Du khách thích thú khi tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại các nhà vườn ở xã Lâm Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang nhân rộng mô hình du lịch sinh thái vườn cây quả. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)
tọa lạc ở độ cao độ cao 1.400m-1.600m so với mặt nước biển, hướng tây tiếp giáp với tỉnh Lâm Đồng, cho nên khí hậu nơi đây khá mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp để trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, năng suất cao như: Sầu riêng, chôm chôm, măng cụt,… đem lại thu nhập cao cho nông dân, đồng thời mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái vườn rất độc đáo.
Ngày 17/7, theo bảng chỉ dẫn Điểm du lịch vườn trái cây Lâm Sơn đặt tại khu vực trung tâm xã nằm trên Quốc lộ 27, chúng tôi chạy xe máy men theo con đường bê-tông được che phủ xanh mát từ những vườn cây chi chít quả chín để đến thăm các nhà vườn Xuân Hùng, Quang Lai, Thảo Nguyên…, đã và đang thực hiện hiệu quả mô hình “Tổ liên kết tham gia kinh doanh mô hình du lịch vườn trái cây”, được coi là những điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài tỉnh.
Trên đường đi, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các nhà vườn đều xây dựng cổng vào có gắn bảng tên rất đẹp; trong khuôn viên của mỗi nhà vườn đều gắn bảng nội quy sinh hoạt; có lắp đặt wifi để du khách truy cập; xây dựng quầy trưng bày sản phẩm; các tiện nghi sinh hoạt, giải trí được đầu tư nhiều.
Nhiều nông dân nơi đây đã biết sử dụng công nghệ thông tin, cho nên khoảng tháng 5 hằng năm, cùng với việc tập trung dọn dẹp, phát quang đường đi thông thoáng để các loại phương tiện giao thông thuận lợi chạy đến tận vườn; bố trí khung cảnh trong vườn cây sạch đẹp, hấp dẫn, các nhà vườn đã tự thiết kế hình ảnh sản phẩm để quảng bá trên facebook, zalo.
Qua đó, du khách khắp nơi cùng các chủ vườn cùng tương tác, giao dịch với nhau để thống nhất việc đặt lịch, sắp xếp thời gian tiếp đón chu đáo du khách đến tham quan, trải nghiệm thú vị bằng cách du khách tự mình tuyển chọn và hái các loại quả chín trên cành để thưởng thức tại chỗ, cảm nhận hương vị thơm ngon riêng biệt của quả chín tại Lâm Sơn so với cây trồng ở những vùng đất khác; thỏa thích tận hưởng không gian trong lành, xanh mát giữa mùa hè oi bức với các món đặc sản như: Gỏi gà trộn măng cụt, trộn chôm chôm…
Du khách tự mình chọn và hái quả chín trên cây tại các nhà vườn ở Lâm Sơn, tỉnh Khánh Hòa để thưởng thức hương vị riêng biệt khi được trồng tại vùng đất nắng nóng.
Hơn chục năm qua, Lâm Sơn đã hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung và được cấp nhãn hiệu chứng nhận. Cùng với đó, trên địa bàn xã có tuyến giao thông Quốc lộ 27 ngang qua, đã tạo lợi thế rất lớn về đầu tư xây dựng các trạm dừng chân, điểm trao đổi hàng hóa rất thuận lợi. Mô hình phát triển du lịch sinh thái nhà vườn, kết hợp tham quan các thắng cảnh tự nhiên như: Đèo Ngoạn Mục, thác Sakai, thủy điện Đa Nhim… ngày càng lan tỏa, mỗi năm, thu hút hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm rất thú vị.
Giữa nhà vườn Xuân Hùng, chúng tôi giao lưu với nhóm du khách đến từ , chị Ngô Thị Thoa chia sẻ: “5 năm qua, cứ tầm thời gian này, nhóm đều đi tham quan các vườn trái cây ở Lâm Sơn. Hiện, giá vé 40.000 đồng/người/lượt, mọi người thoải mái check-in, chụp ảnh; tự tay hái quả chín để thưởng thức hương vị thơm ngọt với giá hợp lý, cho nên rất thú vị. Các món ăn dân dã, đậm chất bản địa, như: Gỏi quả măng cụt xanh trộn với thịt gà đồi; gỏi thịt gà vườn trộn chôm chôm… rất ngon, không nên bỏ qua khi đến đây”.
Du khách thưởng thức và cảm nhận tại chỗ hương vị độc đáo của quả măng cụt trồng tại các nhà vườn xã lâm Sơn, tỉnh Khánh Hòa khi đến tham quan.
Đặc biệt, trong những ngày lưu trú tại đây, du khách còn được nghe các chủ vườn giới thiệu về quy trình trồng, kinh nghiệm chăm sóc để các loài cây ăn quả thích ứng với khí hậu, thổ nhưỡng và sinh trưởng tốt trên vùng đất nắng nóng, có dịp chia sẻ niềm vui và cảm nhận được sự thân thiện, hiếu khách, sự nỗ lực vươn lên của nông dân vùng nông thôn miền núi Khánh Hòa.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, chủ vườn trái cây Xuân Hùng cho biết: “Năm nay, do không có mưa trái mùa, cho nên việc chăm sóc cây trồng theo hướng sản xuất sạch rất thuận lợi. Các loại cây như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt đều đạt năng suất cao, hương thơm của quả chín tỏa khắp vùng, rất thích. Tuân thủ chỉ đạo của xã, các nhà vườn đều thống nhất giá vé tham quan cùng giá bán các loại sản phẩm, cho nên du khách rất vui”.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, chủ vườn trái cây Xuân Hùng, xã Lâm Sơn, tỉnh Khánh Hòa, chọn những quả sầu riêng chín, tỏa hương thơm cả nhà vườn để phục vụ du khách.
Điểm mới của “mùa lễ hội trái cây” Lâm Sơn năm nay là các nhà vườn đã kết nối với một số cơ sở sản xuất khác trên địa bàn xã và vùng lân cận để giới thiệu một số sản phẩm ẩm thực, quà lưu niệm như: Gà, cá, lợn đen; gùi đan bằng tre rừng, đàn Chapi, rượu cần, trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai; các sản phẩm trái cây qua sơ chế như táo, nho, rượu, mật táo... những sản phẩm dân dã và hấp dẫn này giúp cho các nhà vườn đón tiếp nhiều du khách.
Bí thư Đảng ủy xã Lâm Sơn Đoàn Văn Hùng cho biết, toàn xã có hơn 500ha trồng cây ăn quả, hiện, 30 hộ tham gia kinh doanh mô hình du lịch vườn trái cây đều được du khách và cơ quan chức năng đánh giá chất lượng phục vụ rất tốt, rất thân thiện, sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… cho nên lượng du khách đến tham quan, du lịch tăng bình quân 20-30%/năm.
Từ đầu tháng 7/2025 đến nay, mỗi ngày có từ 700 đến 900 lượt người vào tham quan các vườn. Vào các ngày cuối tuần, có từ 1.500 đến 2.000 lượt người đến tham quan, tổng doanh thu của các hộ tham gia mô hình du lịch vườn trái cây đạt gần 1 tỷ đồng, hộ có doanh thu cao nhất khoảng 100 triệu đồng, thấp nhất khoảng 20 triệu đồng.
Với mục tiêu khai thác tốt hơn nữa tiềm năng du lịch, địa phương đã vận động người dân đẩy mạnh du lịch văn hóa gắn với hoạt động canh tác nông nghiệp và văn hóa cộng đồng các dân tộc, nhằm tạo ra một thương hiệu du lịch độc đáo, phát triển vùng sản xuất cây ăn quả đặc sản tập trung Lâm Sơn.... Giai đoạn 2025-2030, đặc biệt đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái vườn và dịch vụ, để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người trồng cây ăn quả và góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Cùng với đó, địa phương còn tổ chức các hoạt động kết nối với các doanh nghiệp lữ hành trong nước và quốc tế, tổ chức cho các đoàn famtrip, presstrip khảo sát, tọa đàm góp ý kiến và phối hợp xây dựng các tour, tuyến kết nối du lịch xã Lâm Sơn với các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Trịnh Minh Hoàng cho biết: “Với lợi thế khác biệt về khí hậu, thổ nhưỡng tại vùng đất Lâm Sơn, tỉnh đã có chủ trương tiếp tục mở rộng vùng trồng cây ăn quả đặc thù, hướng tới là xã có nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Theo đó, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tập trung cải tạo đất vườn, đồng thời, tìm kiếm các nguồn giống cây mới để đa dạng hóa các loại cây ăn quả, tạo cảnh quan mới và giữ môi trường luôn xanh, sạch, đẹp để nâng tầm du lịch sinh thái ở địa phương lên mức độ cao hơn, nâng cao giá trị kinh tế sản xuất trên cùng diện tích đất.
Tỉnh cũng đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có cơ hội đầu tư mở rộng vùng sản xuất cũng như phát triển du lịch không chỉ gắn kết với vùng trồng cây ăn quả mà còn gắn kết nhiều vùng sản xuất những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao khác, như: dưa lê, hoa lan, các loại thảo dược quý hiếm của địa phương trong thời gian tới”.
NGUYỄN TRUNG