Mỹ đồng ý trì hoãn thuế quan đối với Mexico và Canada sau khi Tổng thống Donald Trump có cuộc trò chuyện với lãnh đạo hai nước. Ảnh: Getty.
Chiều 30/1, chưa đầy 48 giờ trước khi Tổng thống Donald Trump dự kiến áp thuế lên Canada và Mexico, Chánh văn phòng Nhà Trắng, bà Susie Wiles, đã có cuộc gọi với đại diện của các công ty ô tô đang lo lắng về chính sách này.
Chính quyền Mỹ đã thông báo với các doanh nghiệp ô tô rằng họ đang xem xét miễn thuế cho các xe tuân thủ thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ do ông Trump đàm phán – đây cũng là yêu cầu chính của các nhà sản xuất ô tô trong nước – theo những người nắm rõ nội dung cuộc gọi. Sau cuộc thảo luận, các hãng xe của Mỹ cảm thấy lạc quan hơn về khả năng tránh được mức thuế mới.
Tuy nhiên, chưa đầy 1 giờ sau, trong Phòng Bầu Dục, ông Trump đã thay đổi hoàn toàn hướng đi của chính sách, bất chấp nỗ lực của các trợ lý muốn làm dịu đe dọa áp thuế diện rộng. Ông khẳng định rằng các nước này chẳng có cách nào để ngăn chặn thuế, và hoàn toàn không nhắc đến việc miễn trừ cho ngành ô tô.
Đến ngày 1/2, ông tuyên bố áp thuế 25% đối với hàng hóa của Canada và Mexico, chỉ có ngoại lệ duy nhất là dầu mỏ của Canada bị đánh thuế thấp hơn, 10%. Ngoài ra, ông Trump cũng công bố mức thuế bổ sung 10% đối với Trung Quốc.
Sau đó, vào ngày 3/2, Nhà Trắng lại có sự thay đổi đột ngột. Ông Trump đồng ý hoãn áp thuế với Mexico trong 1 tháng sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum, trong đó bà cam kết triển khai lực lượng vệ binh quốc gia để ngăn chặn dòng người di cư vào Mỹ – một động thái mạnh mẽ hơn so với các đề xuất mà các nhà ngoại giao Mexico đưa ra hồi tuần trước.
Cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, cũng thông báo rằng thuế quan đối với Canada đã bị hoãn.
“Canada đang triển khai kế hoạch kiểm soát biên giới trị giá 1,3 tỷ đô la Canada – tăng cường trực thăng, công nghệ, nhân sự, phối hợp chặt chẽ hơn với đối tác Mỹ và đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn fentanyl”, ông Trudeau viết trên X sau cuộc gọi với ông Trump hôm 3/2. “Thuế quan đề xuất sẽ tạm hoãn ít nhất 30 ngày để hai bên cùng làm việc”.
Trong khi đó, thuế đối với Trung Quốc vẫn sẽ có hiệu lực vào ngày 4/2, theo giờ Mỹ (trưa ngày 5/2 theo giờ VN).
Ông Trump trước đó quyết định áp thuế hai nước láng giềng bất chấp lời khuyên của các cố vấn. Ảnh: Reuters.
Bên trong Phòng Bầu dục
Ngay cả khi đã biết về sự khó lường của ông Trump, những diễn biến trong 48 giờ qua về chính sách thuế quan vẫn khiến thị trường và các tập đoàn toàn cầu sửng sốt. Những động thái này cho thấy ông Trump sẵn sàng tạo ra những gián đoạn kinh tế lớn – bao gồm cả việc đẩy giá hàng hóa lên cao – chỉ để theo đuổi mục tiêu của mình.
Ông Trump cho rằng các chính sách thương mại bất công, buôn lậu fentanyl và nhập cư trái phép là những lý do chính đáng để áp dụng biện pháp thuế quan mới này.
Hôm 3/2, các trợ lý của ông Trump cố gắng giảm nhẹ mức độ gay gắt của các biện pháp thương mại. Ông Kevin Hassett, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, phát biểu trên CNBC rằng đây là một “cuộc chiến chống ma túy”, không phải “cuộc chiến thương mại”, đồng thời cho rằng truyền thông và chính phủ Canada đã diễn giải sai lệnh áp thuế.
Quyết định cứng rắn của ông Trump vào ngày 1/2 – bất chấp ý kiến từ các cố vấn như ông Stephen Miller và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, những người đã đề xuất các biện pháp nhẹ hơn – cho thấy ông đang ngày càng quyết liệt theo đuổi chính sách kinh tế bảo hộ.
Ông Miller lo ngại rằng nếu gây sức ép quá mức với Mexico, nước này có thể rút lại sự hợp tác trong việc ngăn chặn dòng người di cư vào Mỹ, theo một số nguồn tin. Trong khi đó, ông Bessent đề xuất áp thuế ở mức thấp hơn và tăng dần theo thời gian, nhưng đề xuất này không được chấp thuận.
Cũng trong Phòng Bầu dục hôm 3/2, ông Trump, bên cạnh ông Bessent và ứng viên Bộ trưởng Thương mại, ông Howard Lutnick, tiếp tục nhấn mạnh rằng ông muốn Canada trở thành bang thứ 51 của Mỹ, thay vì là một quốc gia độc lập, và rằng ông thích ô tô được sản xuất ở Detroit hay South Carolina hơn là ở nước láng giềng phía bắc.
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum tháo gỡ được căng thẳng với Mỹ sau cuộc điện đàm với ông Trump. Ảnh: WSJ.
Các nhóm công nghiệp Mỹ hoảng loạn
Khi các cuộc thảo luận diễn ra vào ngày 30/1, các nhóm vận động hành lang trong ngành công nghiệp ô tô cũng tập trung tại trung tâm hội nghị Washington D.C., chỉ cách Nhà Trắng khoảng một dặm, để thảo luận về mối đe dọa thuế quan đang cận kề.
“Chỉ riêng mối đe dọa áp thuế cũng có thể gây ra hậu quả khôn lường”, ông Bill Long, Giám đốc điều hành Hiệp hội Nhà cung cấp Ô tô MEMA, cảnh báo.
Ông Long cho biết nếu một nhà cung cấp lớn bị ảnh hưởng bởi thuế, toàn bộ ngành công nghiệp ô tô có thể nhanh chóng rơi vào khủng hoảng. “Nếu điều đó trở thành hiện thực, nó sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng”, ông nói.
Ngành công nghiệp ô tô không phải là lĩnh vực duy nhất tìm kiếm miễn trừ thuế vào tuần trước. Các công ty năng lượng Mỹ và các công đoàn lao động cũng vận động để loại trừ sản phẩm năng lượng của Canada – đặc biệt là dầu mỏ – khỏi danh sách áp thuế, với lý do nhiều nhà máy lọc dầu của Mỹ phụ thuộc vào dầu thô từ Canada. Ngành năng lượng cuối cùng không được miễn trừ, nhưng bị áp mức thuế thấp hơn so với các mặt hàng khác.
Tuy nhiên, Hiệp hội Thép Mỹ, tổ chức đã vận động để miễn trừ thuế dầu nhằm bảo vệ công nhân làm việc trong các nhà máy lọc dầu, đã lên án động thái này, tuyên bố rằng “tấn công các đồng minh quan trọng như Canada không phải là cách đúng đắn để tiến lên”.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong cuộc họp báo phản ứng trước lệnh áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tại Ottawa, Ontario, Canada vào ngày 1/2. Ảnh: Reuters.
Sự khó đoán của ông Trump
Các nhà đàm phán cấp cao của Canada cho biết họ gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu rõ mong muốn của ông Trump, ngay cả khi trao đổi với các cố vấn cao cấp của ông.
Các quan chức Canada cho hay họ đã đề xuất kế hoạch tăng cường kiểm soát biên giới, bao gồm triển khai trực thăng và công nghệ mới, với ông Tom Homan – người phụ trách vấn đề biên giới của ông Trump – trong nhiều tuần. Các bộ trưởng Canada thậm chí còn gửi video về trực thăng và đoạn phim tua nhanh thời gian về biên giới để chứng minh an ninh được thắt chặt. Tuy nhiên, hôm Chủ nhật tuần trước, ông Homan nói trên Fox News rằng ông vẫn chưa báo cáo với ông Trump về những gì ông đã thấy, và sẽ làm việc này trong tuần tới.
Bà Sheinbaum cho biết hôm 3/2 rằng trong cuộc điện đàm với ông Trump, ông đã nhắc lại mối lo ngại lâu nay của mình về thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Mexico. “Tôi đã nói với ông ấy rằng thực tế đó không phải là thâm hụt”, bà nói, đồng thời chỉ ra rằng thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada mà chính ông Trump đã ký vào năm 2018 đang ngày càng trở thành một công cụ hiệu quả để cạnh tranh với Trung Quốc và các khối thương mại khác.
Bà Sheinbaum và các cố vấn hàng đầu của mình tin rằng ông Trump không chỉ đơn thuần đe dọa về việc áp thuế đối với Mexico. Theo những người quen thuộc với vấn đề này, bà đã sẵn sàng tuyên bố vào hôm 3/2 rằng Mexico sẽ thực hiện kế hoạch áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Mỹ từ các bang có đông cử tri đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, thay vì làm vậy, trong cuộc điện đàm với ông Trump, bà Sheinbaum cho biết hai bên đã nhất trí thành lập một nhóm công tác song phương để xây dựng kế hoạch hành động nhằm giải quyết các vấn đề về an ninh, di cư và thương mại.
Giới doanh nghiệp lo phòng ngừa rủi ro
Những biến động do lời đe dọa áp thuế của ông Trump đã thể hiện rõ trong các cuộc họp công bố lợi nhuận doanh nghiệp vào 3/2, khi các nhà phân tích và giám đốc điều hành cố gắng phân tích những diễn biến mới.
Trong một cuộc gọi với các nhà đầu tư để thảo luận về kết quả kinh doanh mới nhất của công ty sản xuất thuyền kayak và đồ cắm trại Johnson Outdoors, một nhà phân tích đã thông báo tin tức mới nhất cho ban lãnh đạo công ty.
“Thực ra vừa có một tin mới, chỉ ngay trước 11 giờ sáng thôi”, ông Anthony Lebiedzinski, một nhà phân tích tại Sidoti, cho biết. “Có vẻ như thuế đối với Mexico tạm thời bị hoãn 1 tháng. Nó vừa được công bố cách đây khoảng nửa giờ”.
Giám đốc tài chính của Johnson Outdoors, ông David W. Johnson, phản hồi rằng ông coi tình hình này là rất biến động.
“Mọi thứ thay đổi khá nhanh”, ông Johnson nói. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và tìm hiểu thêm để xem mọi chuyện sẽ đi đến đâu”.
Dù Johnson Outdoors sản xuất phần lớn sản phẩm tại các nhà máy ở Mỹ, công ty này vẫn nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài và có hoạt động kinh doanh với Trung Quốc, Mexico và Canada.
“Hãy yên tâm”, ông Johnson nói. “Chúng tôi đang triển khai các chiến lược giảm thiểu rủi ro”.
Theo Wall Street Journal
Thu Quyên