quốc tế, sự hỗ trợ giữa các dân tộc yêu chuộng hòa bình và chống chiến tranh trên toàn thế giới.
Nguyễn Tuyến - Phạm Tuân - Xuân Giao (TTXVN)