Hậu Brexit, nước Anh trở lại bàn cờ lớn như thế nào?

Hậu Brexit, nước Anh trở lại bàn cờ lớn như thế nào?
9 giờ trướcBài gốc
Hai thỏa thuận này không chỉ đơn thuần là sự điều chỉnh chính sách đối ngoại, mà là kết tinh của một quá trình tự định hình lại chiến lược quốc gia sau một cú rẽ lớn mang tên Brexit. Trong suốt giai đoạn từ năm 2016 đến nay, nước Anh loay hoay tìm kiếm mô hình mới để duy trì ảnh hưởng toàn cầu mà không còn dựa vào chiếc ô an toàn mang tên EU.
Thủ tướng Anh Keir Starmer (bên phải) và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tại một cuộc họp hôm 19/5. Ảnh: Reuters
Giờ đây, qua hai cam kết mang tính định hình - một về an ninh, một về thương mại - London thể hiện rõ tham vọng: trở thành trung tâm gắn kết giữa hai trụ cột phương Tây, vừa củng cố quan hệ Đại Tây Dương, vừa tái kết nối với lục địa. Thỏa thuận thương mại với Mỹ, được công bố vào tháng 5/2025, là thành quả đầu tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump nhiệm kỳ thứ hai, trong bối cảnh Mỹ đang áp thuế 10% lên hầu hết hàng hóa nhập khẩu. Vương quốc Anh là quốc gia đầu tiên được miễn trừ một phần đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực ôtô, thép và nhôm - những ngành công nghiệp chủ lực của Anh vốn đang gặp khó khăn sau Brexit. Đổi lại, Anh chấp nhận mở cửa hạn chế cho thịt bò Mỹ và ethanol - điều từng là lằn ranh đỏ với các chính phủ tiền nhiệm. Việc cân bằng được hai phía cho thấy sự nhạy bén trong đàm phán của chính phủ Thủ tướng Keir Starmer, đồng thời khẳng định Anh vẫn còn đủ trọng lượng để được Washington ưu tiên.
Song đáng chú ý hơn là hiệp ước an ninh và quốc phòng giữa Anh và EU. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2020, hai bên đạt được một khuôn khổ hợp tác mang tính thể chế, bao trùm các lĩnh vực từ an ninh mạng, bảo vệ cơ sở hạ tầng, đến phối hợp chống khủng bố và chiến tranh hỗn hợp.
Quan trọng hơn, London đang đàm phán để tham gia quỹ quốc phòng SAFE trị giá 150 tỷ euro của EU - điều cho thấy một sự đảo chiều rõ rệt trong tư duy chiến lược hậu Brexit. Trong khi các chính phủ trước né tránh mọi ràng buộc với Brussels, chính phủ hiện tại chấp nhận những nhượng bộ cụ thể như gia hạn quyền đánh bắt cá cho tàu EU hay tuân thủ một số quy chuẩn kỹ thuật của khối, để đổi lấy cơ hội tái hội nhập từng phần.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen gọi thỏa thuận này là “một bước tiến lớn cho an ninh chung của châu Âu”, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi chào đón vai trò ngày càng rõ nét của Anh trong bảo vệ trật tự an ninh châu lục”. Trong khi đó, chuyên gia về an ninh châu Âu Franois Heisbourg cảnh báo rằng: “Anh cần duy trì được ảnh hưởng mà không bị hòa tan vào hệ thống pháp lý của EU - một bài toán phức tạp nhưng không thể né tránh nếu muốn hợp tác lâu dài”.
Về bản chất, hai thỏa thuận trên là hai cánh của một chiến lược mới: đưa nước Anh ra khỏi thế cô lập, đồng thời định hình vai trò như một đối tác không thể thiếu trong cấu trúc phương Tây. Vị thế này cho phép London vừa duy trì ảnh hưởng ở châu Âu, vừa tiếp tục là đồng minh then chốt của Washington trong các sáng kiến xuyên Đại Tây Dương như NATO, AUKUS hay các chuỗi cung ứng công nghệ cao. Trong bối cảnh thế giới phân cực, sự hiện diện của một nước Anh linh hoạt - không bị trói buộc bởi các quy tắc rườm rà của EU nhưng vẫn đủ gần để ảnh hưởng đến lục địa - là điều cả Brussels và Washington đều cần.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng sự lựa chọn này đi kèm không ít thách thức. Anh sẽ phải đối mặt với những yêu cầu trái ngược từ hai đối tác lớn. Trong khi EU tiếp tục thúc đẩy “tự chủ chiến lược” - một khái niệm mà Pháp đặc biệt ưa chuộng - thì Mỹ dưới thời Trump lại thiên về các hiệp định song phương có lợi cho Washington và giảm vai trò các thiết chế đa phương. Việc giữ cân bằng giữa hai cực này đòi hỏi sự linh hoạt và nhất quán về chiến lược từ phía London. Daniela Schwarzer, Giám đốc điều hành Quỹ Open Society tại châu Âu, bình luận: “Anh có thể trở thành đối tác không thuộc EU đầu tiên có ảnh hưởng lâu dài đến chính sách quốc phòng của khối, nhưng điều đó đòi hỏi sự cam kết rõ ràng, không chỉ trong lời nói mà cả về tài chính và chiến lược”.
Ngoài ra, bài toán nội bộ cũng không đơn giản. Sự phản đối từ phe chủ trương Brexit cứng, những người từng cổ vũ rời EU để “giành lại quyền kiểm soát”, đang đặt ra sức ép chính trị với chính phủ. Việc tham gia trở lại các quỹ và cơ chế của EU, dù mang tính thực dụng, có thể bị xem là bước lùi về mặt chủ quyền. Trong khi đó, những nhượng bộ với Mỹ - đặc biệt về tiêu chuẩn sản phẩm - cũng cần được truyền thông khéo léo để không tạo cảm giác đánh đổi lợi ích quốc gia. Dẫu vậy, với một môi trường quốc tế bất ổn - chiến tranh ở Ukraine, cạnh tranh công nghệ toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng - không gian để nước Anh thực hiện chiến lược độc lập một cách tuyệt đối gần như không còn.
Điều mà London đang làm, thực chất là quay lại quỹ đạo liên kết phương Tây, nhưng với vai trò chủ động và có chọn lọc hơn. Nếu duy trì được thế cân bằng hiện nay, Anh hoàn toàn có thể củng cố lại vị trí trung gian có ảnh hưởng giữa hai cực quyền lực. Thực tế, các thỏa thuận vừa ký mới là điểm khởi đầu. Phía trước còn hàng loạt cuộc đàm phán chi tiết: từ việc Anh tham gia các chương trình công nghệ của EU, đến đàm phán về dữ liệu số và thuế dịch vụ kỹ thuật số với Mỹ.
Những lĩnh vực này tiềm ẩn xung đột lợi ích, nhưng cũng là cơ hội để London thể hiện vai trò điều tiết. Trong bối cảnh EU và Mỹ không phải lúc nào cũng đồng thuận - từ chính sách khí hậu, thương mại, đến chính sách Trung Quốc - một nước Anh đóng vai trò trung gian có thể giúp điều hòa quan điểm và giữ cho phương Tây không bị chia rẽ quá sâu. Robin Niblett, nguyên Giám đốc Chatham House, cho rằng: “Sự linh hoạt ngoại giao sẽ là chìa khóa. Nếu Anh biết tận dụng không gian giữa hai đầu tàu phương Tây, nước này không những có thể phục hồi vị thế hậu Brexit mà còn vươn lên thành trung tâm định hình trật tự mới”.
Về tổng thể, hai thỏa thuận mang tính chiến lược vừa qua cho thấy nước Anh đang thoát khỏi cái bóng Brexit để vươn lên một vị thế mới: không chỉ là một quốc gia ngoài EU, mà là một đối tác then chốt, một cầu nối chiến lược, và một trung tâm ảnh hưởng độc lập trong trật tự phương Tây đang tái định hình. Nếu coi Brexit là một cú sốc địa chính trị, thì những bước đi gần đây chính là nỗ lực giải mã và định hình lại chính nước Anh - một nỗ lực đang bắt đầu phát huy hiệu quả. Câu hỏi đặt ra không còn là “Anh sẽ đi đâu sau Brexit?” mà là: “Liệu nước Anh có thể định hình trật tự mới bằng vai trò trung gian chiến lược giữa Mỹ và EU hay không?”. Với đà hiện tại và nếu tiếp tục thể hiện sự thực dụng, kiên định và khéo léo, London có cơ hội không chỉ trả lời câu hỏi đó - mà còn tạo ra một chương mới cho chính mình trên bàn cờ thế giới.
Khổng Hà
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/quoc-te/hau-brexit-nuoc-anh-tro-lai-ban-co-lon-nhu-the-nao--i768969/