Đoàn công tác số 9 của chúng tôi tới thăm đảo Sinh Tồn đúng vào dịp quân và dân trên đảo đang phấn khởi, tích cực chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng Trường Sa, đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đúng như cái tên được đặt cho đảo, Sinh Tồn ngày nay rực rỡ tươi xanh, tình quân dân “như cá với nước”, cuộc sống của người dân bình yên giữa bao la xanh ngát trùng khơi.
50 năm sau ngày giải phóng, đảo Sinh Tồn cũng như những đảo khác trên quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) là Song Tử Tây, Đá Tây A, Đá Thị, Cô Lin, Len Đao,… đã khoác lên mình tấm áo mới, là “lá chắn thép” hiên ngang giữa biển trời, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cột mốc “xanh” khẳng định chủ quyền biển, đảo
Quan sát từ xa, đảo Sinh Tồn trông như một khu rừng thu nhỏ, hoa khoe sắc thắm giữa biển nước mênh mông xanh biếc. Trung tá Hoàng Văn Cường - Chính trị viên đảo Sinh Tồn chia sẻ: Dù phong ba bão táp trên biển đảo nhưng các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo vẫn vững vàng bám biển, bám đảo, vun đắp cho đảo xanh tươi, xây dựng cuộc sống bình yên, no đủ cho nhân dân. “Nắng gió Trường Sa rất bỏng rát, vì thế chúng tôi ra sức trồng cây. Cảnh quan đảo Sinh Tồn ngày nay đã thay đổi rất nhiều, như lá phổi xanh phủ bóng mát cho chiến sĩ luyện tập, cho người dân lao động. Đặc biệt, trên đảo Sinh Tồn còn có cây di sản, đó là cây mù u trên 100 năm tuổi. Đây được xem là tài sản quý của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, là cột mốc văn hóa khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam”, Trung tá Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Cây mù u trên 100 năm tuổi - Cây di sản ở đảo Sinh Tồn
Sức sống bền bỉ, mãnh liệt của cây di sản không chỉ là minh chứng cho sự sống trường tồn, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm xây dựng và bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Màu xanh trên đảo là biểu tượng của niềm tin, hy vọng và tương lai, dù ở nơi đầu sóng ngọn gió. “Giữ gìn và phát huy những giá trị của cây di sản cũng như bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là trách nhiệm thiêng liêng mà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa luôn khắc ghi. Dù trong hoàn cảnh nào, chúng tôi luôn khắc phục khó khăn, tích cực học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc”, Trung tá Hoàng Văn Cường khẳng định.
Trung tá Hoàng Văn Cường - Chính trị viên đảo Sinh Tồn
Làng quê thanh bình giữa ngàn khơi
Được mệnh danh là “thủ đô” của các đảo chìm, đảo Đá Tây A thuộc cụm đảo Đá Tây khiến khách đến thăm đều ngỡ ngàng bởi khung cảnh làng quê thanh bình giữa muôn trùng sóng nước: Trẻ con vui vẻ chơi đùa, người lớn chăm chỉ vun trồng cây xanh, các chiến sĩ không quản ngày đêm canh gác bảo vệ biển, đảo.
Theo lời kể của anh Nguyễn Thành Ninh, anh và vợ là chị Võ Thị Ánh Châu đã ra đảo Đá Tây A sinh sống được gần hai năm, và nơi đây đã trở thành quê hương thân yêu thứ hai của gia đình anh. Anh Ninh chia sẻ: “Mặc dù cuộc sống nơi đảo xa giữa muôn ngàn sóng nước gặp nhiều khó khăn nhưng gia đình tôi và bà con hàng xóm vẫn lạc quan, yêu đời và luôn tự hào vì đã góp phần công sức nhỏ bé vun đắp cuộc sống tốt tươi trên đảo và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Gia đình anh Ninh có khu vườn nhỏ để trồng rau, cây ăn trái, cây cảnh, đồng thời nhân giống, ươm cây bàng vuông để trồng khắp đảo, làm món quà nhỏ gửi về đất liền mỗi dịp có khách ghé thăm. Ngoài ra, vợ chồng anh còn trang trí những con ốc nhỏ thành món đồ lưu niệm rất đẹp để tặng cho khách, thắt chặt hơn nữa tình cảm giữa đất liền với biển đảo quê hương.
Anh Nguyễn Thành Ninh và vợ là chị Võ Thị Ánh Châu - người dân ở đảo Đá Tây A
Cùng yêu mến cuộc sống bình yên ngoài đảo xa, chị Lê Thị Tâm và chồng là anh Đặng Hoài Thư đã ra đảo sinh sống được gần hai năm. Chị Tâm cho biết, hiện gia đình chị có 1 bé học mẫu giáo và 1 bé 10 tháng tuổi. Lúc chị Tâm mang bầu 6 tháng thì được chuyển về đất liền sinh con, sau khi sinh được 3 tháng thì chị lại xin ra đảo để cả gia đình đoàn tụ. “Bây giờ đảo Đá Tây A đã trở thành quê hương thân yêu thứ hai của gia đình tôi rồi, cứ xa là nhớ. Chúng tôi muốn góp phần gìn giữ và bảo vệ từng tấc đất quê hương nơi này”, chị Tâm bày tỏ.
Gia đình chị Lê Thị Tâm
Cũng như ở đảo Đá Tây A, cuộc sống êm đềm đang tiếp diễn trên đảo Song Tử Tây. Với khuôn mặt bầu bĩnh, ánh mắt trong veo, bé Phan Trần Mẫn Nhi, 6 tuổi, Trường tiểu học Song Tử Tây hồ hởi khoe: “Con yêu cuộc sống ở đây lắm. Mẹ con mới về bờ sinh em bé, còn anh trai con thì học xong lớp 5 rồi và chuẩn bị vào đất liền học tiếp. Khi nào anh con về đất liền thì mẹ con và em bé sẽ ra ngoài đảo, còn anh con sẽ ở lại trong bờ với ông bà. Con rất nhớ mẹ, cả gia đình con ngoài đảo đang mong đón mẹ và em bé ra đây”.
Bé Phan Trần Mẫn Nhi, 6 tuổi, Trường tiểu học Song Tử Tây
Nhà đại đoàn kết lan tỏa hương vị tình thân trên đảo
Theo chia sẻ của Đại đức Thích Nhuận Hiếu - Trụ trì chùa Đá Tây A, thầy Hiếu ra đảo làm trụ trì chùa từ đầu năm 2022. Kể từ đó, thầy kỳ công ươm hạt, trồng và chăm sóc cây cối quanh chùa rợp bóng mát, hoa nở rực rỡ bốn mùa. Thầy Hiếu cho hay: “Ở chùa, ngày lễ, ngày rằm, mùng 1 thì thầy nấu cơm chay, dâng hương lễ Phật, cầu an cho chúng sinh. Mỗi khi có gió bão, chùa cũng là nơi cầu bình an, lánh nạn cho nhân dân. Ngoài ra, trên đảo còn có nhà đại đoàn kết, đó là nơi mọi người gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và bày tỏ chuyện vui, buồn…”.
Đại đức Thích Nhuận Hiếu - Trụ trì chùa Đá Tây A
Cuộc sống trên đảo giờ đã cải thiện hơn rất nhiều, có trường học, bệnh xá với trang thiết bị hiện đại, bác sĩ có tay nghề. Mỗi khi gặp khó khăn, người dân đều được các cán bộ, chiến sĩ và bà con hàng xóm đùm bọc, chia sẻ như nhũng thành viên trong một gia đình lớn. Đại tá Phạm Văn Thọ, Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân chia sẻ: “Chúng tôi luôn chú trọng giáo dục các thế hệ trẻ trên đảo về lòng tự hào, biết ơn sự hy sinh của cha anh đi trước đã dựng xây và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chúng tôi luôn trân trọng, phát huy và càng quyết tâm nhiều hơn nữa, hành động thiết thực và đoàn kết gắn bó hơn nữa để hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tới”.
Đại tá Phạm Văn Thọ, Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân
Đại tá Phạm Văn Thọ cho biết thêm: “Trên đảo Trường Sa có Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó trưng bày rất nhiều hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác. Và đặc biệt là có những cuốn sách nói về quá trình hoạt động cách mạng của Bác. Thông qua các tư liệu và cuốn sách này, chúng tôi vận động các cán bộ chiến sĩ và nhân dân thường xuyên tiếp cận để đọc và hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp của Bác, từ đó đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Quân và dân trên quần đảo Trường Sa luôn vững tâm, vững chí tiếp nối truyền thống anh hùng, trong quá trình học tập và công tác luôn làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những việc làm nhỏ nhất”.
Trần Ngọc/VOV.VN