HĐND Nghệ An chất vấn hai nội dung trọng điểm tại Kỳ họp thứ 31Bài cuối: Làm rõ trách nhiệm đối với tình trạng hàng giả

HĐND Nghệ An chất vấn hai nội dung trọng điểm tại Kỳ họp thứ 31Bài cuối: Làm rõ trách nhiệm đối với tình trạng hàng giả
7 giờ trướcBài gốc
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Theo Báo cáo của Sở Công Thương: từ đầu năm 2024 đến hết tháng 5/2025, toàn tỉnh Nghệ An đã kiểm tra, xử lý 8.339 vụ vi phạm, giảm 23,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số vụ khởi tố là 1.378 vụ, liên quan 1.857 đối tượng, với tổng số tiền thu phạt và truy thu thuế gần 400 tỷ đồng… cho thấy tình hình vi phạm ngày càng phức tạp, quy mô lớn.
Hàng giả, hàng nhái xuất hiện ở hầu hết các phân khúc, từ hàng tiêu dùng phổ biến, như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, linh kiện điện tử… đến các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, thực phẩm tươi sống. Báo cáo cũng nêu rõ: các mặt hàng giả mạo thương hiệu lớn như Apple, Gucci, Dior, Chanel, Nike… với công nghệ, kỹ thuật sản xuất ngày càng hoàn chỉnh, kích thích thị hiếu mua sắm của người tiêu dùng.
Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện, xử lý chân gà, đuôi lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Bùi Chung
Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, tình trạng vi phạm vẫn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là các vụ việc như sản xuất 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất cấm “nước kẹo” để kích thích tăng trưởng... Các thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi. Các đối tượng thường chia nhỏ hàng hóa, vận chuyển vào thời điểm đêm khuya hoặc sáng sớm, hợp thức hóa bằng hóa đơn không đúng thực tế, ngụy trang trên các phương tiện vận tải... Đặc biệt, hoạt động buôn bán hàng giả đã và đang “chuyển sàn” mạnh mẽ sang các nền tảng số, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát truyền thống.
Một thực tế được ngành công thương Nghệ An chỉ ra là: công cụ quản lý thương mại điện tử, hệ thống truy vết, công nghệ kiểm tra nhanh tại chỗ còn rất hạn chế, trong khi tốc độ phát triển của các nền tảng số lại quá nhanh, tạo ra “khoảng trống” lớn trong công tác quản lý. Một số cán bộ ở cấp cơ sở thiếu quyết liệt, buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho vi phạm kéo dài, tái diễn…
Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”
Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều kế hoạch, chỉ thị để đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong năm 2024, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành hơn 36 văn bản chỉ đạo, triển khai các đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại. Các ngành: công thương, y tế, nông nghiệp, hải quan, thuế, công an… đã vào cuộc đồng bộ, bước đầu đạt kết quả tích cực.
Đặc biệt, Nghệ An đã xác định hai mặt hàng trọng điểm phải xóa bỏ triệt để là thuốc giả và thực phẩm giả, với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đồng thời, tỉnh siết chặt kiểm soát các mặt hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc trên môi trường số.
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh, Nghệ An đang triển khai ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI)… trong quản lý thị trường, truy vết nguồn gốc sản phẩm. Ngành thuế đã đưa ra giải pháp quản lý thuế qua hóa đơn điện tử, niêm phong kẹp chì công tơ tổng xăng dầu và quản lý đồng hồ tổng trên các phương tiện đo xăng dầu nhằm hạn chế gian lận thương mại, thất thu thuế, buôn bán xăng dầu nhập lậu…
Song song với công tác “chống”, tỉnh đặc biệt chú trọng hoạt động “xây”: hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy sản xuất sản phẩm OCOP, mở rộng hệ thống phân phối hàng Việt về vùng sâu, vùng xa, duy trì các chương trình “Tự hào hàng Việt Nam”, “Phiên chợ hàng Việt về miền núi”… để người dân dễ tiếp cận hàng hóa an toàn, rõ nguồn gốc.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn cần được chất vấn, làm rõ tại nghị trường, như: trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm kéo dài? Việc xử lý cán bộ tiếp tay cho vi phạm có nghiêm minh hay không? Các “lỗ hổng” pháp luật, bất cập trong phối hợp đã được khắc phục chưa? Hệ thống kiểm tra, giám định đã được đầu tư đúng mức?...
Nhiều cử tri cho rằng, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Nghệ An cần chất vấn sâu các sở, ngành liên quan để làm rõ những "điểm nghẽn" như quy trình xử lý vi phạm, cơ chế phối hợp, giám sát, đến việc thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản lý, kiểm soát thị trường…
Một trong những nội dung quan trọng được Sở Công Thương Nghệ An gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành, Trung ương là sớm ban hành Luật Thương mại điện tử nhằm siết chặt quản lý hoạt động buôn bán trực tuyến, xử lý mạnh tay các hành vi vi phạm; làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành địa phương, các cơ quan chức năng với các mô hình hoạt động thương mại điện tử và các đối tượng livestream bán hàng...
Thực tế cho thấy, đấu tranh với hàng giả, hàng kém chất lượng không đơn thuần là nhiệm vụ quản lý thị trường mà còn gắn chặt với quyền lợi người dân, an toàn sức khỏe cộng đồng và sự lành mạnh của môi trường đầu tư. Kỳ họp thứ 31 tới là dịp để các đại biểu HĐND tỉnh chất vấn, giám sát, làm rõ trách nhiệm. Đây cũng chính là thời điểm để toàn hệ thống chính trị Nghệ An cùng củng cố quyết tâm: hàng giả, hàng bẩn không còn “đất sống” - vì một Nghệ An an toàn, minh bạch, hấp dẫn nhà đầu tư và đáng tin cậy với người tiêu dùng.
Diệp Anh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/hdnd-nghe-an-chat-van-hai-noi-dung-trong-diem-tai-ky-hop-thu-31-bai-cuoi-lam-ro-trach-nhiem-doi-voi-tinh-trang-hang-gia-10379012.html