Tiết mục đại hợp xướng mở màn chương trình "Sức sống Trường Sa" với sự tham gia của chiến sĩ Vùng 4 Hải quân.
Tham gia chương trình có Trung tướng Thái Đại Ngọc, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, các nhân chứng lịch sử từng trực tiếp tham gia giải phóng và gìn giữ Trường Sa, cùng hơn 300 chiến sĩ, ca sĩ, diễn viên biểu diễn tại chương trình.
Chương trình chính luận nghệ thuật có kết cấu ba chương, gồm: “Huyền sử Trường Sa”, “Trường Sa hôm nay” và “Vững chãi Trường Sa -Trái tim của Biển Đông”, là sự kết hợp hài hòa giữa chính luận và nghệ thuật, chuyển tải thông điệp về chủ quyền, bản lĩnh và sức sống của Trường Sa qua nửa thế kỷ xây dựng và bảo vệ.
Trong phần giao lưu nhiều cảm xúc, ông Đào Mạnh Hồng, nguyên Phân đội trưởng Phân đội 1, thuộc Đội 1 Trung đoàn 126 Đặc công Hải quân (nay là Lữ đoàn Đặc công Hải Quân 126), chia sẻ "Chiến dịch giải phóng Trường Sa là một nhiệm vụ đặc biệt, đòi hỏi sự quả cảm và tinh thần thép. Chúng tôi chỉ mang theo niềm tin duy nhất: giữ đảo là giữ lấy Tổ quốc. Được đứng ở đây hôm nay, nhìn thế hệ trẻ trưởng thành, là niềm hạnh phúc và tự hào không gì sánh được".
Nguyễn Ngọc Trường Xuân – công dân được sinh ra tại Trường Sa – giao lưu cùng khán giả.
Cùng hòa chung cảm xúc, ông Lê Văn Tấn, nguyên Đảo trưởng đảo Trường Sa từ 1975 đến 1987, xúc động nói: “Với tinh thần của tuổi trẻ, chúng tôi ra đảo với quyết tâm bảo vệ đảo, hoàn thành xứ mệnh của Đảng và Nhà nước giao phó. Chúng tôi từng sống những ngày đầu gian khổ nhất tại đảo, khi chỉ có đá san hô và tiếng sóng gió. Hôm nay, nhìn Trường Sa khang trang, đầy sức sống, tôi tin thế hệ trẻ sẽ tiếp nối và viết tiếp hành trình bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng này.”
Chương trình nghệ thuật “Sức sống Trường Sa” mang đến chuỗi ca khúc sâu sắc, da diết về tình yêu biển đảo, như “Hát cùng lính đảo”, “Tình em biển cả”, “Quê hương, tình yêu và tuổi trẻ”, hay “Kỷ niệm với đảo xa” do các ca sĩ được yêu thích, thể hiện.
Ngoài ra, Chương trình còn có sự chia sẻ tình cảm của các ngư dân trong quá trình bám biển, khai thác hải sản ở ngư trường Trường Sa, bị tai nạn lao động và đã được các y, bác sĩ ở các bệnh xá các đảo kịp thời cứu chữa.
Đại biểu nhân dân tham dự chương trình chính luận nghệ thuật "Sức sống Trường Sa" tại Quân cảng Cam Ranh, tối 29/4/2025.
Không gian sân khấu với hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay giữa biển trời, các hoạt cảnh tái hiện lịch sử cùng phóng sự thực tế tại huyện đảo Trường Sa, đã góp phần làm nổi bật vai trò chiến lược của huyện đảo, nơi được ví như “pháo đài” bảo vệ Tổ quốc từ biển.
Chương trình cũng giới thiệu về Đề án xây dựng Bảo tàng Trường Sa đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt, sẽ thi công tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm. Đây là công trình hiện đại, mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và mang tính giáo dục. Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ ký ức, hiện vật, hình ảnh về quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển Trường Sa, mà còn là điểm đến tiêu biểu trong hành trình truyền cảm hứng yêu nước và gìn giữ chủ quyền biển đảo cho các thế hệ mai sau.
Chương trình chính luận nghệ thuật "Sức sống Trường Sa" không chỉ là lời tri ân sâu sắc đến những người làm nên lịch sử, mà còn thể hiện khát vọng phát triển biển, đảo bền vững, khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam - một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển và luôn hướng ra biển vì hòa bình, giữ vững chủ quyền và ngày càng thịnh vượng theo đúng tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đặng Tuấn (TTXVN)