Khi ánh hào quang vỡ vụn: Câu chuyện những ngôi sao sa ngã vì ma túy
Ở châu Á, Kpop là ngành công nghiệp giải trí khắc nghiệt, nơi hình ảnh nghệ sĩ được xây dựng như những hình mẫu lý tưởng. Vì thế, bất cứ vết nhơ nào liên quan đến ma túy gần như là “án tử”.
Từng được coi là một trong những nam diễn viên tài năng nhất Hàn Quốc với loạt phim đình đám như Hellbound, Burning… Yoo Ah In rơi vào vũng lầy bê bối đời tư khi bị phát hiện sử dụng chất cấm. Sau phiên tòa tháng 2/2025, anh bị tuyên một năm tù treo, hai năm thử thách, tham gia lớp cai nghiện ma túy 40 giờ.
"Ảnh đế" Yoo Ah In vướng vào vòng tù tội, nhiều người tiếc nuối tài năng của anh.
Cú sốc khiến các dự án phim có sự tham gia của anh bị hủy hoặc hoãn vô thời hạn. Nhiều nhãn hàng lập tức gỡ bỏ hình ảnh, quảng cáo. Sự nghiệp mà "Ảnh đế" trẻ nhất lịch sử giải Rồng Xanh In xây dựng hơn 20 năm gần như sụp đổ chỉ sau một bản cáo trạng. Mất thời gian để anh trở lại màn ảnh với The Match khá thành công, nhưng không vì thế mà con đường trở lại showbiz của anh được đảm bảo.
Là thành viên nhóm nhạc TVXQ, sau đó là JYJ, Park Yoo Chun từng là cái tên được săn đón khắp châu Á. Năm 2019, anh bị cáo buộc sử dụng ma túy, nhận án treo, công ty quản lý chấm dứt hợp đồng, hàng loạt show bị cắt sóng và anh tuyên bố giải nghệ. Sau nhiều năm, sự nghiệp của Park Yoo Chun vẫn chưa thể phục hồi.
Dispatch đưa tin B.I (trưởng nhóm nhạc iKON) đã mua, sử dụng cần sa và chất gây ảo giác LSD từ năm 2016. Vụ việc bị phát giác vào năm 2019, anh buộc phải rời nhóm, hợp đồng quảng cáo bị hủy, toàn bộ hình ảnh bị xóa khỏi các chương trình. Trở lại với vai trò nghệ sĩ solo, cái bóng của scandal vẫn phủ lên sự nghiệp âm nhạc của anh.
Kha Chấn Đông, sinh năm 1991 - nam diễn viên, ca sĩ người Đài Loan (Trung Quốc) - từng “làm mưa làm gió” với Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi, Tiểu thời đại, Mama boy… cũng lao dốc khi đang ở đỉnh cao danh vọng vì sử dụng cần sa. Nhìn lại giai đoạn này, Kha Chấn Đông thừa nhận đó là “cái tát” khiến anh thức tỉnh khi còn quá trẻ.
"Nam thần thanh xuân" Kha Chấn Đông cố gắng vực dậy sau sự nghiệp lụi tàn vì ma túy, song vẫn chật vật.
Không riêng châu Á, giới giải trí phương Tây cũng chứng kiến những cú trượt dài vì ma túy. Năm 2005, siêu mẫu Kate Moss bị lan truyền ảnh sử dụng cocaine. Dù không bị truy tố, cô vẫn bị hàng loạt thương hiệu lớn như H&M, Chanel, Burberry loại khỏi chiến dịch quảng cáo. Về sau, cô dần quay lại sàn diễn, nhưng uy tín và hình ảnh của Moss không bao giờ trở lại như trước.
Tại Việt Nam, thông tin nhà thiết kế thời trang Nguyễn Công Trí bị bắt vì liên quan đến đường dây ma túy gây chấn động. Sự vụ này khiến giới thời trang Việt Nam rúng động, tạo nên làn sóng phản ứng dữ dội từ mạng xã hội.
Ở vị thế “tượng đài” trong giới thời trang Việt, Nguyễn Công Trí đại diện cho một chuẩn mực sáng tạo và uy tín suốt hơn 20 năm. Chính vì thế, cú trượt của anh khiến nhiều người sốc, thất vọng xen lẫn tiếc nuối.
Nhà thiết kế Nguyễn Công Trí bị bắt vì liên quan đến đường dây ma túy.
Pháp luật không nương tay với người nổi tiếng
Trên Sina, kiểm sát viên Vương Thiên Nghị nói khác biệt lớn nhất giữa nghệ sĩ và người thường khi phạm tội ma túy là sự chú ý của truyền thông. Thực tế, các vụ án ma túy liên quan đến nghệ sĩ không có nhiều điểm khác biệt về mặt tố tụng. Về tội danh, các nghệ sĩ thường bị truy tố vì “tàng trữ trái phép chất ma túy” hoặc “chứa chấp người khác sử dụng ma túy”.
Ông Vương chỉ rõ: “Việc sử dụng ma túy đòi hỏi kinh phí lớn. Người thường vì không đủ tiền nên dễ rơi vào con đường ‘vừa dùng vừa bán’ để kiếm lời. Còn nghệ sĩ thì không cần làm vậy vì họ có điều kiện tài chính tốt hơn”.
Một số người hâm mộ biện minh cho thần tượng rằng: “Ở nước ngoài, hút cần sa không phải tội”. Sự thật là, tại Hàn Quốc và Nhật Bản, xã hội không hề dung thứ cho nghệ sĩ dính ma túy. Ngay cả ở các nước phương Tây, vốn được xem là cởi mở, nghệ sĩ dính ma túy vẫn bị gắn mác “suy đồi”.
Chuyên gia tâm lý Mã Ngai khẳng định: “Không có sự khác biệt nào về loại ma túy, điều cần so sánh là quy định pháp luật. Dù ở quốc gia nào, việc sử dụng hay buôn bán ma túy đều bị cấm. Lấy chuyện ‘ở nước ngoài cho phép’ ra làm cớ là chối bỏ trách nhiệm”.
Nghệ sĩ phải tự biết kìm chế
So với người thường, hậu quả với nghệ sĩ còn nghiêm trọng hơn nhiều. “Bao Thanh Thiên” Vương Học Binh bị bắt vì ma túy đã khiến hai bộ phim bị đình trệ, gây thiệt hại khoảng 150 triệu NDT cho các đối tác. Kha Chấn Đông khiến đoàn phim Tróc Yêu Ký phải quay lại toàn bộ, gây tổn thất hàng tỷ NDT cho các thương hiệu mà anh đại diện.
Năm 2014, Tổng cục Phát thanh - Truyền hình Trung Quốc ra thông báo không mời những nghệ sĩ có hành vi phạm pháp (như hút ma túy, mua dâm...) tham gia sản xuất phim ảnh, truyền hình, quảng cáo. Các tác phẩm đã sản xuất có sự góp mặt của họ cũng bị cấm phát sóng.
Tài tử Vương Học Binh tan nát sự nghiệp vì ma túy.
Kiểm sát viên Huang Jing cho rằng nghệ sĩ nhận thức rõ ràng hơn người thường về hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội. Một khi đã sa ngã vào ma túy, ngoài đối mặt với pháp luật, họ còn phải đánh đổi cả sự nghiệp và tương lai, điều mà họ thừa biết.
Ông Mã chỉ ra công chúng cần nhận khách quan rằng nghệ sĩ cũng là con người và họ cần tự ý thức về ảnh hưởng của mình đối với xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
“Không muốn cai thì vĩnh viễn không cai được. Mọi biện pháp kiểm soát từ bên ngoài chỉ có tác dụng khi bản thân họ muốn thay đổi. Nếu không thể nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình, thì không biện pháp nào hiệu quả”, ông Mã nói.
Nghệ sĩ sử dụng ma túy nhất định phải bị xử lý nghiêm khắc, không khoan nhượng. Cần có sự can thiệp kiên quyết của pháp luật để sửa sai, đồng thời khôi phục niềm tin của công chúng. Sự hiện diện của luật pháp như tấm gương răn đe và cảnh tỉnh. Tuy thế, nhiều ý kiến cho rằng truyền thông và dư luận xã hội cũng cần bình tĩnh nhìn nhận.
Rõ ràng, nghệ sĩ phạm pháp là sai, nhưng không nên vì thế mà bôi nhọ tận cùng, phủ nhận sạch trơn những mặt tốt của người sai phạm trước khi vướng vào lao lý.
Hà Trang