Mẹ Nguyễn Thị Gái (bên trái), khu 3, xã Thất Khê ngắm nhìn lại tấm bằng Tổ quốc ghi công liệt sỹ Nguyễn Anh Tuấn
Trong những ngày tháng 7, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng mẹ Nguyễn Thị Gái, khu 3, xã Thất Khê. Mẹ Gái có con trai là liệt sĩ Nguyễn Anh Tuấn, sinh năm 1949, hy sinh năm 1973 tại chiến trường Tây Ninh. Tuổi đời đã gần tròn một thế kỷ, mái tóc đã bạc phơ, sức khỏe cũng ngày càng yếu nhưng ký ức về các con vẫn in rõ trong tâm trí của mẹ. Mẹ có sáu người con, trong số đó, người con trai cả – liệt sĩ Nguyễn Anh Tuấn, nhập ngũ năm 1966 khi vừa tròn 17 tuổi.
Nhắc đến anh Tuấn, giọng mẹ chùng xuống, mắt rưng rưng. Mẹ kể, ngày Tuấn lên đường, anh ôm chặt và dặn mẹ đừng khóc. Mẹ Gái khi ấy cắn chặt môi, nuốt nước mắt vào trong, cố gắng mỉm cười tiễn con, lòng chỉ thầm mong con trai mình “chân cứng đá mềm”. Mấy đứa em nhỏ còn động viên mẹ yên tâm, anh Tuấn đi đánh giặc rồi khi đất nước thống nhất nhất định anh sẽ về. Những ngày tháng sau đó là chuỗi thời gian dài đằng đẵng mẹ Gái ngóng tin con giữa bom đạn chiến tranh.
Hiếm có dân tộc nào trên thế giới phải trải qua nhiều đau thương, mất mát như dân tộc Việt Nam trong hành trình giành độc lập, tự do. Và cũng thật hiếm nơi nào có nhiều người mẹ âm thầm tiễn con ra trận, chấp nhận nỗi đau mất mát để Tổ quốc trường tồn như những người mẹ Việt Nam.
Ký ức đau thương ấy như vừa xảy ra hôm qua khi mẹ Gái kể đến khoảnh khắc nhận giấy báo tử. Đưa đôi bàn tay chai sần vuốt nhẹ lên tấm bằng Tổ quốc ghi công, mẹ nghẹn ngào: Hôm đó, có người mang đến tờ giấy báo tử, mẹ đọc xong mà ngã quỵ, ngất lịm đi. Đau lắm con ơi, đau như tim mình bị xé ra từng mảnh. Nhưng mẹ không khóc to, chỉ dám ôm lấy tấm áo con từng mặc, lặng lẽ khóc một mình…
Giờ đây ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, mẹ Gái tâm sự rằng mẹ cảm thấy rất vui khi đất nước mỗi ngày một đổi thay, phát triển. Mẹ cũng thấy ấm lòng trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho gia đình mẹ và các gia đình chính sách khác.
Cũng chung nỗi đau mất con như mẹ Gái, mẹ Đinh Thị Nâu, thôn Nà Phân, xã Thụy Hùng là mẹ của liệt sĩ Nông Viết Hiến, sinh năm 1961, nhập ngũ năm 1978 và hy sinh năm 1979 tại huyện Lộc Bình (cũ). Tuy năm nay đã 90 tuổi nhưng mẹ Nâu vẫn minh mẫn, dáng vẻ còn nhanh nhẹn.
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về liệt sĩ Nông Viết Hiến, đôi mắt mẹ trùng xuống, vừa đưa tay gạt những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo, mẹ vừa lật giở từng tờ giấy nhập ngũ, giấy báo tử, tấm bằng Tổ quốc ghi công… đã ngả màu theo thời gian. Mẹ kể: Mẹ sinh được 3 người con, Hiến là con cả trong gia đình. Năm 1978, Hiến lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc rồi đến năm 1979, mẹ nhận được tin dữ rằng con đã hy sinh. Đau lắm, nhưng mẹ cũng rất tự hào vì sự hy sinh của con đã góp phần gìn giữ tấc đất quê hương. Tuy con không còn ở bên chăm sóc mẹ, nhưng mẹ vẫn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chia sẻ, thăm hỏi thường xuyên của họ hàng, làng xóm, của thế hệ trẻ hôm nay, đó là niềm vui lớn nhất với mẹ. Mẹ luôn động viên các con, cháu phải vươn lên trong cuộc sống và không quên công ơn của những người đã hy sinh máu xương của mình cho độc lập dân tộc.
Không riêng mẹ Gái, mẹ Nâu, nỗi đau mất con là nỗi đau chung của rất nhiều những người mẹ có con ra chiến trường. Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ, toàn tỉnh có 5.644 liệt sĩ, điều này đồng nghĩa trên địa bàn tỉnh có rất nhiều những người mẹ mất con. Các con của mẹ đã hy sinh, nằm lại nơi chiến trường vì độc lập, tự do của dân tộc.
Trọn nghĩa, vẹn tình
Hiếm có dân tộc nào trên thế giới phải trải qua nhiều đau thương, mất mát như dân tộc Việt Nam trong hành trình giành độc lập, tự do. Và cũng thật hiếm nơi nào có nhiều người mẹ âm thầm tiễn con ra trận, chấp nhận nỗi đau mất mát để Tổ quốc trường tồn như những người mẹ Việt Nam.
Để bù đắp những đau thương, mất mát, giúp các mẹ có cuộc sống tốt hơn, ngoài thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người có công, nhiều năm qua, các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã thường xuyên thăm hỏi, động viên. Hiện nay bình quân mỗi tháng, ngành chức năng tỉnh thực hiện chi trả hơn 1,3 tỷ đồng tiền trợ cấp cho bà mẹ Việt Nam anh hùng và thân nhân các liệt sĩ… Những sự quan tâm, động viên, tình cảm chân thành đã giúp các mẹ sống vui khỏe để thấy quê hương, đất nước ngày càng đổi mới.
Ông Nguyễn Văn Giang, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 209 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện toàn tỉnh còn 1 bà mẹ Việt Nam anh hùng và 79 mẹ liệt sĩ được hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định. Hằng năm, Sở Nội vụ đều quan tâm chăm lo, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, trong đó có bà mẹ Việt Nam anh hùng và gia đình thân nhân các liệt sĩ. Cùng với đó, sở phối hợp Bộ Chỉ quy Quân sự tỉnh thực hiện tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán và đảm bảo kinh phí tổ chức, thực hiện các hoạt động tri ân gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh… Nhờ đó, việc thực hiện chế độ chính sách đối với mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ và gia đình thân nhân các liệt sĩ được chú trọng; chế độ trợ cấp hằng tháng và các chế độ ưu đãi khác được triển khai đầy đủ, kịp thời.
Sự hy sinh thầm lặng của các bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ là biểu tượng cao đẹp của lòng yêu nước. Tri ân và chăm sóc các mẹ không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cách để thế hệ hôm nay tiếp nối, gìn giữ và lan tỏa ngọn lửa tinh thần dân tộc.
NAM kHÁNH - LƯƠNG THẢO