Hãy giữ đúng là thời khắc lịch sử

Hãy giữ đúng là thời khắc lịch sử
4 giờ trướcBài gốc
Ngày này cách đây 1 năm, chúng ta đang ở đâu và làm gì? Câu trả lời quá đơn giản là 1 năm trước, mọi sự đều đang hết sức bình thường, ta đang ở đâu vẫn ở đó, đang làm cái vẫn làm hàng bao năm nay.
Nhưng hôm nay đã khác. Khác từ những cái tưởng sẽ không bao giờ khác được: nơi sinh khác, quê quán khác; xã, phường nơi đang ở cũng mang tên khác. Trước làm việc tại thành phố, tỉnh nhà, nay đến hẳn một nơi xa mấy chục hoặc cả trăm km. Trước là bí thư quận ủy, giờ về làm bí thư phường. Trước là công chức xã A, nay là công chức của xã mới do các xã A, B và C nhập lại…
Ít ai trong chúng ta có thể hình dung chỉ sau một thời gian ngắn, từ 63 tỉnh, thành nay xuống còn 34; bỏ hẳn cấp huyện với 696 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; từ hơn 10.500 xã, phường, thị trấn nay chỉ còn 3.321 xã, phường, đặc khu. Nếu so sánh với việc sáp nhập đơn vị hành chính đang từ nhiều xuống ít ở các nước trên thế giới, có thể thấy khó có nước nào làm với quy mô như chúng ta vừa thực hiện.
TP Cần Thơ. Ảnh: Nguyễn Huế
Cuộc cách mạng tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả như một làn sóng mới đầy sức sống tràn vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, xóa đi nhiều bất cập về tổ chức vốn đã được bàn không biết bao nhiêu lần nhưng kết cục cơ bản là vẫn như nguyên; tạo ra nhiều thay đổi lớn, có thể nói chính xác hơn là tạo ra những thay đổi cực lớn trong hệ thống chính trị.
Ngày khai trương chính thức chính quyền địa phương 2 cấp ở nước ta đánh dấu một thời khắc lịch sử trong sự phát triển của đất nước. Nhìn lại sự phát triển của đất nước có thể thấy không có nhiều thời khắc lịch sử như vậy.
Tháng 7/1010 là một thời khắc lịch sử của dân tộc với việc dời đô từ Hoa Lư về Đại La, sau đổi thành Thăng Long. Nói đây là một thời khắc lịch sử vì như Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ đã chỉ rõ: dời đô là để "mưu nghiệp lớn, làm kế cho con cháu muôn vạn đời". Dời đô là một việc lớn, khó và nếu làm được sẽ tạo thành thế và lực cho đất nước phát triển nhanh hơn, tốt hơn, nhờ đó tạo phúc cho con cháu muôn vạn đời sau.
Ngày 30/4/1975 cũng là một thời khắc lịch sử mang lại sự thống nhất của đất nước, chấm dứt bao nhiêu năm chia cắt và tạo đà cho cả nước cùng đi theo một hướng phát triển, mang lại những kết quả phát triển kinh tế - xã hội như ngày nay.
Hai điều cảm phục
Nhắc đến những thời khắc lịch sử này để hình dung tầm vóc và ý nghĩa của ngày chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động. Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính lần này giống như một phần sắp xếp lại giang sơn. Và giang sơn giống như một bàn cờ, người cầm trịch cuộc cờ phải tính toán, phải bố trí quân cờ phục vụ cho mục đích lâu dài vì lợi ích tổng thể quốc gia. Bố trí quân cờ hợp lý, đi những nước đi táo bạo, vượt tầm để tiến lên giành chiến thắng cuối cùng.
Trong cuộc chơi cờ này, trong cuộc sắp xếp lại giang sơn lần này, có 2 điều khiến tôi cảm phục.
Một là cảm phục người cầm chịch cuộc chơi. Không có tầm nhìn chiến lược, không có bản lĩnh và không có sự quyết đoán sẽ không ra được sự sắp xếp kiểu này. Chưa lần nào đất nước có sự thay đổi đơn vị hành chính có quy mô như vậy.
Hai là sự cảm phục của cá nhân tôi đối với những cán bộ, công chức, viên chức và những người lao động khác ở lại trong bộ máy đang gồng mình lên trong cuộc sắp xếp này.
Nói một cách thực lòng, trong đội ngũ này có những người đang có tâm tư. Không nói cán bộ, công chức có chức vụ lãnh đạo, nay không còn chức vụ, mà chỉ tính những người bình thường đang làm công chức ở quận giờ về công chức phường, công chức xã.
Lại còn câu chuyện đi làm nữa chứ. Hàng chục nghìn người trong cả nước đang giống như công chức cấp tỉnh ở Quảng Nam, Quảng Trị, Kon Tum… nay phải di chuyển sao đó, thay đổi chỗ ở kiểu gì đó để đến Đà Nẵng, Quảng Bình và Quảng Ngãi… làm việc. Gian nan và vất vả với câu chuyện đi lại, nơi ở, học hành của con cái… trong khi tiền lương thì eo hẹp.
Có người nói ờ không chịu được thì xin mời ra khỏi bộ máy. Sự đời đâu có đơn giản kiểu vậy. Một khi vào bộ máy nhà nước là đã như cái nghiệp, cái chức nghiệp của người ta, phần đông muốn gắn bó cả đời.
Đang có tâm tư, đối mặt nhiều khó khăn mà vẫn tìm lối thoát để từ ngày 1/7 vẫn có mặt nơi công sở để thực thi công vụ như bình thường thì quả là một sự phi thường. Và chính cái sự chấp hành, tuân thủ của đội ngũ người làm việc khiến cho một lần nữa xã hội thấu hiểu thêm con người công vụ ở đất nước ta.
Tạo ra thời khắc lịch sử của đất nước đã là một việc cực khó, phải vượt qua muôn vàn trở ngại, nhưng có lẽ cái khó hơn lại chính là giữ cho được đúng, giữ cho được về lâu dài đây vẫn là thời khắc lịch sử của đất nước. Thời khắc lịch sử này trường tồn cùng đất nước.
Hãy hình dung sau khi dời đô từ Hoa Lư về Đại La năm 1010 và sau đó triều nhà Lý không tồn tại được 216 năm mà suy tàn rất nhanh sau 20-30 năm, thì liệu thời khắc dời đô năm đó có được coi là thời khắc lịch sử hay không? Con số 216 năm so với 175 năm triều nhà Trần và 143 năm triều nhà Nguyễn sau này đã nói lên phần nào sự khác biệt.
Trở lại với sự sắp xếp các đơn vị hành chính lần này, chúng ta trông đợi gì? Bao nhiêu năm 63 tỉnh, thành, nhưng các tỉnh, thành tự cân đối được ngân sách, có đóng góp cho ngân sách trung ương vẫn chỉ xung quanh con số 15-18, chưa có lúc nào đạt con số 20. Nay còn 34 tỉnh, thành chắc sẽ phải có sự thay đổi lớn ở con số này.
Sắp xếp lại giang sơn mà giang sơn không phát triển vượt bậc thì sự sắp xếp không còn bao ý nghĩa. 15, 20 năm nữa, đất nước phát triển, 34 tỉnh, thành và 3.321 xã, phường phát huy được không gian phát triển nhờ việc sắp xếp lại giang sơn và Việt Nam vươn lên trở thành một quốc gia hùng cường, hưng thịnh thì điều ấy sẽ chứng tỏ câu chuyện thời khắc lịch sử 2025 là hoàn toàn phát huy giá trị, thực sự giữ được vai trò lịch sử của nó trên con đường đi lên của đất nước.
Hãy hy vọng và trông đợi kỳ tích sẽ đến với đất nước từ thời khắc lịch sử này.
Tiến sĩ Đinh Duy Hòa
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/hay-giu-dung-la-thoi-khac-lich-su-2416389.html