Hành vi tự ý bán đất đang có tranh chấp có thể bị phạt đến 100 triệu đồng

Hành vi tự ý bán đất đang có tranh chấp có thể bị phạt đến 100 triệu đồng
7 giờ trướcBài gốc
Luật sư Tống Chí Cường.
- Luật sư Tống Chí Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Theo khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2024, đất đang có tranh chấp là thửa đất có tranh chấp đất đai mà đang trong quá trình được cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau:
Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 và điểm a khoản 4 Điều 127 của Luật Đất đai 2024.
Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật.
Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
Trong thời hạn sử dụng đất.
Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định, nếu muốn bán đất phải đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên, trong đó có điều kiện là đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật. Hay nói cách khác, pháp luật hiện nay không cho phép mua bán đất có tranh chấp.
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định hành vi chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đủ một trong các điều kiện theo quy định nêu trên thì hình thức và mức xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi thừa kế hoặc tặng cho quyền sử dụng đất. Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi cho thuê hoặc cho thuê lại hoặc thế chấp bằng quyền sử dụng đất. Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi chuyển nhượng hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Lưu ý: Mức phạt nêu trên là mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, hành vi chuyển nhượng đất đang có tranh chấp có thể bị phạt từ 30 - 50 triệu đồng đối với cá nhân và từ 60 - 100 triệu đồng đối với tổ chức. Do đó, ông A có hành vi cố tình bán đất đang có tranh chấp có thể bị phạt tiền lên tới 50 triệu đồng.
Tại khoản 7 Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định, cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
Như vậy, việc ngăn chặn giao dịch đất đang tranh chấp cũng là một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Căn cứ khoản 1 Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
Như vậy, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn giao dịch đất đang tranh chấp. Để yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bạn phải làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền. Và tùy theo yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà người yêu cầu phải cung cấp cho Tòa án chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.
Thương Thương
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/hanh-vi-tu-y-ban-dat-dang-co-tranh-chap-co-the-bi-phat-den-100-trieu-dong-post549022.html