Ngày 11/12, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức buổi tọa đàm “Triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và xây dựng tiêu chí Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Tại tọa đàm, nhiều kinh nghiệm và các giải pháp thiết thực, cụ thể đã được thảo luận, nhằm xây dựng các tiêu chí con người Thủ đô mang đậm tính đại diện cho vị thế Hà Nội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Ảnh minh họa.
Phát biểu đề dẫn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định: “Trong thời đại Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội rất vinh dự và tự hào đón nhân danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng. Được bạn bè quốc tế tôn vinh Thành phố Anh hùng, Thành phố Hòa Bình, Thành phố sáng tạo. Chính vì vậy, xây dựng và phát huy hình ảnh con Người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, thân thiện, văn minh, hòa bình và sáng tạo đã luôn được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và toàn bộ hệ thống chính trị Thành phố”.
Tại quận Hoàn Kiếm, những năm qua, quận đã tích cực triển khai nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng và phát triển giá trị gia đình. Bà Trần Thị Thúy Lan – Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đã thực hiện nghiêm túc Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình theo Quyết định 224/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông qua việc tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử, tổ chức các hoạt động trong các ngày lễ lớn như ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và các Tháng hành động vì bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình.
Công tác xây dựng gia đình văn hóa được quan tâm đặc biệt với việc tuân thủ chặt chẽ quy trình đăng ký, bình xét và công nhận danh hiệu. Kết quả đạt được là tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 88% theo chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025. Quận đã thành lập và duy trì hiệu quả các câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ văn hóa gia đình trên địa bàn 18 phường.
Về xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh, quận đã triển khai hiệu quả hai bộ quy tắc ứng xử của thành phố. Trong mỗi gia đình, việc giáo dục con cháu được chú trọng, với cha mẹ là tấm gương về ứng xử văn hóa. Các giá trị về bình đẳng giới được đề cao, tạo điều kiện cho vợ chồng có cơ hội ngang nhau trong hoạt động kinh tế và quyết định gia đình. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa giá trị truyền thống và hiện đại...
Còn tại xứ Đoài, đặc biệt là Làng cổ Đường Lâm tại thị xã Sơn Tây, đã và đang phát triển những giá trị văn hóa gia đình và chuẩn mực về người Hà Nội thanh lịch, văn minh đặc sắc. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng, Làng cổ Đường Lâm với 5 thôn (Đông Sàng, Mông Phụ, Cam Lâm, Cam Thịnh, Đoài Giáp) trên diện tích 164 ha đã duy trì và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo trong các gia đình.
Điểm nổi bật là hệ thống nhà cổ đá ong, nơi sinh sống của 3-4 thế hệ trong mỗi gia đình, vẫn bảo tồn được những phong tục văn hóa truyền thống như tín ngưỡng, quan hệ xưng hô, ăn uống, sinh hoạt và phân chia vai trò trong gia đình. Các giá trị cốt lõi được thể hiện qua sự gắn bó bền chặt, tính thống nhất chia sẻ, tinh thần chủ động về kinh tế và sự đùm bọc yêu thương giữa các thành viên.
Đời sống văn hóa gia đình tại Làng cổ được thể hiện qua nhiều hoạt động như: duy trì bữa cơm gia đình truyền thống, tổ chức các ngày lễ tết quan trọng, thực hành tín ngưỡng tâm linh tại các đình chùa, và đặc biệt là việc bảo tồn các phong tục như lễ Chạp họ, xông đất, gánh nước sáng mồng một Tết. Văn hóa ẩm thực trong các gia đình vẫn giữ được nét đặc trưng với các món ăn truyền thống, đặc biệt là trong dịp Tết cổ truyền.
Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tốt đẹp được bảo tồn, vẫn còn một số hạn chế như: Tình trạng ăn uống lãng phí, tục trọng nam khinh nữ, thói quen uống rượu quá đà, và sự du nhập của các yếu tố văn hóa ngoại lai không phù hợp. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc cân bằng giữa bảo tồn giá trị truyền thống và tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa hiện đại, nhằm xây dựng môi trường văn hóa gia đình lành mạnh, góp phần phát triển bền vững cộng đồng…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cũng cho hay, hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Hà Nội đứng trước nhiều cơ hội lớn nhưng cũng đối diện với không ít thách thức. Quán triệt sâu sắc, toàn diện nội dung hệ giá trị Việt Nam được đúc kết theo các văn kiện của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; kết quả các Hội thảo quốc gia, các vùng kinh tế xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức về “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, gồm: (1) Hệ giá trị văn hóa: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; (2) Hệ giá trị gia đình: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; (3) Hệ giá trị con người Việt Nam: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Phương Bùi