Khẳng định niềm tin với kinh tế tư nhân
Chia sẻ tại tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 9/5, bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính cho biết, dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ như Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng quá trình thực thi vẫn còn khoảng cách với tinh thần đặt ra trong các nghị quyết.
"Chẳng hạn, Nghị quyết Trung ương X từ năm 2017 đã nêu rõ nguyên tắc 'không hình sự hóa các quan hệ kinh tế'. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn nhiều vướng mắc khi triển khai", bà Thủy nói.
Với Nghị quyết 68 có nhiều điểm mới mang tính đột phá, đặc biệt là mức độ chi tiết trong quy định và sự nhất quán trong tư duy thể chế. "Ví dụ, nghị quyết lần này đã nêu rõ: trong trường hợp chưa rõ ràng, mang tính '50-50' thì kiên quyết không hình sự hóa", bà Thủy dẫn chứng.
Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình góp ý xây dựng nghị quyết, đã có không ít băn khoăn rằng, các đề xuất mạnh mẽ sẽ khó được chấp thuận. Tuy nhiên, sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, đặc biệt là bài viết định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm như "kim chỉ nam", đã tạo niềm tin và quyết tâm để đưa ra những nội dung cải cách mạnh mẽ hơn.
Một trong những nội dung quan trọng được bà Thủy nhấn mạnh là vấn đề điều kiện kinh doanh. Theo đó, trước đây, các bộ, ngành có thể tự đưa ra điều kiện, gây khó khăn cho doanh nghiệp. "Lần này, nghị quyết quy định rõ, chuyển toàn bộ điều kiện kinh doanh sang cơ chế công bố công khai; các bộ, ngành không được tự đặt thêm điều kiện, trừ một số lĩnh vực đặc biệt như quốc phòng, an ninh, sức khỏe người dân. Đây là một thay đổi có tính chất gỡ bỏ rào cản lớn cho doanh nghiệp", bà Thủy cho biết.
Đề cập đến niềm tin, bà Bùi Thu Thủy cho rằng, Đảng và Chính phủ đã thể hiện sự tin tưởng sâu sắc đối với khu vực tư nhân. Trước đây, trong thực tế, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI thường được ưu tiên hơn so với doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong tiếp cận tín dụng.
"Có thời kỳ, doanh nghiệp nhà nước được tín chấp, không cần tài sản thế chấp vẫn vay được vốn, trong khi doanh nghiệp tư nhân thì vô cùng khó khăn. Nghị quyết lần này khẳng định rõ nếu có hành vi phân biệt đối xử, người thực hiện sẽ phải chịu trách nhiệm", bà Thủy nói và nhấn mạnh "việc thực thi sẽ là yếu tố quyết định thành công".
Lý giải việc Bộ Chính trị nhấn mạnh vai trò kinh tế tư nhân, bà Thủy cho biết hiện khu vực tư nhân trong nước đóng góp hơn 50% GDP, trong khi doanh nghiệp nhà nước và FDI mỗi bên chiếm khoảng 20%. Tuy vậy, phần lớn doanh nghiệp tư nhân vẫn có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa cao và tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế.
"Phát triển khu vực tư nhân không chỉ để giải quyết những khó khăn trước mắt, mà cần hướng tới vai trò dài hạn trong tăng trưởng kinh tế bền vững", bà Thủy khẳng định.
Tư duy mới phải đi kèm cách làm mới
Nhấn mạnh tinh thần "đổi mới tư duy và quyết liệt trong hành động" để Nghị quyết 68 nhanh chóng đi vào cuộc sống, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là tận dụng được tinh thần cải cách mạnh mẽ đang lan tỏa trong bộ máy.
"Nếu không tận dụng được sớm, tinh thần đó có thể nguội đi. Khi đã có tư duy đổi mới trong cách xây dựng nghị quyết thì cũng cần có cách thực thi với cùng tinh thần đó", vị Đại biểu Quốc hội nói.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc
Ông lấy ví dụ cụ thể về việc rà soát các thủ tục hành chính: "Chỉ cần mỗi bộ, ngành ngồi lại trong một tuần để suy nghĩ nghiêm túc là có thể làm được ngay". Bên cạnh đó, việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, bỏ giấy phép con, chuyển sang cơ chế công bố cũng được đề cập là hoàn toàn khả thi nếu có quyết tâm.
Một kiến nghị quan trọng được nêu là thành lập một cơ quan cải cách thể chế độc lập, có thẩm quyền trình đề xuất pháp luật, không chỉ dừng ở mức kiến nghị như hiện nay. "Ở một số nước như Hàn Quốc, không cơ quan nào được trình dự thảo luật nếu chưa qua cơ quan cải cách thể chế thẩm định. Họ đóng vai trò như lớp sàng lọc chất lượng quy định pháp luật", đại biểu Phan Đức Hiếu nêu ví dụ.
Chia sẻ thêm về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 68 vào thực tiễn, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể Bùi Thu Thủy cho biết, tinh thần thể chế hóa đã được lồng ghép từ giai đoạn dự thảo nghị quyết.
"Ngay từ khi xây dựng Nghị quyết, chúng tôi đã bám sát tư tưởng thể chế hóa tối đa. Những nội dung liên quan đến chuyển đổi mô hình quản lý, rà soát điều kiện kinh doanh cũng đã được đưa vào nghị quyết một cách rõ ràng", bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, việc rà soát danh mục hơn 200 điều kiện kinh doanh thuộc Luật Đầu tư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cần được triển khai sớm. "Chúng tôi ghi nhận ý kiến đề xuất cần công bố lại danh mục này, sẽ trao đổi với các cơ quan liên quan để thực hiện. Nếu không kịp trình thì cũng khó có thể thông qua", đại diện Bộ Tài chính nói.
Đề cập tiến độ thực hiện, bà Thủy cho biết, đây là một trong những nghị quyết được triển khai nhanh nhất trong nhiều năm trở lại đây. "Trong suốt hơn 20 năm công tác, tôi chưa từng thấy một nghị quyết nào được thể chế hóa nhanh như Nghị quyết 68. Trong 2 tháng vừa qua, chúng tôi đã làm việc cả ngày lẫn đêm để hoàn thiện", bà chia sẻ.
Hiện chương trình hành động của Chính phủ đang giao khoảng 50 nhiệm vụ cho các bộ, ngành, trong đó phần lớn yêu cầu hoàn thành trong năm 2025. Đối với các dự án luật chưa thể trình trong kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, kế hoạch sẽ đưa ra kỳ họp thứ 10 vào tháng 10/2025. Một số nội dung cần thời gian nghiên cứu sâu hơn có thể để sang năm 2026.
"Nghị quyết đặt ra tầm nhìn đến năm 2034, nhưng các nhiệm vụ đều được đặt mục tiêu hoàn thành cơ bản trong 2 năm tới. Mục tiêu là đến hết năm 2025, phần lớn các đầu việc phải được hoàn tất", bà Thủy nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã thay mặt Bộ Chính trị ký Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Theo quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Đây cũng là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bộ Chính trị khẳng định, phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, mang tính chiến lược lâu dài. Do đó, định hướng này cần được cụ thể hóa trong các chiến lược, chính sách phát triển của đất nước. Việc này nhằm phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, giải phóng toàn bộ nguồn lực, nhất là trong nhân dân, cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nguyên Thảo