Hành trình xanh bền bỉ

Hành trình xanh bền bỉ
3 giờ trướcBài gốc
Những chuyến đi thực tế giúp các bạn sinh viên thêm yêu ngành học
Gieo hạt trên vùng đất mới
Với tên gọi ban đầu là Bộ môn Khoa học Môi trường, đơn vị non trẻ này được giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân trong một lĩnh vực mà vào thời điểm đó còn khá mới mẻ – khoa học môi trường. “Tôi còn nhớ lớp sinh viên đầu tiên chỉ vỏn vẹn vài chục người, vừa học vừa khám phá những khái niệm chưa từng hiện diện trong chương trình phổ thông. Phòng học còn chật, thiết bị thí nghiệm còn thiếu, đội ngũ giảng viên chỉ vỏn vẹn vài người, nhưng tất cả cùng chia sẻ một tinh thần tiên phong: Vì một nền giáo dục môi trường hiện đại, thực tiễn và gắn với cuộc sống", PGS. TS. Lê Văn Thăng, Trưởng khoa đầu tiên của Khoa Môi trường nhớ lại.
Từ những buổi đầu thiếu thốn, bộ môn đã từng bước trưởng thành. Năm 2005, đơn vị chính thức được nâng cấp thành Khoa Môi trường. Các chương trình đào tạo được mở rộng, đội ngũ cán bộ liên tục được bồi dưỡng nâng cao, phòng thí nghiệm được bổ sung trang thiết bị hiện đại nhờ vào các đề tài, dự án hợp tác. Những hạt mầm môi trường đầu tiên bắt đầu nảy xanh trong lòng Huế.
“Tính đến nay, khoa đã đào tạo 19 khóa cử nhân và 14 khóa thạc sĩ khoa học môi trường, cung cấp hơn 1.000 cán bộ kỹ thuật, nhà quản lý và giảng viên cho các tỉnh, thành cả nước. Cựu sinh viên của khoa hiện đang công tác tại nhiều đơn vị khác nhau, từ các sở tài nguyên - môi trường, ban quản lý dự án, doanh nghiệp tư nhân đến các tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường..”, PGS. TS. Hoàng Công Tín, Trưởng khoa Môi trường chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở đào tạo đại học và sau đại học, khoa còn tích cực tham gia các chương trình hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo với các trường đại học trong và ngoài nước. Đây chính là cầu nối để sinh viên, học viên tiếp cận với kiến thức, kỹ năng hiện đại, có cơ hội hội nhập và đóng góp cho môi trường sống không chỉ trong nước mà còn ở tầm khu vực.
Bền bỉ vun đắp mầm xanh tri thức
Nhiều đề tài nghiên cứu của khoa có sự tham gia của các sinh viên đã chứng tỏ được tính ứng dụng cao trong thực tiễn, đưa ra những giải pháp mới để bảo vệ môi trường, như dự án “Chuyến đi của rơm” hay “Làm màng bọc thực phẩm phân hủy sinh học BioDF”. “Nhờ việc tham gia vào các dự án do khoa môi trường chủ trì thực hiện, các sinh viên tìm ra được hướng đi mới cho bản thân, trui rèn đam mê nghiên cứu khoa học và không ngừng tìm tòi, sáng tạo, qua đó rèn luyện kiến thức và có những trải nghiệm đáng nhớ”, ThS. Ngô Hữu Bình, chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ môi trường miền Trung cho biết.
Các giảng viên của khoa còn là những người luôn tiên phong trong đổi mới giảng dạy và quản lý: áp dụng công nghệ số trong điều hành, chuyển đổi số tài liệu học tập, tích cực tổ chức thuyết trình, hội thảo học thuật, phát triển nhóm nghiên cứu mạnh, mở rộng hợp tác doanh nghiệp, liên kết hướng nghiệp với các trường phổ thông. “Các giảng viên không ngại thử những phương pháp dạy mới như microlearning, hay tạo cho sinh viên những chuyến đi thực tế để tìm hiểu và trải nghiệm về môi trường ở nhiều nơi. Nhờ đó, chúng em tích lũy được thêm nhiều kiến thức, có thêm nhiều vốn sống, và ngày càng tự tin theo đuổi ước mơ môi trường của bản thân”, Đoàn Minh Vũ, sinh viên Khoa Môi trường chia sẻ.
Thành tựu đào tạo và nghiên cứu của khoa còn thể hiện qua hàng chục đề tài cấp bộ, cấp tỉnh và hợp tác quốc tế được triển khai mỗi năm, cùng với hàng trăm bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu của cán bộ khoa đã tiếp cận những vấn đề nóng như biến đổi khí hậu, ô nhiễm nước, phát triển đô thị bền vững... mang tính định hướng chiến lược cho khu vực miền Trung.
Với nhiều thành tích nổi bật, tập thể Khoa Môi trường nhiều năm liền được công nhận là đơn vị Lao động xuất sắc, được nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT; hai lần được tặng Cờ thi đua cấp Bộ...
Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/giao-duc/hanh-trinh-xanh-ben-bi-153451.html