Vang vọng tiếng chuông chùa đánh dấu thời khắc lịch sử 'sắp xếp lại giang sơn'

Vang vọng tiếng chuông chùa đánh dấu thời khắc lịch sử 'sắp xếp lại giang sơn'
5 giờ trướcBài gốc
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được – người vừa được tin tưởng giao trọng trách chèo lái đô thị lớn nhất cả nước đã chọn sự khởi đầu bằng một hồi chuông ngân vang.
Đúng 6giờ sáng 1/7, ba hồi chuông trống Bát Nhã đồng loạt thỉnh lên trên khắp mọi miền đất nước, đánh dấu bước chuyển mình lịch sử.
Ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp - Kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Buổi sáng ngày đầu tháng Bảy, bầu trời dịu mát, những tia nắng đầu tiên len qua từng kẽ lá, lặng lẽ soi sáng cổng chùa như thể chính thiên nhiên cũng đang nhẹ lòng trước một thời khắc thiêng liêng.
Trong thời khắc ấy, dòng người khoan thai bước chậm, cúi đầu đảnh lễ, lặng lẽ tiến vào khuôn viên các ngôi chùa lớn nhỏ – nơi sáng nay 1/7, ba hồi chuông trống Bát Nhã được thỉnh lên cùng lúc trên khắp đất nước, đánh dấu một bước chuyển mình lịch sử: ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Tại chùa Vĩnh Nghiêm, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đánh chuông trong ngày làm việc đầu tiên sau sắp xếp.
Sáng ngày đầu tiên, trên cương vị người đứng đầu chính quyền thành phố, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đã có một hành động giản dị nhưng đầy ý nghĩa: cùng các phật tử trang nghiêm đánh chuông, mong muốn quốc thái dân an, khởi đầu một giai đoạn chuyển mình lịch sử.
Từ rất sớm, sân chùa Vĩnh Nghiêm đông đảo bá tánh thập phương về dự nghi thức gióng ba hồi chuông trống Bát Nhã.
Bà con thành tâm khấn vái cầu cho quốc thái, dân an, người dân an lành hạnh phúc.
Không diễn văn dài dòng, không nghi lễ rườm rà. Trong làn khói trầm hương lan tỏa giữa không gian thanh tịnh của ngôi chùa cổ kính, tiếng chuông ngân vang như xua tan bụi bặm thế sự, mở ra một khoảng lặng tinh khôi cho thành phố vừa chuyển giao lãnh đạo.
Cụ ông Trần Văn Hiếu, 84 tuổi, chắp tay rưng rưng. “Tôi đã đi chùa hơn nửa đời người rồi, nhưng hôm nay là lần đầu tiên thấy tiếng chuông trống có sức mạnh đến như vậy. Nó không chỉ vang trong chùa, mà như vọng khắp lòng người. Tôi cảm thấy như tổ quốc đang thức dậy bằng một tấm lòng rất nhẹ, rất sâu, rất từ ái.”
Khuôn viên Việt Nam Quốc Tự – trung tâm của Giáo hội Phật giáo TP.HCM, hàng trăm tăng ni, Phật tử và người dân đã cùng tụ hội dưới mái đại hùng bảo điện.
Dưới ánh sáng dịu nhẹ của những ngọn đèn sen, ai nấy đều lặng im, chờ đợi tiếng chuông đầu tiên khởi phát.
Tại đây, Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Nghi lễ T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã có lời pháp thoại cầu cho quốc thái dân an, người dân an lành, ấm no hạnh phúc: “Sáng nay 1/7, hưởng ứng cùng hàng chục nghìn cơ sở tự viện trên cả nước, Việt Nam Quốc Tự cũng đã trang nghiêm thỉnh ba hồi chuông bát nhã.
Đây không chỉ là nghi thức cầu quốc thái dân an, mà còn là sự đồng hành của đạo Phật với một bước ngoặt trọng đại của đất nước – ngày toàn bộ bộ máy hành chính chính thức vận hành theo mô hình mới, tinh gọn và hiện đại.
“Phật giáo luôn lấy tinh thần hòa hợp và đồng hành cùng dân tộc làm cốt lõi. Do đó, việc các tùng lâm, tu viện đồng loạt thỉnh chuông vào sáng nay cũng là cách để thỉnh Phật chứng minh, tiếp năng lượng an lành cho sự kiện quan trọng này, mở ra một kỷ nguyên mới của hòa bình, phát triển và tiến bộ dân tộc”, Hòa Thượng nhấn mạnh.
Lời hiệu triệu vừa dứt, ánh mắt người này gặp ánh mắt người kia đã đủ đầy một sự đồng cảm thiêng liêng.
Bắt gặp thanh niên trẻ mắt long lanh hướng lên trời cao, Nguyễn Minh Tùng (sinh viên năm cuối Đại học Sư phạm) xúc động nói: “Thật lạ, chỉ với mấy hồi chuông trống mà lòng mình cảm thấy thanh thản đến thế. Như thể có ai đó dạy mình cách sống chậm lại, hiểu nhau hơn. Mình nghĩ hôm nay không chỉ là một sự kiện chính trị – hành chính, mà là một dấu mốc nhân văn rất sâu sắc.”
Việt Nam đang bước vào giai đoạn đầy thử thách nhưng cũng không kém phần kỳ vọng: chuyển đổi số toàn diện, đô thị hóa mạnh mẽ, và khát vọng vươn lên thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Thời khắc 6 giờ sáng – khi ba hồi chuông trống vang lên, như nhịp tim của Tổ quốc đang bắt đầu nhịp đạp mạnh mẽ cho một chặng đường mới vươn mình.
Không chỉ là một nghi lễ Phật giáo, ba hồi chuông trống Bát Nhã sáng nay đã trở thành thông điệp tâm linh sâu sắc cho hàng triệu người con đất Việt: lời nhắc nhở về tỉnh thức, trí tuệ, từ bi và hy vọng. Tiếng chuông, tiếng trống như xua đi bao âu lo, thắp lên niềm tin cho một thời kỳ mới – nơi con người gắn bó với nhau bằng sự cảm thông, nơi sự điều hành được soi sáng bởi tâm và trí.
Tại Tổ Đình Từ Nghiêm, bà Lê Thị Bích Thu, 62 tuổi, ở Gò Vấp, xúc động chia sẻ: “Tiếng chuông như gọi mình về với những điều thiện lành, như thức tỉnh cả tâm hồn. Trong thời khắc đất nước đang chuyển mình, được chứng kiến, được lắng nghe và cùng cầu nguyện, tôi cảm thấy mình thực sự đang sống trong một khoảnh khắc lịch sử.”
Nhiều người không rời đi vội sau nghi lễ. Họ ở lại thêm, chắp tay niệm Phật, hoặc chỉ lặng yên dưới mái chùa rợp bóng cây. Không gian ấy, thời khắc ấy, không cần đến những lời phô trương hay tuyên ngôn, vẫn đủ để gợi lên lòng biết ơn, sự tôn kính và niềm hy vọng thẳm sâu nơi mỗi người.
Tiếng chuông, tiếng trống – tưởng chừng đơn sơ – lại là cả một triết lý sống mà Phật giáo Đại thừa đã gửi gắm hàng nghìn năm qua.
Chuông là âm thanh của tỉnh thức, đánh thức lòng người ra khỏi mê muội. Trống là âm thanh của trí tuệ, như con thuyền vượt biển khổ, dẫn dắt muôn loài đến bờ an vui. Khi vang lên cùng nhau, chuông trống Bát Nhã mang hàm nghĩa “tuệ giác Phật giáo” – là minh triết, là lòng từ, là khát vọng vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hữu Long - Tấn Đạt
Nguồn Du lịch TP.HCM : https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/vang-vong-tieng-chuong-chua-danh-dau-thoi-khac-lich-su-sap-xep-lai-giang-son-c8a99961.html